Mối tình đơn phương bước ra từ trang sách “Mắt Biếc” của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được đạo diễn Victor Vũ thể hiện đẹp đến từng khung hình và rất đỗi ám ảnh trên màn ảnh rộng.
Mắt Biếc là truyện dài nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được xuất bản lần đầu từ những năm 1990. Ngay từ khi được ra đời đến nay, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần và gắn liền với tuổi học trò của nhiều thế hệ độc giả Việt. Mới đây tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn Victor Vũ, người từng rất thành công với một Tôi thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh.
Trailer bộ phim cuốn hút người xem ngay từ những hình ảnh đầu tiên
Cuối tuần qua, phim điện ảnh Mắt Biếc chính thức được trình chiếu trên toàn quốc, và thật sự làm người xem ngỡ ngàng vì đã thể hiện được gần như trọn vẹn những cung bậc cảm xúc mà cuốn sách đã từng mang đến. Thậm chí, từng khung cảnh thơ mộng trong sách cũng đã được “hiện thực hóa” đầy lãng mạn trên màn ảnh.
Khung cảnh tuyệt đẹp trong phim khiến công chúng không thể rời mắt.
Bộ phim kể về mối tình đơn phương của Ngạn (Trần Nghĩa) dành cho cô bạn Hà Lan (Trúc Anh) suốt những năm tháng từ tuổi học trò cho đến khi trưởng thành. Từ nhỏ, Ngạn đã bị ấn tượng bởi cô bạn có đôi mắt trong veo tuyệt đẹp, bà nội cậu nói rằng đôi mắt đẹp như vậy gọi là “mắt biếc”. Và đó cũng là biệt danh mà cậu nhóc khi đó đã âm thầm đặt cho cô bạn của mình.
Đôi mắt của cô bé Hà Lan ngay từ khi xuất hiện đã khiến người xem trầm trồ.
Ngạn và Hà Lan đã có một tuổi thơ nhiều kỷ niệm tại ngôi làng Đo Đo yên bình. Họ từng chơi cút bắt qua khu rừng sim tím bạt ngàn, hay thả hồn lang thang trên ngọn đồi cao, ngắm nắng buông mình qua từng kẽ lá,... Trong suốt những ngày thơ trẻ cho đến khi bước vào tuổi ô mai, khi trái tim đã biết lên tiếng thổn thức trước tình yêu, Ngạn đã biết rằng mình thương Hà Lan, thương nhiều lắm.
Nhưng niềm thương đó lại chưa một lần được tỏ bày, tất cả những gì chàng trai mới lớn khi đó dám thể hiện, chỉ là lời hát bóng gió xa xôi trong những khúc ca cậu viết vì cô gái ấy.
Ngạn mượn nhạc để tỏ tình, nhưng lại chỉ bóng gió xa xôi.
Lên trung học, cả hai đều phải rời làng Đo Đo để đến thành phố. Trong khi Ngạn khá xa lạ với sự phồn hoa của chốn thị thành, thì Hà Lan lại thích ứng nhanh chóng. Cô khoác lên mình những bộ đầm kiểu cách, mái tóc cắt kiểu và những trang sức điệu đàng. Cô hâm mộ, lưu luyến trước hình ảnh người con gái khác được bạn trai chở bằng xe gắn máy, và rồi cô mê mẩn một chàng trai phố bảnh bao, sành điệu…
Hà Lan thay đổi nơi chốn thị thành hào nhoáng...
...còn Ngạn vẫn chỉ là cậu học trò ngơ ngác trước những phồn hoa .
Hà Lan phải lòng Dũng, một chàng trai thị thành chính hiệu. Anh chạy xe máy, chơi nhạc điện tử và chẳng ngại ngần thể hiện tình cảm với cô. Còn Ngạn, dù có bao nhiêu chăm sóc, yêu thương với “Mắt Biếc” của lòng anh, thì từ giờ đôi mắt ấy sẽ luôn dõi theo một người con trai khác.
Dũng, một "trai hư" chính hiệu, nhưng lại hấp dẫn được Hà Lan.
Hà Lan yêu Dũng, nhưng anh không chỉ yêu một mình cô. Vậy nên, cứ mỗi lần bị tình yêu làm cho đau khổ, Cô lại tìm đến Ngạn. Và Ngạn, tình nguyện là một con vịnh êm đềm luôn rộng vòng tay đón chiếc thuyền đau khổ mang tên Hà Lan neo lại qua cơn buồn thương, để rồi khi con sóng tình yêu mang tên Dũng vẫy gọi, cô lại ra đi…
Xem đến đây, người xem có thể oán trách, có thể bất bình vì sự vô tâm của Hà Lan, nhưng Ngạn thì không. Anh vẫn âm thầm chờ đợi, vẫn vì cô mà lo lắng, mà bất bình. Đơn phương quả thật là khổ sở, nhưng vì cô, anh chấp nhận tất thảy, ngay cả khi Mắt Biếc của anh thuộc về một người khác: Hà Lan mang thai với Dũng và rồi bị bỏ rơi…
Hà Lan đã sai lầm, đã ngã quỵ, nhưng may mắn rằng, cô vẫn có Ngạn tình nguyện ở bên chăm sóc.
