Điểm chung giữa Mắt Biếc với Yên chi khâu là những hoài niệm day dứt cả đời về tình yêu không thành.
Chuyển thể từ một trong những tác phẩm tiêu biểu và xúc động nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Mắt Biếc tái hiện đầy chân thực vùng kí ức trong trẻo và đầy khắc khoải về quê hương, về tình đầu.
Đó là chuyến tàu đưa người xem về những năm tháng thanh xuân hồn nhiên, tươi đẹp nhất, nơi có màu xanh ngắt của đồng lúa, sắc tím biếc của rừng sim, những bản nhạc vụng về viết trên nền giấy cũ ngả vàng, gốc cây xù xì đầy vết khắc vu vơ của tụi trẻ con nghịch ngợm. Nơi đó có một đôi mắt biếc của cô bé tên là Hà Lan và mối tình dang dở của Ngạn – người đã dành nửa cuộc đời để yêu đôi mắt ấy.
Xem Mắt Biếc tôi tự dưng lại nhớ tới Yên Chi Khâu - bộ phim đoạt Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1987 cho hạng mục Phim hay nhất.
Một phim lấy bối cảnh thôn quê Việt Nam những năm 70 với rừng sim, chợ quê, cây bàng già giữa làng Đo Đo, tiếng guitar mộc mạc. Một phim lại kể về Hồng Kông thời còn có kinh kịch, lầu son gác tía, những thiếu gia phong lưu dập dìu bên giai nhân phong trần. Tưởng không có chút nào liên quan, vậy mà cả hai bộ phim lại gặp gỡ nhau ở câu chuyện về những kẻ si tình luôn đau đáu chấp niệm khó lòng dứt bỏ.
Đã là con người, mấy ai tránh khỏi chấp niệm. Đó có thể là sự cố chấp về một giấc mộng mãi chưa thành hiện thực, là nỗi day dứt về một mối tình, về một người thương mà mình đã đánh mất, hoặc khó lòng chạm tới.
Chấp niệm giống như một tạo vật độc lập được nuôi lớn bởi tâm tư con người. Tâm tư càng nhiều thì chấp niệm càng nặng, nên không phải ai cũng sống mà hoài mang theo sự không cam lòng về một việc hay một người nào đấy, có người thì chọn cách buông bỏ để đỡ nhọc lòng.
Nhưng cũng có những người không làm sao mà gỡ được chấp niệm trong lòng mình, cứ đành mang vác quá khứ và sở cầu mà đi về phía trước, dù là cố chấp, dù là cuồng si. Ngạn trong Mắt Biếc ôm mãi mối tình đơn phương vô vọng với Hà Lan suốt cả thời tuổi trẻ, còn nàng kĩ nữ Như Hoa trong Yên Chi Khâu thậm chí sau khi chết vẫn còn lang thang vất vưởng chưa chịu siêu thoát, chờ đợi được trùng phùng với người yêu.
Họ có phải là những kẻ ngốc không, khi mà cứ si tình đến khờ dại như thế? Tình yêu luôn biến con người ta thành ra ngốc nghếch và có những kẻ mãi không chịu tỉnh khỏi giấc mộng mà mình đã tự nguyện mắc vào.
Ngạn đã yêu và chờ đợi Hà Lan từ những ngày đi học hồn nhiên trong sáng nhất, cho đến khi cô trở thành bà mẹ đơn thân, khi cô thà tiếp tục hẹn hò với những gã đàn ông không mấy đứng đắn chứ nhất định không chấp nhận tình cảm của anh, khi ngay cả con gái Hà Lan cũng đã lớn và đến tuổi mặc áo dài như mẹ nó khi xưa.
Ngạn có biết sự khác biệt như trời và đất giữa anh và người con gái anh yêu không? Anh biết chứ, biết rất rõ ngay từ khi Hà Lan rời làng Đo Đo lên phố thị như cái cây bật gốc khỏi làng, không như anh đi đến đâu cũng chỉ hướng về mảnh đất quê hương. Vậy mà anh vẫn yêu cô, dịu dàng và nhẫn nại, ôm mối tình câm, tình thầm suốt bao năm không có lấy một lời hồi đáp.
Trong Yên Chi Khâu, nàng kĩ nữ Như Hoa vì tình yêu mà chết đi, đến khi thành ma vẫn không chịu buông bỏ quá khứ mà tiếp tục đeo trên cổ hộp son được Thập Nhị thiếu gia tặng, chờ đến một ngày được gặp lại chàng. Nàng chờ đã được 50 năm, chén canh Mạnh Bà nàng cũng nhất quyết không uống, cứ thế phiêu dạt đi tìm bóng dáng người thương.
Tìm ở cõi âm không thấy, nàng lên cả dương gian đi tìm, dẫu thành phố nơi nàng từng sống đã thành nơi hoàn toàn xa lạ, hầu như không còn chút liên hệ nào với ngày xưa. Chấp niệm tình cảm của nàng vượt cả thời gian và cuộc đời phàm tục, âu cũng là vì tình yêu quá lớn, quá mãnh liệt mà thôi.
Cũng như "Mắt Biếc", chấp niệm của kẻ si tình trong "Yên chi khâu" đã khiến khán giả bao thế hệ phải day dứt tự hỏi.
Thời xưa và cả bây giờ, có mấy người yêu được như thế? Chúng ta – những kẻ luôn phải thỏa hiệp và cân nhắc giữa vòng xoáy mưu sinh ồn ào chuyển động, đầy những quy tắc, lựa chọn, toan tính này, nhìn những kẻ si tình cố chấp mà than rằng họ phù phiếm làm sao, rằng chết vì tình, chờ đợi vì tình như vậy thì có đáng không?
Mà sau khi lắc đầu nhìn họ, đôi khi ta lại thầm nghĩ rằng, giá mà, giá mà có lúc mình được một lần phù phiếm như thế, rực rỡ như thế. Có lẽ, chính cái khát khao thầm lặng của mỗi người về những mối tình nguyên sơ, chân thành, trọn vẹn chính là lý do nhiều người đồng cảm với Ngạn, với Như Hoa, với cả chấp niệm của họ.
Mắt Biếc khép lại khi Ngạn rời làng Đo Đo như để chạy trốn cái khối tình âm ỉ và vô vọng anh đã mang suốt nửa cuộc đời. Còn đến cuối Yên Chi Khâu, Như Hoa gặp lại người cô yêu – khi này đã là một ông già cô đơn, khốn khổ không còn sót lại chút tao nhã, anh tuấn thuở nào, cũng không hề giã từ cõi đời cùng cô như cô đã tưởng. Cô trả lại hộp son và nói lời từ biệt:
“Thập nhị Thiếu gia, cảm ơn cậu vẫn còn nhớ đến em. Hộp son này em đã đeo 53 năm rồi, bây giờ xin trả lại Thiếu gia. Em không đợi nữa.”
Họ không đợi nữa. Những kẻ si tình rời bỏ chấp niệm một cách muộn màng. Suốt quãng đời đợi chờ người khác ấy, họ đều tự nguyện - tự nguyện thương nhớ, tự nguyện dại khờ, tự nguyện khổ đau. Và dù ngắn ngủi thì họ cũng từng hạnh phúc.