Theo dõi Hoa hồng trên ngực trái, khán giả đều mong rằng Khuê tìm được hạnh phúc của đời mình. Tuy nhiên, nếu không thay đổi bản thân thì cô rất dễ rơi vào bi kịch như cuộc hôn nhân trước đó.
Hoa Hồng Trên Ngực Trái: Cảnh gia đình Khuê tan vỡ khiến khán giả không khỏi đau lòng (Nguồn video: Fanpage phim)
“Gia đình hạnh phúc chỉ có một loại thôi, nhưng gia đình bất hạnh thì tất cả đều khác nhau.”
(Anna Karenina – Leo Tolstoy)
Và trong Hoa hồng trên ngực trái, có tới hơn một kiểu gia đình bất hạnh.
Khán giả xem phim hàng tuần đều chờ đợi sự thay đổi trong cuộc sống của nhân vật Khuê (Hồng Diễm), khi nào cô được giải thoát khỏi cái mái nhà... thủng ấy với cuộc hôn nhân thiếu tình yêu và sự tôn trọng, khi nào cô không còn phải khổ sở và rơi nước mắt vì vụ ngoại tình công khai của chồng. Ngay cả khi Khuê đã thật sự được giải thoát rồi thì đến lúc nào nào cô mới vững vàng với cuộc sống mới?
Khuê khổ, đó là chuyện khán giả sau 20 tập Hoa hồng trên ngực trái đều thấy rõ. Cô dành hầu hết tuổi trẻ để chăm lo cho chồng và hai đứa con, cộng thêm gánh nặng từ gia đình nhà mẹ đẻ. Cuối cùng thứ cô nhận được chỉ là một tờ đơn ly hôn, sự hắt hủi từ người chồng và sự coi thường ra mặt của cô “tiểu tam” Trà (Lương Thanh) trơ trẽn.
Khuê hiền lành, đảm đang, nhẫn nhịn, còn Thái (Ngọc Quỳnh), hầu như lúc nào ở bên vợ cũng chỉ có những biểu cảm và hành vi quen thuộc: trừng mắt, dọa nạt, chì chiết và miệt thị. Dù mẹ chồng của Khuê có tốt tính và thương con dâu đến đâu, cuộc hôn nhân của Khuê và Thái cũng vẫn sụp đổ bởi sự coi thường và bội bạc của anh ta.
Nhưng, có phải thật sự là thế? Rằng Thái là nguyên nhân duy nhất cho bất hạnh của đời Khuê?
Nhìn lại một chút hồi mới lấy nhau, cuộc sống của cả hai vợ chồng đã từng rất khác cơ mà? Khi ấy, dù chỉ là trong những khoảnh khắc hồi ức ngắn ngủi của Khuê, Thái lúc nào cũng cười và dịu dàng với cô. Người đàn ông từng nâng niu cô và người chồng luôn mỉa mai cô không biết kiếm tiền, chỉ biết ăn bám và bào mòn anh ta - hóa ra đều là một.
Ban đầu, anh ta đâu có xử tệ với cô, dù phải cưới nhau do Khuê có bầu trước thì Thái vẫn rất chiều chuộng và mong chờ đứa con ra đời. Vậy mà, sau này cũng chính Thái lạnh lùng nói rằng, chỉ vì Khuê có bầu nên anh ta mới phải cưới cô.
Chuyện gì đã xảy ra vào khoảng thời gian hôn nhân ấy? Có phải Thái tự dưng xấu xa đi và thay đổi tính tình theo thời gian?
Không hẳn là vậy. Hai người ly hôn do Thái có mới nới cũ, hắt hủi người vợ từng đầu gối tay ấp, nhưng chính Khuê cũng có một phần trách nhiệm trong việc biến cuộc hôn nhân của mình trở thành mồ chôn của tình yêu.
Bởi trong chính cuộc hôn nhân này, chính Khuê đã lùi bước và thỏa hiệp quá nhiều.
“Chính cô còn chả yêu thương nổi bản thân mình, thì mong chờ gì người khác yêu thương mình?” – Bảo nói với Khuê sau khi cô lảo đảo lao ra trước mũi xe ô tô trong lúc chếnh choáng sau khi rời khỏi phiên tòa ly hôn.
