Để có thể phục hồi nhanh hơn, phụ nữ sau sinh mổ nên nghỉ ngơi và tránh các hoạt động thể chất nặng. 6 cách dưới đây giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể của phụ nữ sau sinh mổ.
Có nhiều người nghĩ rằng sinh con bằng phương pháp sinh mổ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn nhưng nếu thực sự đã từng sinh mổ thì biết điều này cực kỳ không chính xác. Việc không sinh em bé ra ngoài qua đường sinh mà phải phẫu thuật mở thành bụng, sau đó khâu lại là một vấn đề lớn.
Sinh mổ nói chung có nhiều biến chứng hơn, đau đớn hơn, thời gian hồi phục sau sinh lâu hơn và phải đi tiểu qua ống thông nhiều hơn trong 24 giờ đầu là những khó khăn đối với sản phụ sinh mổ.
1. Sản phụ sau sinh mổ cần nghỉ ngơi nhiều để hồi phục sức khỏe nhanh
Sản phụ sau sinh mổ nên nghỉ ngơi, cố gắng ngủ bất cứ khi nào bé ngủ.
Mổ lấy thai là một cuộc phẫu thuật lớn, giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, cơ thể cần thời gian để hồi phục sau đó. Sau sinh mổ, hầu hết sản phụ phải ở lại bệnh viện khoảng 4 -5 ngày. Nếu có biến chứng, sản phụ sẽ phải ở lại bệnh viện lâu hơn. Cơ thể sau sinh mổ ít nhất cần từ 6 đến 8 tuần để hồi phục hoàn toàn.
Hãy cố gắng ngủ bất cứ khi nào bé ngủ. Hãy nhờ người thân giúp đỡ trong việc chăm sóc trẻ và làm việc nhà để có thể nằm nghỉ khi có thể. Ngay cả một vài phút nghỉ ngơi trong ngày cũng hữu ích.
2. Hãy nâng niu cơ thể
Phụ nữ sau sinh mổ cần cẩn thận hơn trong việc đi lại trong khi hồi phục. Hãy làm theo những lời khuyên sau:
- Tránh đi lên xuống cầu thang nhiều nhất có thể. Nên để thức ăn và đồ dùng để thay tã ở gần để không phải thức dậy quá thường xuyên.
- Đừng nhấc bất cứ vật gì nặng hơn em bé. Nhờ sự giúp đỡ từ chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình.
- Bất cứ khi nào phải hắt hơi hoặc ho, hãy ôm bụng để bảo vệ vết mổ.
Có thể mất từ 6 - 8 tuần để trở lại thói quen bình thường. Hãy hỏi bác sĩ về thời điểm tập thể dục và quay lại làm việc trở lại.
Ngoài ra, khoảng thời gian trở lại hoạt động tình dục sau khi sinh mổ sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng người. Một số phụ nữ tiếp tục "chuyện ấy" trong vòng 4 tuần nhưng đa số phụ nữ cần ít nhất 6 tuần để quan hệ tình dục sau khi hồi phục hoàn toàn. Tốt nhất, nên đi khám để an toàn cho việc quan hệ tình dục.
Tránh tập thể dục nặng nhưng hãy đi bộ nhẹ nhàng thường xuyên nhất có thể. Việc vận động sẽ giúp cơ thể mau lành và ngăn ngừa dính ruột, táo bón, đông máu.
3. Giảm đau
Hãy hỏi bác sĩ những loại thuốc giảm đau bạn có thể dùng, đặc biệt nếu đang cho con bú mẹ. Tùy thuộc vào mức độ khó chịu của sản phụ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau hoặc khuyên dùng thuốc không kê đơn (OTC), chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol).
Ngoài thuốc giảm đau, sản phụ có thể sử dụng miếng đệm sưởi ấm để giảm bớt sự khó chịu ở vết mổ.
4. Giữ nước và ăn uống tốt
Sau sinh mổ, mẹ nên ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp bé và cả mẹ khỏe mạnh hơn.
