Bộ phim Thương nhớ ở ai sở hữu nội dung hấp dẫn, cảnh quay đẹp mắt nhưng chỉ được khán giả chú ý vì những lý do bên lề.
Trong thời gian gần đây, Thương nhớ ở ai là bộ phim truyền hình đặc biệt khi có nội dung hấp dẫn, kịch tính và những cảnh quay đậm chất điện ảnh. Tuy nhiên, bộ phim này chỉ được khán giả biết đến và tranh luận vì những lùm xùm: diễn viên không mặc nội y, thoại phim nhạy cảm…
Đây thực sự là một điểm đáng tiếc cho ê kíp làm phim và cả khán giả. Bởi đã rất từ rất lâu rồi, màn ảnh nhỏ Việt Nam mới có một bộ phim hay đến như vậy.
Trailer Thương nhớ ở ai
Chất lượng từ nội dung đến hình ảnh và âm nhạc
Thương nhớ ở ai là bộ phim khắc hoạ rõ nét số phận người nông dân, đặc biệt là những người phụ nữ ở giai đoạn lịch sử sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Làng Đông chỉ có phụ nữ, người già và trẻ con vì những người đàn ông ra đi tham gia vào cuộc chiến hào hùng của dân tộc rồi mãi chẳng trở về.
Những người phụ nữ ở độ tuổi xuân thì, khao khát được yêu thương nhưng rồi vì những hủ tục, tư tưởng phong kiến mà phải tự nhốt tâm hồn mình lại. Họ không dám bước ra khỏi những lằn ranh mà những người xung quanh vẽ ra cho mình. Những lần đấu tố, ánh mắt dòm ngó, nghi kị và những lời xì xào bàn tán sau lưng đã “bóp chết” trái tim những người phụ nữ làng Đông.
Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm tâm hồn, những người đàn bà sớm phải chịu cảnh goá bụa vẫn mong ngóng có được hạnh phúc bình dị nhất. Họ thường hay tụ họp ở bến không chồng vì tương truyền ở đây có một con quái vật chuyên bắt đàn bà về làm vợ. Câu chuyện đậm màu huyền bí nhưng lại khắc hoạ rõ nét bi kịch và khao khát được yêu đương của mỗi người đàn bà nơi đây.
Thương nhớ ở ai đưa đến câu chuyện đậm chất nhân văn về những tình cảm bình dị nhưng đẹp đẽ nhất của mỗi con người. Không những thế, bộ phim còn lên án những hủ tục và tư tưởng phong kiến lạc hậu: cạo trọc bôi vôi, thả trôi sông những phụ nữ không chồng mà chửa; trọng nam khinh nữ; đa thê đa thiếp… Ngay cả những sai lầm trong quá trình xây dựng chính quyền sau khi chiến tranh vừa kết thúc cũng được khai thác một cách chân thực và khách quan.
Bên cạnh nội dung kịch tính, nhiều cao trào, Thương nhớ ở ai còn đầu tư bối cảnh hết sức công phu. Bộ phim có tới hơn 2000 cảnh quay kỹ xảo thực hiện trong suốt hơn 2 năm với đội ngũ hơn 40 người. Hơn thế nữa, ê kíp sản xuất đã phải lặn lội đi tới 18 ngôi làng khác nhau để quay và nối lại thành hình ảnh một làng Đông – một làng quê Bắc Bộ điển hình những năm 1950. Có thể nói hình ảnh cây đa, bến nước, đình làng… trong Thương nhớ ở ai là một ngôi làng Bắc Bộ thuần khiết, đẹp bình dị đến nao lòng.
Âm nhạc trong phim cũng chạm sâu vào trái tim người xem bởi nó là sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc dân tộc (ca trù, hát chèo, hát xẩm…) và âm nhạc phương Tây. Ít khi nào âm nhạc dân tộc lại được khán giả trẻ ủng hộ nhiệt tình trong một bộ phim như Thương nhớ ở ai. Những bài hát da diết kết hợp cùng với tình tiết phim khiến người xem day dứt mãi không nguôi. Thương nhớ ở ai dường như đã viết thêm một câu chuyện mới cho những bài hát tưởng chừng đã xưa lắm rồi.
Dàn diễn viên không nổi tiếng nhất nhưng hợp vai
Thương nhớ ở ai gồm nhiều cái tên quen nhưng cũng có nhiều cái tên lạ: Thanh Hương, Hồng Kim Hạnh, Ngọc Anh, Jimmii Khánh, Lâm Vissay… Dù không quá nổi nhưng dàn diễn viên của bộ phim vẫn để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả vì diễn rất tròn vai.
Họ hoàn toàn nhập vai và đưa đến những Nương, Đột, Liễu, Vạn, Hơn, Tí Hin… của làng Đông những năm 1950 đầy chân thật. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh hẳn phải rất hiểu cái hồn nhân vật của mình và khả năng của từng diễn viên mới có thể lựa chọn ra một dàn diễn viên hợp vai đến thế.
Gây tranh cãi vì những câu chuyện bên lề
Dù hay và tốt đến như vậy nhưng Thương nhớ ở ai chỉ được khán giả quan tâm vì những lùm xùm bên lề. Việc nữ diễn viên chỉ mặc áo yếm chứ không mặc nội y trong phim khiến dư luận phản đối gay gắt. Hay những câu thoại nhạy cảm giữa nhân vật Hơn (Hồng Kim Hạnh) và “bà cán bộ” Tí Hin (Trương Phương) cũng bị người xem lên án vì cho rằng không hợp với trẻ em…
Tuy nhiên, đạo diễn Lưu Trọng Ninh giải thích sự việc gây tranh cãi này rằng: “Các cụ mặc như nào thì mình mặc như thế”. Diễn viên Thanh Hương cũng chia sẻ rằng: "Nếu chúng tôi mặc áo ngực, nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả lớn tuổi sẽ đặt câu hỏi rằng thời đó các cụ làm gì có áo ngực trong áo yếm. Làm phim có bối cảnh ngày xưa rất cần phải có sự chân thực với lịch sử".
Rất ít khán giả bình luận xem nội dung của bộ phim có gì hấp dẫn, diễn viên diễn xuất ra sao, bối cảnh có thực sự phục dựng được cảnh làng quê miền Bắc những năm 50 hay không... Dường như quan tâm lớn nhất của người xem chỉ dừng lại ở phục trang của nhân vật mà bỏ qua những điểm đặc sắc ở phần nội dung.
Giá như khán giả mở rộng điểm nhìn, xem xét một cách khách quan hơn thì Thương nhớ ở ai đã có thể lan toả những giá trị nhân văn và giá trị văn hoá truyền thống của mình một cách đúng đắn hơn.