Mọi việc đều diễn ra bình thường nhưng cũng từ đó những gia đình có người tham gia việc chuyển mộ gặp những điều không hay và đặc biệt là không một đinh nào sống qua tuổi lên lão (thời gian đó quy định chỉ 50 tuổi là được vào hội lão).
Có gia đình 9 người con (7 trai, 2 gái) nhưng cả 7 người con trai đều chết sớm. Ban đầu mọi người trong họ chỉ nghĩ do điều kiện sinh sống hoặc vì một lý do nào khác, nhưng sự việc cứ liên tiếp xảy ra buộc mọi người trong dòng họ phải ngồi họp bàn để tìm nguyên nhân...
Ngôi mộ tổ linh thiêng!?
Ngay trên con đường liên thôn đội 6, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội có một ngôi nhà 3 tầng khang trang mới xây. Tuy nhiên, ngay phía dưới ngôi nhà này có ngôi mộ tổ chia căn nhà thành 2 phần khiến cho ai đi qua nhìn thấy hình ảnh này cũng đều cảm thấy chướng mắt, phản cảm.
Vì sao lại có chuyện kỳ quặc như vậy, PV đã vào cuộc tìm hiểu để làm rõ những câu chuyện bi hài giữa chủ ngôi nhà và dòng họ có ngôi mộ tổ đã tại vị hàng trăm năm ở đây. Đồng thời cũng lý giải những lời đồn thổi lạnh người của người dân địa phương về câu chuyện người dương sống chung với người âm trong cùng một ngôi nhà.
Người dân địa phương nghĩ chúng tôi đến hỏi để thuê đã nói: “Chả buôn bán được gì đâu, ở đây mấy người thuê bán cơm bình dân, bán bia hơi nhưng chỉ trong một thời gian ngắn là bỏ của chạy lấy người. Đấy ngay trên nóc ngôi mộ còn cả cái biển bán bia hơi mà người thuê còn bỏ lại”.
Chúng tôi tìm tới gia đình ông trưởng họ Nguyễn và nhiều con cháu dòng họ ở đội 4, xã Thạch Thán. Qua câu chuyện với vị trưởng dòng họ và các bậc cao niên trong dòng họ nguyên nhân vì sao ngôi mộ tổ của dòng họ lại nằm gọn trong nhà của một người dân địa phương dần được sáng tỏ.
Theo lời cụ Nguyễn Văn Thịnh (72 tuổi) kể lại thì đó chính là ngôi mộ tổ của dòng họ đã được an táng tại khu Mả Bôi, xứ Đồng, Thạch Thán. “Do chiến tranh tàn phá, cả nhà thờ và gia phả dòng họ đều đã bị Tây đốt và thất lạc nên đến nay dòng họ chúng tôi không biết được đã trải qua bao nhiêu đời. Chúng tôi dù là những người cao tuổi trong dòng họ nhưng cũng chỉ biết được qua lời kể và ngôi mộ tổ của dòng họ đến nay ít nhất cũng đã trải qua hơn 200 năm”, cụ Thịnh cho biết.
Về câu chuyện vì sao mộ tổ của dòng họ lại nằm giữa ngôi nhà một gia đình ở địa phương thì các cụ cao niên trong dòng họ nói đó là cả một câu chuyện dài. Mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Văn Tiếp (60 tuổi), Trưởng dòng họ kể lại: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã được chính bố tôi là cụ Nguyễn Văn Cấu, trước khi mất đã dặn đi dặn lại con cháu trong dòng họ một việc hệ trọng liên quan đến sự tồn vong, an nguy của cả dòng họ. Đó là nhất quyết không được chuyển mộ tổ an táng tại khu Mả Bôi, xứ Đồng, Thạch Thán đi nơi khác...”.
Cho dù lời các cụ trong họ nói là vậy nhưng lúc đó còn nhỏ tuổi ông Tiếp vẫn chưa hiểu hết lời truyền dạy này. Nhiều lần hỏi bố mình về việc đó nhưng mãi sau này cụ Cấu mới nói lại bí mật của dòng họ cho người con trưởng là ông.
Đó là vào những năm 20 đầu thế kỷ trước, không hiểu vì lý do gì mà dòng họ phải di chuyển ngôi mộ cụ bà ở khu mả Bôi đến một vị trí khác. Mọi việc đều diễn ra bình thường nhưng cũng từ đó những gia đình có người tham gia việc chuyển mộ gặp những điều không hay và đặc biệt là không một đinh nào sống đến tuổi được lên lão (thời kỳ đó quy định chỉ 50 tuổi là được vào hội lão). Có gia đình 9 người con (7 trai, 2 gái) nhưng cả 7 người con trai đều bị chết sớm. Ban đầu mọi người trong họ chỉ nghĩ do điều kiện sinh sống hoặc vì một lý do nào khác những sự việc cứ liên tiếp xảy ra buộc những người trong dòng họ phải ngồi lại để tìm ra nguyên nhân.
