Những bi kịch của Tiếng Sét Trong Mưa đều không đến từ sự khắc nghiệt hay xui rủi của số phận mà lại bắt nguồn từ phần lớn những người phụ nữ ở cạnh ông Khải Duy.
Tiếng Sét Trong Mưa: Hai Sáng bị trói lại và ăn no đòn khi lén lút đến nhà kiếm chồng người khác.
(Nguồn video: THVL)
Qua gần hết chặng đường của Tiếng Sét Trong Mưa, người xem đã chứng kiến đủ mọi sóng gió, oan trái diễn ra chỉ dưới phạm vi một mái nhà. Những mối quan hệ đổ vỡ, những thân phận con người bị chà đạp, những cơn sóng ngầm ẩn giấu dưới bề mặt lặng yên, cứ chồng chất hết lớp này đến lớp khác, tạo thành các bi kịch nối tiếp nhau.
Mà, trớ trêu thay, những bi kịch ấy đều không đến từ sự khắc nghiệt hay xui rủi của số phận mà lại bắt nguồn từ phần lớn những người phụ nữ ở cạnh ông Khải Duy.
Họ chính là những bức chân dung mô tả chính xác cho mấy vần thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
“Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.”
Từ người hầu kẻ hạ đến các thiên kim tiểu thư cành vàng lá ngọc, hay bà chủ quyền uy trong Tiếng Sét Trong Mưa đều góp phần tạo nên sóng gió trong gia đình. Mục đích khác nhau, nhưng họ đều sẵn sàng làm điều không hợp đạo đức để thỏa mãn dã tâm của mình. Và hầu hết những người phụ nữ ấy đều sớm muộn phải nhận hậu quả cho những hành vi sai trái đã gây ra cho người khác.
Họ - tập hợp những kẻ ghê gớm đủ các cấp độ trong Tiếng Sét Trong Mưa là những ai?
Bà Hội đồng – “Thái hậu” ác độc nhất “hậu cung” trong phim
Nếu như ví gia đình giàu sang, quyền quý của bà Hội đồng như chốn cung đình nho nhỏ, thì người đứng đầu “hậu cung” không ai khác là bà Hội. Bà là người phụ nữ quyền lực nhất nhà, luôn làm mọi cách để thao túng người khác, không cho bất cứ chuyện gì vượt khỏi tầm kiểm soát gắt gao, từ chuyện vợ chồng, hôn nhân của con cái, đến phân chia tài sản.
Không phải đến khi Khải Duy – con trai cưng của bà yêu cô hầu gái Thị Bình, bà Hội mới ác, mới tàn nhẫn chia cắt tình cảm của các con. Ngay từ hồi trẻ, khi mới về làm dâu nhà chồng, bà đã lộ rõ sự kiêu ngạo, ghê gớm vì tự hào về gia đình nhà ngoại đầy quyền thế. Phát hiện ra chồng ngoại tình với một cô hầu gái thân phận thấp kém, bà Hội sẵn sàng làm cả chuyện kinh khủng nhất là giết người khi phát hiện ra nhân tình của chồng sinh con (cậu Khải Văn).
Căm ghét đến xương tủy cảm giác bị phản bội bởi chuyện tình cảm cậu chủ - người hầu, vậy nên bà Hội đã dồn hết phẫn nộ vào Thị Bình khi cô “dám” có bầu với cậu chủ Khải Duy. Bà bày trăm phương nghìn kế, phối hợp với con dâu và người hầu để cướp con khỏi tay Thị Bình, bôi nhọ thanh danh cô, khiến cô phải uất ức nhảy sông tự vẫn.
Với phương châm “Diệt cỏ phải diệt tận gốc”, bà Hội đồng không từ thủ đoạn nào để loại trừ những cô hầu gái mà bà vốn coi khinh như loài cỏ dại. Chính sự nhẫn tâm của bà Hội đã khởi đầu cho hàng loạt bi kịch về sau, bà gieo mầm ác để con cái bà và những người vô tội khác phải nhận quả đắng.
Với tình địch và con dâu đã vậy, với con riêng của chồng, bà Hội cũng chẳng hề nương tay. Không chỉ hại chết dì Lành – cô hầu gái xưa kia, bà còn rắp tâm thuê người hãm hại cậu Khải Văn – đứa con đáng thương mồ côi mẹ ngay khi mới lọt lòng, sau khi anh đã biết sự thật về kẻ hãm hại mẹ mình. Khải Văn chết đi, bí mật của bà Hội cũng được chôn sâu dưới đất, không còn ai có thể trả thù bà, nhưng thật may mục đích độc ác của bà Hội đã không thành.
Ngoài ra, với người hầu, bà Hội cũng sẵn sàng ra tay khi bí mật giết người năm xưa bị bại lộ. Lần này, bà không đánh chết cô hầu Hiểm như bà từng hại chết dì Lành, bà chỉ hại cô ta dở sống dở chết, có miệng mà không nói được, có chuyện mà không thể kể ai nghe. Bị đổ thuốc độc, Hiểm mất đi giọng nói, sống khốn khổ suốt đời.
