Tiếng Sét Trong Mưa kết thúc với nhiều sự tiếc nuối của khán giả, đặc biệt những bi kịch của bộ phim khiến cảm giác day dứt kéo dài mãi trong lòng người xem.
Tiếng Sét Trong Mưa tập cuối: Bà Hội bàng hoàng khi nhìn hũ tro cốt của cháu nội mình (Nguồn video: THVL)
Tiếng Sét Trong Mưa đã chính thức khép lại với với cái kết đầy đau thương cho các nhân vật. Cả bộ phim là một bi kịch lớn, kết thúc bằng những cái chết, những cuộc chia ly vĩnh viễn, những tổn thương thật khó chữa lành.
Sau khi chứng kiến tất cả những oan trái, đắng cay trong Tiếng Sét Trong Mưa, khán giả bên cạnh việc được giải tỏa sự chờ đợi và thắc mắc về số phận nhân vật, thì còn có thể rút ra được điều gì?
Thường thì, chúng ta biết mình đang thưởng thức một tác phẩm bi kịch (như một bộ phim, tiểu thuyết hay kịch trên sân khấu) khi hầu hết các nhân vật trong đó đều bất hạnh. Nỗi bất hạnh, trớ trêu thay, lại thường không đến từ những khuyết điểm hay bản chất của các nhân vật, mà có khi lại đến từ những phẩm chất tốt của họ và từ sự kết hợp giữa số phận, sai lầm lẫn thời đại.
Theo Aristotle, sự đau khổ là thành phần không thể thiếu của mọi bi kịch. Và chính sự đau khổ ấy, dù khiến chúng ta xót thương, sợ hãi, thậm chí là khó chịu nhưng vẫn bị cuốn hút mạnh mẽ và khó rời mắt khỏi những câu chuyện đậm chất bi thương.
Tiếng Sét Trong Mưa là một câu chuyện như thế. Lấy bối cảnh Nam Bộ vào những năm 1950, phim kể câu chuyện về những xung đột âm ỉ và dai dẳng trong gia đình, khởi đầu từ mối tình bị phản đối kịch liệt của cậu chủ Khải Duy (Cao Minh Đạt) và cô hầu gái Thị Bình (Nhật Kim Anh). Ẩn dưới những mái nhà tưởng như vững chắc và êm ấm là từng cơn bão ngầm cuộn xoáy.
Không một ai có được hạnh phúc, kể cả những ông chủ bà chủ giàu sang phú quý cho đến những người hầu kẻ hạ, làm công ăn lương.
Bi kịch chất chồng bi kịch khi liên tiếp các mối quan hệ loạn luân diễn ra trong nhà ông Khải Duy, từ mối tình lén lút giữa mẹ kế - con chồng, cho đến tình cảm giữa hai anh em ruột cùng mẹ – khác cha Thanh Bình (Quốc Huy) và Phượng (Oanh Kiều).
Trong quá trình dõi theo số phận éo le của các nhân vật cùng những tình tiết đầy tranh cãi, khán giả luôn căng thẳng và tự hỏi, rốt cuộc những bất hạnh này sẽ còn kéo dài đến đâu? Và liệu rằng có cần phải khiến các nhân vật rơi vào tình cảnh cấm kị và trớ trêu đến thế?
Kết thúc của bộ phim càng khiến người xem xót xa, với cái chết của bố con Khải Duy - Thanh Bình, sự điên loạn của Hạnh Nhi, những giọt nước mắt hối hận muộn màng của bà Hội và mảnh đời dở dang đau khổ của Xuân cùng Phượng. Liệu bộ phim có cần phải nghiệt ngã đến vậy?
Câu chuyện sẽ khó có thể khác đi, bởi chúng ta đang xem một bộ phim bi về thân phận con người.
Tào Ngu – tác giả người Trung Quốc của vở kịch nổi tiếng Lôi Vũ – nguyên mẫu của bộ phim Tiếng Sét Trong Mưa từng chia sẻ:
"Tôi sáng tác Lôi Vũ trong hoàn cảnh cuộc sống không có ánh sáng mặt trời, không có hi vọng hay tương lai. Đó là thời điểm mà tôi chỉ muốn phản kháng lại xã hội. Con người rơi vào xã hội cũ bế tắc, hung ác nhưng tôi không cam lòng thỏa hiệp chỉ để sống sót, cho nên tôi mới cầm lấy cây bút. Lôi Vũ là tiếng rên rỉ đầu tiên của tôi".
Một cảnh trong kịch "Lôi Vũ".