Cả họ giật mình khi biết sự chết chóc đó lại đến từ khi di chuyển ngôi mộ bà cụ tổ. Cả dòng họ đã phải làm lễ rồi nhờ thầy hóa giải cũng may là kể từ đó trở đi, trong họ không còn xảy ra tình trạng đó nữa. Minh chứng cho điều này đã có nhiều cụ mạnh khỏe, thọ tới cả trên 90 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Hòa (68 tuổi) là dâu trưởng của dòng họ, là vợ của liệt sỹ Nguyễn Văn Hoãn hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước chỉ cách ngày Giải phóng 30/4 đúng 20 ngày. Bà cho biết: “Chồng tôi hy sinh khi chúng tôi có với nhau 2 cô con gái. Tôi ở vậy nuôi con khôn lớn trưởng thành. Về công việc dòng họ, sau khi chồng tôi hy sinh, theo tục lệ trưởng dòng họ Nguyễn được chuyển cho ông Nguyễn Văn Tiếp. Tuy vậy, những công việc trong dòng họ tôi vẫn tham gia, ngôi nhà tôi giờ là nơi thờ tự của dòng họ Nguyễn”.
Cũng theo lời bà Hòa kể, vào những năm 1970 khi đó có chương trình lấy đất khu Mả Bôi phục vụ việc đắp đê trị thủy chống lụt. Tuy nhiên, khi đến phần mộ tổ của họ Nguyễn trước những ý kiến của các vị cao niên trong dòng họ là không thể di chuyển đi nơi khác vì sự việc trước đó. Cho dù là công trình trị thủy nhưng trước lý do chính đáng của dòng họ Nguyễn mà ban chỉ huy công trường đã chuyển hướng đi nơi khác, không động chạm vào ngôi mộ tổ của dòng họ Nguyễn.
Cuộc sống của con cháu dòng họ Nguyễn ngày càng phát triển theo sự phát triển chung của đất nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Tuy nhiên, vào thời gian năm 2002, UBND xã Thạch Thán có kế hoạch giãn dân và lấy diện tích đất gần trục đường giao thông cấp cho những gia đình trong xã trong đó có cả khu Mả Bôi. Cho dù khu này rất nhiều mồ mả và cả những ngôi mộ tổ đã tồn tại hàng trăm năm.
Chính vì việc khu đất này có nhiều ngôi mộ nên chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với những gia đình và dòng họ có mộ ở khu vực này đề nghị chuyển đi nơi khác, kể cả dòng họ Nguyễn. Chính quyền địa phương cũng đã đến gặp gỡ các vị cao niên trong dòng họ thuyết phục nhưng một lần nữa các cụ đưa ra lý do chính đáng bởi ngôi mộ tổ có liên quan đến sự tồn vong, an nguy của cả dòng họ.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Trưởng dòng họ chia sẻ: “Dòng họ chúng tôi luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong dòng họ cũng đã có những liệt sỹ, thương binh và tham gia quân đội trong cuộc trường chinh của dân tộc. Trước chủ trương của xã, chúng tôi cũng không có ý kiến, nếu là nhà cửa, ruộng vườn... chúng tôi sẽ ủng hộ mà không có ý kiến gì. Nhưng đây là ngôi mộ tổ, là sự an nguy, tồn vong của cả họ chúng tôi mà từ đời các cụ đã dặn lại con cháu”.
Dù không thuyết phục được dòng họ nhưng chính quyền địa phương vẫn tổ chức bàn giao mặt bằng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở đội 3, nơi có mộ tổ dòng họ Nguyễn. Cho dù vấn đề mồ mả từ trước đến nay là một vấn đề vô cùng nhạy cảm, ở bất cứ công trình nào cũng đều phải nhận được sự đồng thuận của người dân.
Từ lý do chính đáng, con cháu họ Nguyễn đã nhiều lần có ý kiến và cả bằng văn bản gửi đến chính quyền địa phương nhưng vẫn không được chấp nhận: “Chúng tôi đã làm đơn xin được giao mảnh đất có ngôi mộ tổ của dòng họ. Ngay như gia đình tôi con cái đông diện tích lại quá chật chội, thế nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương lúc đó không giải quyết”, ông Nguyễn Văn Thịnh bức xúc nói.
