Người Việt trẻ xa xứ luôn có những cách sáng tạo thể hiện tình yêu của mình với dân tộc mỗi dịp tết đến xuân về. Đón năm mới Nhâm dần, nữ tác giả Việt tại Singapore làm duyên với áo truyền thống để vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Không phải là một gương mặt xa lạ trong cộng đồng người Việt tại Singapore, Tina Yuan (Nguyễn Thị Thương) cô gái mang hai dòng máu Việt – Trung và thành thạo 4 ngoại ngữ luôn có những đóng góp nhằm quảng bá văn hoá Việt tại đảo quốc sư tử.
Tác phẩm “Lỡ hẹn Paris” là tác phẩm đầu tay của cô, một vài nhà làm phim cùng đạo diễn tại Việt Nam và Trung Quốc đại lục ngỏ ý muốn hợp tác cùng Tina Yuan để chuyển thể tác phẩm này thành phim. Tuy nhiên, nhà văn trẻ hiện chưa nhận lời, bởi đây là câu chuyện đời thực kết thúc không có hậu như trong các tiểu thuyết ngôn tình khác nên tác giả cần thêm thời gian để cân nhắc việc chuyển thể thành phim.
Là một nữ nhà văn nên Tina Yuan thường có những chia sẻ trên trang cá nhân nhận được nhiều sự quan tâm. Mới đây, cô có những tâm sự bâng khuâng về cảm xúc trong những ngày cuối năm: “Viết cho những ngày cuối năm. Nhìn lên bầu trời tôi tự hỏi lòng mình một đời người có bao nhiêu lần cuối năm? Con số thất thường, mơ hồ không ai trả lời được cho đến lúc “cát bụi lại trở về với cát bụi”. Một năm nữa lại sắp qua rồi, giữa dòng đời hối hả, bộn bề, ai trong chúng ta cũng đã có những lúc tưởng chừng đuối sức vì công việc và áp lực cuộc sống.
Có khi nào bạn đã cảm nhận mình còn thiếu một điều gì đó rất quan trọng, phải chăng đó là những lúc cần được chia sẻ chân thành và trải lòng mình ra, một phút để nhìn lại mình, để thanh thản, để trở về với chính mình.
Để khi những vòng kim đồng hồ khép lại trọn vẹn một năm là khi chúng ta ngồi nhìn lại chặng đường đã qua của mình.
Trong 365 ngày qua chúng ta có lúc hối hả tất bật, có lúc lại chợt thấy thanh thản bình yên sau những ngày tháng bận rộn.
Mọi lo toan, mọi gánh nặng đều được trút bỏ, để thấy những khoảnh khắc là yên ắng, là chan chứa, và bình yên…
Rồi chợt nhận ra, đời người như một dòng sông, thấy là thẳng nhưng không phải thẳng; thấy là uốn khúc nhưng không phải cong; thấy là ngược dòng nhưng luôn xuôi chảy…”
Để vơi đi nỗi nhớ quê nhà, nữ nhà văn đã thực hiện một bộ ảnh áo dài Nhật Bình độc đáo. Áo Nhật Bình là một trong những cổ phục Việt Nam xuất hiện từ khá lâu đời và gắn bó với chiều dài lịch sử nước Việt. Đam mê gìn giữ và quảng bá văn hoá Việt tại Singapore nên nhân dịp chào đón năm mới Nhâm dần 2022, Tina Yuan đã thực hiện ý tưởng này.
Rất nhiều ý kiến thích thú và muốn tìm hiểu về văn hoá Việt thông qua trang phục áo dài, áo cổ phục… không chỉ của các bạn trẻ người Việt mà ngay cả những người bạn nước ngoài cũng tò mò muốn tìm hiểu.
Từ lâu việc quảng bá văn hoá Việt không còn là nghĩa vụ của riêng ai. Bởi lẽ, từ những hành động nhỏ nhất các bạn trẻ người Việt đã góp phần giới thiệu đến thế giới một Việt Nam xinh đẹp, giàu bản sắc văn hoá từ trang phục, món ăn, danh thắng, tục lệ… Mỗi dịp tết đến xuân về, hương tết, phong tục tết và những ký ức tết xưa chắc hẳn sẽ làm xốn xang con tim của biết bao thế hệ người Việt.
Theo nhiều ghi chép lịch sử nguồn gốc của áo Nhật Bình là từ áo Phi Phong của Minh Triều trong lịch sử Trung Hoa. Mẫu áo Phi Phong này được triều Nguyễn phát triển lên thành dạng áo Đối Khâm Phi Phong. Sở dĩ nó có tên là “Nhật Bình” bởi đặc điểm của hoa văn trang trí tạo thành một hình chữ nhật lớn ngay trước ngực.
Rải rác trên khắp thân áo cũng được thêu nhiều họa tiết, hoa văn với họa tiết chính là dạng tròn khép kín đan xen với những hình phượng, hoa lá và các hạt kim tuyến lấp lánh. Đặc biệt, trên phần tay áo còn có dải ngũ sắc: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ tượng trưng cho dải ngũ hành.
Chiếc áo với vẻ đẹp sang trọng, tinh tế vẫn luôn được các thế hệ tiếp nối trân trọng, giữ gìn và lưu truyền với thời gian. Trang phục này ban đầu được sử dụng làm Triều phục cho nữ nhân trong triều. Tuy nhiên, chỉ có những người có cấp bậc cao quý như Hoàng Hậu, Công chúa, Phi tần mới được mặc.