Được chuyển thể sang bối cảnh Việt Nam, Tiếng Sét Trong Mưa vẫn giữ trọn vẹn được tinh thần của Lôi Vũ, đó là tiếng nói cho thân phận và phẩm giá con người giữa sự suy đồi của xã hội cũ và sự tồn tại của tư tưởng phong kiến. Những bi kịch trong phim, suy cho cùng đều xuất phát từ sự kìm hãm tinh thần tự do của con người và sự phân biệt đẳng cấp dựa trên giàu – nghèo, môn đăng hộ đối.
Cậu ba Khải Duy và cô hầu gái Thị Bình bị chia cắt một cách ác độc chỉ vì rào cản về thân phận. Bà Hội – mẹ Khải Duy dù đã đạt được mục đích bảo vệ thanh danh của gia tộc, nhưng lại mãi mãi đánh mất đứa con trai yêu quý.
"Tôi thề chỉ gặp lại bà khi một trong hai người chết". Khải Duy từng thề độc bởi ông không bao giờ quên được nỗi đau mất vợ, con.
Dù bà Hội có biện minh cho hành động hãm hại Thị Bình sai trái năm xưa bằng tình yêu của bà, như cách bà than khóc: "Duy ơi, má thương con mà", thì những tổn thương bà gây ra cho con và cho chính mình cũng không bao giờ lành lại. Bà vừa là thủ phạm, lại vừa là nạn nhân bị giam hãm trong tư tưởng phong kiến cổ hủ, suy đồi. Và cũng chính bà đã gián tiếp đẩy Hạnh Nhi – người vợ sau của Khải Duy vào bi kịch.
Hạnh Nhi trẻ đẹp, quý phái, nhưng héo úa dần trong cuộc hôn nhân không có tình yêu, khi mà chồng cô – Khải Duy chỉ mãi thương nhớ hình bóng của người vợ trước. Vì cô đơn mà Hạnh Nhi buông thả bản thân mình vào một mối quan hệ bế tắc với con riêng của chồng. Để rồi sau này cô bẽ bàng khi bí mật bị phát hiện, đau khổ tột cùng trước cái chết của người cô yêu và phát điên sau những cú sốc tinh thần.
Chính sự độc đoán và phân biệt giai cấp của những con người phong kiến cổ hủ như bà Hội đã gây hậu quả nghiệt ngã của số phận lên thế hệ sau. Hai cậu chủ Thanh Bình và Xuân đều yêu cô hầu gái giống như chuyện đã xảy ra 24 năm về trước.
Sự thật bị che giấu quá lâu đã đẩy Bình và Phượng sâu hơn vào tình cảnh loạn luân, còn Xuân suýt chút nữa hại Phượng chỉ vì bị mẹ thao túng.
Và Hải – đứa con được sinh ra sau khi Thị Bình thoát chết lại căm ghét và xung đột với ông Khải Duy - chính bố ruột của mình mà không biết. Những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Hải - Khải Duy còn đại diện cho xung đột gay gắt giữa tầng lớp công nhân nghèo - địa chủ phong kiến, và chỉ được giải quyết trong thế đối đầu.
Thanh Bình, Phượng và Xuân chính là những con người mang trong mình tư tưởng mới, đi ngược lại với lễ giáo phong kiến và khuôn phép ràng buộc. Đứng trước truyền thống và tự do, họ kiên quyết chọn tự do để được sống thật với lòng mình, như lời bình cho tác phẩm Hồng Lâu Mộng - “Họ yêu nhau vì phản nghịch, càng phản nghịch họ càng yêu nhau.”
Chỉ tiếc rằng, càng mong cầu hạnh phúc, họ càng dấn sâu vào bóng tối. Phượng là cô gái trong sáng, ngây thơ, yêu người bằng tình yêu thuần khiết, nhưng rốt cuộc chỉ nhận về đau đớn. Cậu Bình và Xuân cũng hoàn toàn vô vọng trong mối tình của mình. Thế hệ sau đã phải hi sinh và trả giá cho sự độc đoán, bảo thủ của thế hệ trước.
Kể câu chuyện về bi kịch tiếp nối diễn ra trong gia đình, Tiếng Sét Trong Mưa, cũng như vở kịch và vở cải lương Lôi Vũ đã phản ánh rất sinh động những mâu thuẫn trong lòng thời đại, đồng thời truyền tải tinh thần phá vỡ mọi gông cùm tư tưởng cổ hủ để tìm kiếm tự do và hạnh phúc đích thực.
Câu chuyện trong Tiếng Sét Trong Mưa là một chuỗi bi kịch, nhưng điều mang đến không chỉ là đớn đau, mà còn là sự suy ngẫm, tỉnh ngộ về cuộc đời. Giống như Romeo và Juliet trong vở kịch của đại văn hào Shakespeare đã chết bởi mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ, để rồi người ta thấm thía được sự vô nghĩa của hận thù.
Sau cùng thì, chỉ có tình yêu, tự do và phẩm giá con người là còn lại.