Dù đang chịu đau từ vết mổ và sau cuộc vượt cạn, thế nhưng chị vợ cũng không nhịn nổi cười trước cử chỉ bắt chước dáng đi lom khom y chang các sản phụ sau sinh của anh chồng.
Trước và sau sinh, phụ nữ thường trải qua các “combo đau”, từ đau đẻ, đau vết mổ đến đau do những cơn co tử cung. Nếu vào khoa sản của các bệnh viện, hình ảnh thường thấy nhất của các sản phụ sau vượt cạn đó chính là dáng đi lom khom vì “đau đủ thứ”.
Bắt chước dáng đi của chị vợ, một anh chồng bỗng chốc đã “nổi tiếng bất đắc dĩ” trên mạng xã hội nhờ những hình ảnh cực kỳ hài hước.
Người đàn ông mặc áo phông, mặc chiếc váy của các sản phụ. Anh mon men đi về giường nằm, tay ôm bụng, tay còn lại chống vào giường, cầm lấy thanh chắn, biểu cảm gương mặt nhăn nhó vì đau đớn. Đặc biệt, khi về được tới giường bệnh, anh cũng nhẹ nhàng làm động tác nằm xuống theo tư thế khom lưng. Bên cạnh anh chồng, chị vợ tỏ rõ gương mặt đầy mệt mỏi, những người phụ nữ khác trong phòng đều ôm bụng cười.
Đi kèm với hình ảnh này, dòng status của facebooker cũng hài hước không kém: “Mới sinh xong gặp ông chồng nhây thế này khéo bục chỉ mất”. Ngay dưới bài đăng, rất nhiều bình luận đã bày tỏ sự thích thú cũng như khen ngợi sự pha trò của “nam chính”: “Nhìn biểu cảm anh chồng này xứng đáng làm diễn viên hài”, “Trông mặt nhăn khó khéo thực sự đấy”, “Nhìn xong lại nghĩ đến cảnh hồi đi đẻ, nằm không được, đứng không xong, ngồi cũng đau nữa”…
Những bức ảnh với biểu cảm vui vẻ trong phòng sản phụ nhận được sự quan tâm từ cư dân mạng.
Đa phần các ý kiến cho hay, trong lúc sản phụ đang cảm thấy cực kỳ mệt mỏi sau khi vượt cạn, thì những tiếng cười vui rất cần thiết tiếp thêm cho họ động lực trong hành trình làm mẹ. Bên cạnh đó, các bình luận cũng cho rằng, có lẽ thông qua những hình ảnh này, cánh mày râu sẽ thêm thấu hiểu và cảm thông hơn những nỗi đau cũng như cảm xúc tiêu cực mà mỗi phụ nữ đều trải qua sau kỳ sinh nở.
Những lưu ý khi chăm sóc sản phụ sau sinh:
Đối với mẹ bỉm sữa khi vừa kết thúc cuộc vượt cạn, cơ thể còn yếu nên cần chế độ chăm sóc khoa học để nhanh hồi phục:
- Chăm sóc vết mổ đẻ/vết rạch tầng sinh môn: Thông thường, sau sinh từ 3-5 ngày các vết mổ, vết khâu sẽ lành lại. Nếu như không khâu bằng chỉ tự tiêu, sản phụ cần được cắt chỉ vào ngày thứ 5 hoặc thứ 7. Thời gian này mẹ bỉm cần chú ý tắm nước ấm và vệ sinh vết mổ theo hướng dẫn. Đồng thời không nên băng kín, để vết mổ nhanh khô thoáng và mau lành. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, rất có thể sản phụ sẽ bị nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm vùng kín.
- Kiểm tra sản dịch: Trong một vài tuần đầu, sản dịch sẽ chảy ra từ cửa mình. Khoảng 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ, sau đó chuyển sang màu hồng. Từ ngày thứ 10, sản dịch chuyển màu nâu sẫm và ngày càng nhạt màu rồi hết hẳn sau khoảng nửa tháng đến 1 tháng sau sinh.
- Cho con bú ngay sau sinh: Tùy vào tình trạng sức khỏe, mẹ có thể cho con bú sau khoảng vài tiếng sau đó. Việc cho bé bú sớm và nhiều lần trong ngày sẽ giúp mẹ tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp người mẹ tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.
- Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng: Sản phụ cần có chế độ ăn khoa học, đảm bảo sức khỏe cũng như chất lượng sữa cho con. Tuy nhiên, đối với sản phụ sinh mổ trong 6 giờ đầu không được ăn gì, chỉ được ăn cơm khi đã xì hơi.