Motif phim đơn giản và không xa lạ gì với các khán giả Việt, nhưng người xem vẫn dễ dàng bị hút vào mạch cảm xúc của bộ phim bởi sự thể hiện xuất sắc của Trần Nghĩa qua nhân vật Ngạn. Đặc biệt là ở ánh mắt và biểu cảm khuôn mặt.
30 phút đầu phim, chàng diễn viên trẻ khiến người xem bật cười bởi ánh mắt như ngây như dại, như bị hút hồn bởi tình yêu khi cậu đứng trước Hà Lan và tự đắm mình trong đôi mắt của cô.
Khoảng giữa phim cho đến khi Hà Lan bị bỏ rơi, người xem thấy được trên khuôn mặt cậu là sự lo lắng hẫng hụt khi Hà Lan hẹn hò với Dũng; thấy sự khổ sở, nỗ lực trong tuyệt vọng vì thua cuộc; thấy cả sự ghen tị sâu sắc khi người mình yêu không yêu mình… Qua hình ảnh của Ngạn, mọi cung bậc của tình đơn phương dường như đều được phơi bày.
Biểu cảm của Trần Nghĩa trong vai Ngạn là một yếu tố lôi cuốn cảm xúc của người xem.
Và khi cô bé Trà Long, con gái của Hà Lan ra đời, với Ngạn ta như thấy trong anh đang thắp lên một niềm hy vọng. Ánh mắt anh dõi theo bóng dáng cô bé lớn lên mỗi ngày như đang kiếm tìm một bóng hình thân thuộc xưa.
Không thể phủ nhận sự thể hiện tốt của Trần Nghĩa, anh cũng rất vừa vặn với tạo hình của Ngạn khi ở thời tuổi trẻ. Nhưng để trở thành thầy Ngạn của tuổi 35, dường như lại quá sức với gương mặt của anh. Bởi về hình ảnh hóa trang, Ngạn của 20 năm sau lại chẳng thay đổi là bao, trừ việc có thêm cặp kính... rất to.
Hình ảnh của Ngạn ở tuổi 35 dường như lại thiếu đi một phần từng trải, già dặn.
Một nhân tố khác có tác động cực kỳ to lớn về mặt hình ảnh của Mắt Biếc ngay từ khi xuất hiện, đó là diễn viên trẻ Trúc Anh- người đảm nhận vai Hà Lan. Cô có một đôi mắt rất đẹp và đó cũng là lý do khiến dư luận phải trầm trồ khi nhìn thấy cô như một Hà Lan như từ trong sách bước ra.
Hà Lan khi còn nhỏ hay ở tuổi đôi mươi, đều xin đẹp như trong tưởng tượng của nhiều người.
Diễn xuất của Trúc Anh tạm ổn. Cô làm tròn vai một Hà Lan khiến người ta thấy yêu, rồi thấy ghét và sau là thương vô cùng. Vai diễn của cô cũng đòi hỏi sự thể hiện trong từng biểu cảm lẫn nội tâm nhân vật khi mà cuộc đời nhân vật nhiều thăng trầm đến vậy. So với Ngạn, Hà Lan càng phải thể hiện được sự trưởng thành hơn, bởi cô là người trải qua biến cố, đứng lên từ sai lầm của bản thân.
Tuy nhiên, cũng giống như bạn diễn Trần Nghĩa, Trúc Anh thể hiện hình ảnh Hà Lan những năm tuổi trẻ rất ấn tượng nhưng đến hình ảnh của 20 năm sau thì khá “non”.
Ngoài ra, vì là nhân vật có chiều sâu và nhiều mâu thuẫn trong nội tâm, nên nếu Trúc Anh có thể diễn một Hà Lan lạnh lùng, lý trí và sâu sắc hơn, thì nhân vật này sẽ còn thành công hơn nữa.
Ngoài Ngạn và Hà Lan, tuyến nhân vật phụ cũng diễn tốt, đặc biệt là Khánh trong vai con gái của Hà Lan - cô bé Trà Long lém lỉnh nhưng tinh tế ở tuổi 18 đã đem lòng thầm mến "chú Ngạn" của mình.
Khánh Vân trong vai Trà Long.
Trà Long năm 18 tuổi tuy không có nhiều đất diễn nhưng lại đặc biệt ấn tượng trong mối tình đơn phương với người mà cô biết rằng đã luôn hướng về mẹ của cô.
Bên cạnh đó, một điểm cộng cực lớn dành cho Mắt Biếc chính là âm nhạc của bộ phim. Hai bài hát chủ đề do nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh sáng tác như là “đo ni đóng giày” cho bộ phim này vậy.
Nhạc phim là yếu tố mang đến thành công không nhỏ cho bộ phim.
Có âm nhạc dẫn lối, có Ngạn, có Hà Lan cùng những xúc cảm đầy rung động của tình yêu chỉ đường và còn có cả những cảnh quay đẹp đến mơ màng làm nền, đạo diễn Victor Vũ đã một lần nữa mang đến cho điện ảnh Việt một bộ phim không thể nào quên.
Mắt Biếc được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 20/12/2019.