Cuộc chiến không khoan nhượng
Để tìm hiểu một cách khách quan sự việc, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Sơn, trú tại đội 3, xã Thạch Thán đó chính là gia đình được giao quyền sử dụng thửa đất trên. Bà Nguyễn Thị Bé (56 tuổi), vợ ông Sơn cho biết: “Gia đình tôi có 2 cậu con trai nên được một xuất đất giãn dân. Khi bàn giao thì mảnh đất nhà tôi lại có ngôi mộ tổ của dòng họ Nguyễn. Mặc dù trước đó UBND xã cam kết là khi bàn giao mặt bằng cho các hộ dân là đất sạch, không còn mồ mả. Thế nhưng sau nhiều lần kiến nghị, thửa đất nhà tôi vẫn không giải quyết được. Gia đình chúng tôi đã nhiều lần làm đơn lên xã, huyện đề nghị giải quyết nhưng vẫn không được”.
Cũng theo lời bà Bé, sau nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết nên gia đình bà quyết định xây nhà trên thửa đất đã được giao quyền sử dụng. Còn dòng họ Nguyễn cũng quyết tâm giữ bằng được ngôi mộ tổ của mình. Từ việc vốn là tình làng, nghĩa xóm nhưng quyết định của chính quyền địa phương đã chuyển hai bên gia đình trở thành thế đối đầu.
Quá sốt ruột khi những hộ gia đình được giao đất đã xây dựng nhà cửa ra ở, gia đình ông Sơn sau thời gian chờ đợi chính quyền địa phương giải quyết không được cũng triển khai làm móng. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, hai bên gia đình đã trở nên căng thẳng. “Mỗi lần làm gì là người họ Nguyễn lại đứng ra ngăn cản. Lúc chúng tôi xây nhà đã xảy ra mâu thuẫn với gia đình họ. Khi đó, họ còn đưa cả ông cụ gần đất xa trời tới nằm lên ngôi mộ để không cho chúng tôi xâm phạm”, bà Bé nói.
Theo lời kể của bà Bé, cũng chỉ vì mảnh đất này mà hai bên gia đình nhiều lần xảy ra xô xát, mâu thuẫn. Cô con gái của bà lầy chồng họ bên đó, khi xảy ra xô xát ông thông gia đã nắm cổ áo cô em dâu bà Bé làm rách cả áo. “Đến nay cô em tôi vẫn nhiều lần nhắc lại em sẽ không quên việc đó đâu, cái áo em vẫn còn giữ để làm vật chứng”, bà Bé kể lại.
Rồi sau đó có cậu con trai bên gia đình nội tộc nhà bà Bé yêu cô gái dòng họ Nguyễn bên đó. Cũng chỉ vì mâu thuẫn mồ mả mà hai bên gia đình nhất quyết không đồng ý để các cháu đến với nhau. Mãi sau này nhiều người khuyên nhủ, hai cháu mới lấy được nhau nhưng cả hai bên gia đình đều không hài lòng, nhất là khi có công việc rất khó tìm được tiếng nói chung.
Sau một thời gian dài cho dù đã làm móng nhưng mãi đến năm 2013, gia đình ông Sơn mới xây được nhà. Những ngày xây nhà là những ngày căng thẳng. Bên có mộ tổ nhất quyết không cho xây, bên có đất thì khẳng định quyền sử dụng của mình. Cuối cùng cực chẳng đã, gia đình ông Sơn bắt buộc phải để lại diện tích ngôi mộ tổ của dòng họ Nguyễn ở tầng một nhìn rất chướng mắt, phản cảm.
Làm thế nào để hóa giải hận thù
Về việc nhiều người thuê ngôi nhà của bà nhưng không ai ở được, sự việc này được bà Bé lý giải: “Cũng chỉ vì có ngôi mộ trong nhà như vậy nên người ta thêu dệt chứ cô em dâu tôi đi nước ngoài về chưa tìm được việc làm nên thuê lại ngôi nhà làm nơi bán quán cơm và bán bia. Nhưng sau đó tìm được việc làm nên nghỉ. Còn hiện tại cháu thứ 2 nhà tôi đang làm nhôm kính ở đấy, cháu vẫn về nhà ăn cùng gia đình chỉ có làm và tối ra đó ngủ trông nhà”. Thế nhưng bà Bé cũng thừa nhận việc có ngôi mộ trong nhà cũng gây tâm lý bất an: “Lúc nào mình cũng nghĩ có cái vong trong nhà nên có ở nhưng cũng không cảm thấy mát mẻ”.