Bảo nói đúng, Khuê phải học cách yêu thương bản thân mình trước. Nhưng bản thân cô là ai mới được? Nếu tước bỏ đi vai trò là vợ của Thái, là mẹ của hai đứa trẻ, thì Khuê còn lại gì? E rằng chính cô cũng không trả lời nổi.
Từ khi bước chân vào cuộc sống gia đình, Khuê đã lựa chọn từ bỏ bản thân cô và để chồng, con trở thành cuộc sống của mình. Cô rất đảm đang, chu đáo, chăm sóc người khác rất tốt, nhưng lại bỏ mặc việc chăm sóc chính mình.
Vì có con sớm mà Khuê chỉ học hết cấp 3, và sau khi lập gia đình cô cũng từ bỏ việc trau dồi kiến thức cũng như nâng cao giá trị bản thân, mở mang các mối quan hệ. Mọi việc trong nhà cũng đều do chồng cô quyết định. Khuê hàng ngày bận bịu với cuộc sống của người khác, đến nỗi cô trở nên rất mờ nhạt trong cuộc sống của chính mình.
Có nhiều người phụ nữ như Khuê, luôn hy sinh hết mình cho chồng con. Sự hy sinh ấy vốn chưa bao giờ là xấu, bởi nó đến từ tình yêu và sự trân trọng của người phụ nữ cho gia đình.
Nhưng khi sự hy sinh ấy đi kèm với sự lùi bước và đánh mất tiếng nói cá nhân, thì e rằng đã là một sự thỏa hiệp không tốt lành. Nó dần dần biến người phụ nữ thành kẻ phụ thuộc vào niềm vui, nỗi buồn của kẻ khác và đánh mất vị thế trong chính ngôi nhà của mình.
Không phải tự dưng Thái lại bị hấp dẫn bởi Trà. Thái bội bạc và tồi tệ với vợ, ham của lạ, còn Trà trẻ trung, quyến rũ (và nham hiểm) đó là điều ai cũng thấy rõ. Dẫu vậy, ở Trà có sự độc lập, kiêu hãnh, biết mình muốn gì và kiến thức để có thể cùng Thái chia sẻ trong công việc – đó mới chính là điểm mà Thái không thể tìm thấy ở vợ mình.
Thái đã sai khi đi ngoại tình, vậy còn Khuê, có lẽ cũng đến lúc cô nên nhìn nhận lại sự thỏa hiệp của mình và bắt đầu thay đổi?
Khuê có một bà mẹ đẻ luôn nhân danh gia đình và các mối quan hệ ruột thịt ra để buộc cô phải làm điều bà muốn: chu cấp tài chính bất cứ khi nào gia đình cô cần, dù đó là để mua sắm hay chuộc nợ cho em trai cô. Giúp được gia đình, Khuê được nghe mẹ nói ngon ngọt, được coi là người con có trách nhiệm. Còn khi không giúp được, ngay lập tức mẹ Khuê chì chiết con gái là đồ ngu, đồ vô tích sự, khiến cô có cảm giác vô cùng tội lỗi.
Có kiểu tình yêu nào luôn đi kèm sự thao túng và ép buộc như thế chăng? Không! Đó không phải là tình yêu, đó chỉ là sự lợi dụng.
Khuê đánh đồng tình yêu gia đình đồng nghĩa với sự hy sinh, nên cô đã thỏa hiệp hết lần này đến lần khác trước những đòi hỏi không có điểm dừng của mẹ. Chỉ tiếc là cô lùi một bước thì gia đình cô lại tiến thêm một bước, cứ như vậy dồn cô vào đường cùng. Đổi lại cho sự nhượng bộ của mình, Khuê chỉ nhận được thái độ dửng dưng và lạnh nhạt của mẹ khi cô ly hôn, không còn khả năng chu cấp cho nhà đẻ nữa.
“Em cũng phải học cách nói “Không” với gia đình mình đi.” Thái từng giận dữ với Khuê.
Dẫu Thái đã nói rất nhiều câu không phải với Khuê, nhưng lần này, anh ta hoàn toàn có lý. Một con người không biết cách từ chối, không biết cách nói “Không”, dù là với những đòi hỏi bất hợp lý nhất, dần dần sẽ đánh mất sự tôn trọng từ người khác và đánh mất cả sự tự tôn của chính mình.