Bà Hội đồng quả là xứng với câu cảm thán từ Hai Sáng - người con dâu cũng nham hiểm không kém bà: “Mẹ ác quá!”
Gần cả đời độc ác, đấu đá và tranh đoạt, cuối cùng thứ bà Hội nhận về chỉ là một ngôi nhà lạnh lẽo, sự ghẻ lạnh của cả con ruột và con riêng, cùng sự trở mặt và coi thường của con dâu Hai Sáng. Chút cử chỉ bù đắp tội lỗi năm xưa của bà với Hiểm hay hành động đến gặp cậu Khải Văn, cũng chỉ như muối bỏ bể so với nghiệp chướng bà đã gây ra.
Đến khi bà đứng trước mộ của Lũ mà thấm thía rằng, đời người tranh giành đến đâu cũng chỉ về với cát bụi, thì cũng đã quá muộn màng rồi.
Mợ cả Hai Sáng quỷ quyệt, dữ tợn với người hầu
Đồng hành nhiệt tình với bà Hội đồng trong quá trình chèn ép Thị Bình, gây giông tố trong nhà chính là mợ cả Hai Sáng (vợ cậu cả Khải Văn). Trong nhà chỉ có một người tàn ác như bà Hội đồng đã đủ khiến cho người khác khiếp sợ, đến khi có thêm mợ Hai Sáng thì sự ác lại được nhân lên gấp đôi, gấp ba.
Mợ đối xử với người hầu như rơm, rác, hễ bực bội là chửi bới, đánh đập, giống như lần mợ cầm cây chổi đuổi theo Hiểm và cho cô một trận nhừ đòn. Không chỉ vậy, Hai Sáng còn không ngần ngại nhúng tay sâu hơn vào tội lỗi. Nguồn cơn cho những hành động hại người của Hai Sáng đều bắt nguồn từ lòng tham tài sản, vinh hoa phú quý.
Vì ham muốn gia sản đồ sộ của nhà bà Hội đồng mà Hai Sáng làm đủ mọi cách để sinh con trai. Khi cậu Khải Văn không có khả năng có con, mợ cả vẫn nhất quyết không chịu từ bỏ mà ngay lập tức nghĩ ngay ra một kế sách khác: Bắt ép người hầu (Lũ) phải ăn nằm với mình cho đến khi nào có thai thì thôi.
Không có được tình yêu của chồng, với Hai Sáng cũng không sao, nhưng cô nhất định phải có được gia sản nhà chồng. Vì lòng tham tài sản mà mợ cả sẵn sàng làm chuyện khuất tất, dối lừa, ép buộc và thao túng người khác.
Cùng vì lòng tham không đáy ấy mà Hai Sáng năm lần bảy lượt tìm cách hãm hại em dâu. Không thể để cho sự xuất hiện của Thị Bình và đứa con trong bụng cô đe dọa vị trí và gia sản của mình, Hai Sáng kích động sự khinh ghét sẵn có của bà Hội đồng dành cho Bình, bày mưu tính kế nhiều lần để hại cô sảy thai. Những biến cố xảy đến với Thị Bình đều có bóng dáng của Hai Sáng, khi thì trực tiếp nhúng vào, khi thì hả hê đứng ngoài quan sát.
Sống sao nhận vậy, Hai Sáng cũng như bà Hội, tranh đoạt và hại người cả đời để rồi sống trong cô đơn. Thậm chí, Hai Sáng còn đánh mất cả liêm sỉ khi đi dụ dỗ, gài bẫy một người đàn ông đã có vợ. Nếu như bà Hội cũng còn biết ăn năn về những tội lỗi tày trời, thì Hai Sáng chưa một lần tỏ ra hối hận vì những việc làm trong quá khứ, còn ngang nhiên đào mộ Lũ để dằn mặt Hiểm.
Mợ cả vẫn ung dung sống bất chấp đạo lý cho đến khi "nghiệp" đến, Hiểm đột nhiên xuất hiện, vung dao chém vào khuôn mặt đẹp đẽ của mợ. Hành động chém người của Hiểm vốn bột phát và ghê rợn, nhưng cũng là tích tụ của bao oán hờn do Hai Sáng đã gây ra.
Hiểm – cô hầu không an phận
“Hậu cung” nào cũng có những người hầu không an phận, khôn vặt, nịnh bợ chủ, rắp tâm hãm hại người khác. Ở nửa đầu phim Tiếng Sét Trong Mưa, Hiểm chính là một cô hầu như vậy. Cô cùng bà Hội đồng và mợ Hai Sáng hình thành một bộ ba ác độc, gieo rắc tai họa cho Thị Bình.