Theo bà Bé, gia đình bà cũng không muốn sự việc như vậy xảy ra và nhất là việc phải đối đầu với dòng họ Nguyễn gây căng thẳng. Có thời gian chính quyền địa phương cũng đã đồng ý trả đất cho gia đình bà Bé để thay vào diện tích ngôi mộ. Thế nhưng không hiểu vì sao khi đi đo đất rồi thì chính quyền lại dừng lại cho tới tận bây giờ không có ý kiến gì!?
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ có gia đình ông Sơn mà còn một vài gia đình khác ở khu vực này. Vào năm 2003, khi giao đất cho người dân, chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết triệt để sự việc này. Không còn cách nào khác, các gia đình đành phải xây nhà và sống chung với người âm như trường hợp nhà ông Đỗ Văn Tưởng, Bùi Văn Chuyên gây căng thẳng, đối đầu giữa các gia đình được cấp đất và gia đình có mồ mả.
Trở lại với dòng họ Nguyễn, theo lời ông Nguyễn Văn Tiếp – Trưởng họ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ ngôi mộ tổ đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét giải quyết cho con cháu trong dòng họ được ổn định về tinh thần và tâm linh, trả lại hiện trạng ban đầu không gian ngôi mộ tổ của dòng họ”.
Trao đổi với ông Lê Văn Phong -Trưởng thôn 5 cho biết: “Việc ngôi mộ tổ họ Nguyễn trong ngôi nhà của ông Sơn là có thật. Tuy nhiên, tôi cũng mới được bầu làm đội trưởng nên không nắm rõ được vấn đề. Việc này theo tôi cũng là cái sai của những người lãnh đạo địa phương thời gian đó. Đúng ra chính quyền phải làm đúng thỏa thuận trước đó là bàn giao mặt bằng sạch. Nếu không giải quyết được phải có cách làm hợp tình, hợp lý để đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa phương”.
Còn ông Bùi Thành Huy, đại diện UBND xã Thạch Thán trao đổi với báo chí về vấn đề này thì cho rằng: “Cần phải đặt câu hỏi, vì sao những hộ dân này chấp nhận mua mảnh đất có phần mộ? Tôi cho rằng, nếu chấp nhận mua đất, họ cũng phải xác định được hướng giải quyết. Liên quan đến mồ mả, chúng tôi không thể ép, cưỡng chế được”. Về việc tại sao chính quyền địa phương không giao mặt bằng sạch cho dân theo thỏa thuận thì ông Huy cho rằng: “Thời điểm đó, tôi chưa về làm việc tại đây nên cũng không thể trả lời được”. Cũng theo ông Huy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động gia đình chủ mộ, tuy nhiên việc có thuyết phục được họ hay không thì không dám khẳng định.
Theo chuyên gia phong thủy, nhà ở tối kỵ gần những nơi như: Nhà tù, nghĩa trang... Vì vậy, việc mộ phần ngự trị trong nhà là rất không nên. Nó không chỉ không tốt cho chủ nhà mà không tốt cho cả gia đình chủ mộ. Với gia đình có mộ trong nhà, âm khí thường rất nặng nề. Còn ngôi mộ ngự trị trong đất nhà ở dễ bị chèn ép, động mồ, động mả thì luôn có tâm lý nghĩ rằng người âm sẽ trách phạt. Bởi, linh hồn của người chết yên ổn thì con cháu mới có thể thịnh vượng. |
Trao đổi với LS. Trương Anh Tú – đoàn LS TP. Hà Nội về vấn đề này: Theo tôi, việc liên quan đến mồ mả đòi hỏi phải làm tốt công tác dân vận, khéo léo bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm. Việc triển khai dự án khu giãn dân ở địa phương cần phải có sự phê duyệt của UBND tỉnh và chỉ đạo sát sao của UBND huyện. Về vấn đề này cần rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai dự án sẽ tìm ra nguyên nhân của vụ việc. Tuy nhiên, xét về góc độ nào thì việc xây nhà đè lên ngôi mộ như vậy là phản cảm, không thể chấp nhận được chưa nói đến vi phạm quy định của pháp luật về tội xâm phạm thi thể, mồ mả. Có một thực tế, việc tôn trọng người xưa chính là cách giáo dục tốt nhất cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nhưng với những gì chứng kiến khi thấy cảnh ngôi nhà 3 tầng hoành tráng xây đè lên ngôi mộ tổ ở xã Thạch Thán là một việc rất chướng mắt, phản cảm... không chỉ đối với người qua đường mà còn gây bức xúc cho dư luận địa phương. |