Dinh dưỡng tốt trong những tháng sau khi sinh cũng quan trọng như khi đang mang thai. Nếu đang cho con bú thì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé. Vì vây, mẹ ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp bé và cả mẹ khỏe mạnh hơn.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng ăn trái cây, rau quả khi cho con bú sẽ mang lại hương vị trong sữa mẹ, giúp bé thích thú và khi chúng lớn lên cũng thích những thực phẩm này. Mẹ chú ý uống nhiều nước để tăng nguồn sữa và tránh táo bón.
5. Theo dõi những thay đổi sau sinh
Cơ thể sẽ tiếp tục trải qua những thay đổi về thể chất ngay cả sau khi em bé được sinh ra. Những thay đổi người mẹ có thể gặp phải bao gồm:
- Đau sau khi mang thai, một loại chuột rút xảy ra khi tử cung dần trở lại kích thước trước khi mang thai.
- Căng hoặc sưng tấy vú.
- Tiết âm đạo (sản dịch).
- Khô âm đạo.
- Rụng tóc.
- Thay đổi da, hoặc có mụn trứng cá.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Đau đầu.
Hầu hết các vấn đề thường tự hết dần theo thời gian nhưng có một vài trường hợp kéo dài hoặc khó chịu trong thời gian sau sinh 6 - 8 tuần, có thể thử những cách sau:
- Sử dụng chất bôi trơn hoặc kem âm đạo làm từ estrogen để điều trị khô âm đạo.
- Tập các bài tập cho trực tràng hoặc da.
- Bổ sung các thực phẩm, các vitamin khoáng chất ngừa rụng tóc.Nên mặc đồ ngủ nhẹ, thoáng mát để tránh đổ mồ hôi ban đêm.
- Chỉ nên dùng thuốc giảm đau không kê đơn để trị đau đầu.
- Nếu bị căng sữa, hãy làm các hướng dẫn sau:
- Chườm ấm hoặc tắm nước ấm.
- Dùng một miếng gạc lạnh hoặc một túi nước đá.
Cho con bú đúng giờ, bú đủ và vắt hết sau khi con bú để tránh căng tức ngực và sưng tấy vú. Massage ngực nhẹ nhàng khi cho con bú.
6. Đi khám hậu sản có cần thiết không?
Sau sinh mổ khoảng 6 tuần, nên đi khám để đảm bảo cơ thể người mẹ phục hồi tốt.
Sản phụ sau khi sinh con khoảng 6 tuần nên đi khám sức khỏe để đảm bảo cơ thể người mẹ phục hồi tốt. Đi kiểm tra sau sinh, ngay cả khi sản phụ cảm thấy sức khỏe tốt, đây là một phần quan trọng trong chăm sóc thai kỳ tổng thể.
Chăm sóc sau sinh rất quan trọng vì các bà mẹ mới có nguy cơ bị các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng và đôi khi đe dọa đến tính mạng trong những ngày sau khi sinh.
Mẹ có thể sẽ cảm thấy hơi đau ở vết mổ, bị chảy máu hoặc tiết dịch trong tối đa 6 tuần sau khi sinh mổ. Đó là điều bình thường, tuy nhiên, các triệu chứng sau đây cần phải đến gặp bác sĩ vì chúng có thể báo hiệu nhiễm trùng:
- Đỏ, sưng hoặc mủ chảy ra từ vết mổ.
- Đau nhiều quanh vết mổ.Sốt trên 38°C.
- Dịch tiết có mùi hôi từ âm đạo.
- Chảy máu âm đạo nặng.
- Đỏ hoặc sưng ở chân.
- Khó thở, đau ngực.
Ngoài ra, hãy gặp bác sĩ nếu cảm thấy buồn và tâm trạng căng thẳng không có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt nếu có ý nghĩ làm tổn thương em bé hoặc chính mình. Người thân trong gia đình cũng nên lưu ý sức khỏe và tinh thần của sản phụ.