Trong trường hợp của Khuê, sự thỏa hiệp của cô với gia đình còn gây ảnh hưởng tiêu cực lên cả mối quan hệ vợ chồng. Đâu phải tự dưng Thái lại thay đổi hoàn toàn sau thời gian chung sống với cô? Có thể anh ta ích kỉ, độc đoán, coi thường vợ, nhưng Khuê có bao giờ nghĩ rằng chính việc phải thường xuyên đứng ra gánh lấy gánh nặng tài chính từ nhà thông gia đã khiến Thái mệt mỏi và cho rằng giá trị của mình chỉ là cái máy ATM không hơn không kém?
Trong bộ phim Hoan Lạc Tụng của truyền hình Trung Quốc, có nhân vật Phàn Thắng Mỹ (do Tưởng Hân đóng) rất giống với Khuê ở điểm phải thường xuyên gồng gánh tài chính cho người anh cả, phải kiếm tiền để lấp đầy “hố không đáy” của gia đình. Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn, đến một ngày Phàn Thắng Mỹ đã phải kiên quyết nói “Không” và dứt khoát với sự bòn rút từ gia đình, dù cái giá đổi lại là sự ghét bỏ của mẹ ruột, và sự thanh thản cũng như tự do của đời cô bắt đầu từ đây.
Còn Khuê, nếu như cô không học được cách nói “Không” với những đòi hỏi vô lý từ gia đình, e rằng dù có ly hôn, hay tái hôn và có hạnh phúc mới, thì sự thỏa hiệp của cô cũng sẽ sớm phá hỏng mọi thứ.
Khuê đã lùi quá nhiều bước, nên tiếng nói của cô dần trở nên rất nhỏ, đến một lúc hầu như không ai buồn nghe cô nói gì nữa. Cô đã sống trong một cuộc hôn nhân trong đó tự tôn là thứ được bỏ lại đằng sau cánh cửa.
Trước khi ly hôn và quyết định dọn ra ngoài, Khuê đã rất nhiều lần bỏ qua lòng tự trọng của mình để mà cầu xin Thái giúp đỡ em trai cô, gia đình cô, mong Thái xem xét lại cuộc hôn nhân dù anh ta đã công khai ngoại tình và luôn luôn chỉ trung thành với một loại biểu cảm: khinh miệt vợ.
Khuê từng không dám buông bỏ với lý do cô đưa ra là muốn con được sống với đầy đủ bố và mẹ, dù chồng cô đã khiến cô tổn thương và đau đớn. Nhưng thực ra, khi ấy cô chỉ muốn đưa ra một lựa chọn mà mình không phải đánh đổi quá nhiều.
Trớ trêu thay, Khuê thà sống với một người làm cô đau khổ còn hơn là tự đứng dậy, ra ngoài kia vất vả làm việc để nuôi con. Cô không muốn hai con chịu khổ, nhưng cô thà để lũ trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc và mẹ chúng bị coi thường còn hơn là gạt nước mắt và sống bản lĩnh hơn.
Trong truyện cổ tích, những nàng công chúa thường đợi hoàng tử đến giải thoát và sống hạnh phúc trọn đời. Nhưng ngoài đời thực, cổ tích chỉ đến với những ai biết nỗ lực và thay đổi. Nếu muốn có được chiếc giày thủy tinh hay một đôi giày hợp với mình, Khuê hay bất cứ người phụ nữ nào cũng đều phải tự thân tìm kiếm và phấn đấu, dù có sự xuất hiện của một người đàn ông nào đó như Bảo hay không.
Chỉ có Khuê mới có thể thay đổi thái độ với sự thỏa hiệp trước đây của cô, từ đó tìm lại chính mình và sống một cuộc đời trọn vẹn hơn, kiêu hãnh hơn, đem lại hạnh phúc cho những người cô yêu thương. Nếu muốn thế thì cô phải học cách từ từ bước lên, thay vì lùi xuống. Và một ngày, đôi giày phù hợp lẫn cả chàng Hoàng tử xứng đáng với cô sẽ từ từ xuất hiện.