Những tai ương đến với Bình đều có bàn tay góp sức tích cực của Hiểm, khi thì cô khiến Bình bị ném xuống giếng, khi thì vu oan cho Bình tư tình với Lũ. Dù biết Thị Bình cũng là thân phận nghèo hèn, bị chèn ép giống mình, nhưng Hiểm không hề cảm thông hay xót thương mà lại chỉ muốn hại Bình.
Lý do cho dã tâm của Hiểm nằm ở sự ghen tuông mù quáng. Cô thương Lũ, mà Lũ lại quan tâm tới Thị Bình, nên cô dồn mọi oán giận vào người phụ nữ chân chất, yếu đuối. Hiểm đâu ngờ rằng, sự trút giận của cô lại làm liên lụy đến Lũ – người cô yêu thương nhất.
Hiểm vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Cô là công cụ để các bà chủ hại người, ngay khi đã hết giá trị sử dụng thì lại bị bắt uống thuốc độc, hủy giọng nói để bịt đầu mối. Hiểm đã phần nào nhận ra sai lầm và lên tiếng tố cáo bà chủ, nhưng rồi cô bị hại thành người câm còn Lũ bị đánh chết.
Suốt nhiều năm sau cái chết của Lũ, Hiểm đã sống vật vờ như một bóng ma bên mộ anh mà ăn năn về những tội lỗi của mình. Một đời của Hiểm đã bị hủy hoại bởi lòng ghen tuông của chính cô và bởi sự tàn độc của những bà chủ không có tính người.
Thiên Kim và Hạnh Nhi – Những tiểu thư lòng dạ hẹp hòi
Thiên Kim chính là cái cớ để bà Hội đồng đuổi Thị Bình ra khỏi nhà. Vốn là tiểu thư xuất thân cao quý, Thiên Kim chính là đối tượng “môn đăng hộ đối” mà bà Hội đồng muốn cưới về cho con trai Khải Duy. Mặc dù biết Khải Duy đã có vợ, con, Thiên Kim vẫn đồng ý cưới, không quên mỉa mai thân phận thấp hèn của Thị Bình không xứng với cậu Ba Duy phú quý.
Với bản tính kênh kiệu, hiếu thắng, Thiên Kim nhất quyết chen chân vào gia đình của người khác, thậm chí còn dự định vào ngày cưới sẽ tung chuyện Khải Duy đã có vợ hầu gái và cả con để làm bẽ mặt Khải Duy và gia đình và giải tỏa nỗi ấm ức vặt vãnh trước đây do cậu ba gây ra. Nhờ có hôn lễ sắp tới của Khải Duy với Thiên Kim mà bà Hội càng có thêm cớ xua đuổi Thị Bình ra khỏi nhà, tước đứa con trai khỏi tay cô giao cho người khác, vu oan giá họa cho cô.
Do sự xuất hiện của Thiên Kim trong phim khá mờ nhạt, nhất là sau biến cố Bình nhảy sông tự vẫn, nên khán giả vẫn chưa biết sau này có chuyện gì xảy đến với cô hay không. Nhưng hẳn là với tâm địa hẹp hòi, khinh người, háo thắng, Thiên Kim cũng sẽ sớm phải nhận lấy hậu quả cho cách cư xử của mình.
Nếu như Thiên Kim chấp nhận lấy Khải Duy dù biết cậu ba chỉ yêu Thị Bình, thì Hạnh Nhi – người vợ sau này của cậu ba lại hoàn toàn không hay biết về tình yêu duy nhất ấy. Sau khi Hạnh Nhi về làm vợ của cậu ba, cô mới hay rằng Khải Duy chỉ cưới mình vì mục đích vụ lợi, và tệ hơn, trái tim ông đã hoàn toàn khép chặt, chỉ chứa duy nhất hình bóng Thị Bình.
Chán nản, vô vọng, cô lao vào tình yêu với Thanh Bình con trai riêng của chồng, thậm chí sau này còn vì ghen tuông mà bày mưu gài bẫy Phượng với Xuân để độc chiếm Thanh Bình. Nửa trước của phim có bà Hội, Hai Sáng và Hiểm thông đồng hại người thì ở nửa sau Hạnh Nhi cũng tạo ra không ít rắc rối trong nhà.
Tuy vậy, so với các nhân vật kia, Hạnh Nhi vẫn có phần đáng thương hơn bởi các sai lầm của cô đều xuất phát từ sự cô đơn, thiếu vắng yêu thương, chứ không phải bản chất ác độc, tham lam sẵn có.
Sau giông bão, còn lại gì?
Với hầu hết những người phụ nữ kể trên, ở cuối chặng đường điều chờ đợi họ đều không phải là yên bình hay hạnh phúc. Bằng cách này hay cách khác, dù sớm hay muộn, dù ít hay nhiều họ đều phải trả giá cho những gì mình gây ra, và không có cái giá nào là dễ chịu. Sau tất cả, những tính toán, tranh đấu đến mệt nhoài hóa ra cũng đều thành vô nghĩa giữa cuộc đời mênh mông.