Trong cùng 1 đêm tại ca trực tối của mình, nam bác sĩ sản khoa này đã phải mổ phẫu thuật nội soi cấp cứu cho 2 trường hợp mẹ bầu chửa ngoài tử cung.
Công việc của các bác sĩ sản phụ khoa thường gắn liền với những buổi trực đêm vất vả nhưng không kém niềm vui, niềm hạnh phúc sau những lần giúp các mẹ bầu sinh con hay phẫu thuật xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra.
Bác sĩ Sơn Tùng cùng ê kíp trong một ca phẫu thuật. (Ảnh: BSCC)
Mới đây, Thạc sĩ Bác sĩ Hoàng Sơn Tùng - Chuyên khoa Phụ Sản, Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, hiện đang làm việc tại Khoa Phụ sản 2, Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội cho biết vừa trải qua một ca trực tối rất ấn tượng khi phẫu thuật nội soi cấp cứu cho 2 trường hợp mẹ bầu chửa ngoài tử cung. Trong đó có 1 trường hợp chửa ngoài tử cung hiếm gặp và 1 trường hợp chửa ngoài tử cung thường gặp.
Cũng theo bác sĩ Sơn Tùng, khi mang thai, một số mẹ bầu phải đối mặt với tình trạng thai lạc chỗ (chửa ngoài tử cung). Đây thực chất là thai làm tổ bên ngoài buồng tử cung.
“Hơn 95% thai ngoài tử cung nằm ở vòi tử cung. 75-80% thai ngoài tử cung là ở đoạn bóng, 12% ở đoạn eo, 6-11% ở đoạn loa và chỉ 2% ở đoạn kẽ. Ngoài ra, còn có những vị trí ít gặp hơn như ở buồng trứng, trong ổ bụng hay ở sẹo mổ lấy thai cũ”, bác sĩ Tùng nhận định.
Hơn 95% thai ngoài tử cung nằm ở vòi tử cung. (Ảnh: BSCC)
Cụ thể trong tua trực tối mới đây, nam bác sĩ chuyên khoa phụ sản này đã tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp mẹ bầu chửa ngoài tử cung phải nhập viện.
Mẹ bầu 38 tuổi chậm kinh 1 tuần vừa đến khám đã phải báo động đỏ toàn viện
4 năm trước, chị M., 38 tuổi đã có 2 con gái và từng mổ chửa ngoài tử cung, cắt vòi tử cung trái. Mới đây, chị M. bị chậm kinh 1 tuần nên mua que thử thai thì phát hiện đã mang bầu.
Bỗng một ngày chị M. bị đau bụng từ sáng nhưng lại không nghĩ liên quan đến tình trạng mang thai nên đi khám chuyên khoa khác ở một bệnh viện tuyến dưới. Ngay sau đó, chị đã được chuyển đến bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng mạch đập nhanh 130 lần/phút, huyết áp tụt (85/50mmHg), khó nâng và siêu âm nhiều dịch trong ổ bụng.
“Ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào khoa cấp cứu và hội chẩn ngay chuyên khoa sản chỉ bằng 1 nút ấn báo động đỏ toàn viện. Chưa đầy 15 phút từ lúc nhận được báo động đỏ các bác sĩ khoa phụ sản 2 đã khám, siêu âm, đưa ra chẩn đoán và đẩy thẳng bệnh nhân vào phòng mổ”, bác sĩ Tùng kể lại.
Nhờ sự phối hợp nhanh chóng giữa các khoa và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo khoa phòng, mẹ bầu M. đã được mổ nội soi cấp cứu, ổ bụng có 1,5 lít máu. Khối chửa đoạn kẽ bên trái - nơi đã cắt vòi tử cung ở lần mổ trước (vị trí này chỉ gặp ở 2% các trường hợp chửa ngoài tử cung) đã vỡ và đang chảy nhiều máu. Các bác sĩ phải xử trí bóc khối chửa ngoài tử cung, khâu phục hồi cơ tử cung và hồi sức truyền máu. 10 tiếng sau mổ, chị M. đã tỉnh táo trở lại tình trạng ổn định và dần hồi phục.
“Sau mổ bệnh nhân và chồng đã được bác sĩ tư vấn kỹ về cuộc mổ, không quên dặn bệnh nhân nếu có cố đẻ thêm phải nhớ mổ đẻ chủ động khi thai đủ tháng. Bởi nếu đẻ thường sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ tử cung trong chuyển dạ vì đây là một dạng chửa ngoài tử cung đặc biệt, xử trí khác biệt so với các trường hợp chửa ngoài tử cung khác”, bác sĩ Tùng kể lại.
Mẹ bầu 30 tuổi chậm kinh 3 tuần đi khám tá hỏa phát hiện khối chửa ngoài tử cung bên phải
Bác sĩ Tùng cũng kể thêm về một ca bệnh nhân chửa ngoài tử cung khác đến thăm khám trong ca trực hôm ấy. Đó là trường hợp một mẹ bầu tên Thư, 30 tuổi đã có con trai, con gái.
Được biết chị Thư bị chậm kinh 3 tuần nên đi khám tại 1 phòng khám và làm xét nghiệm cách 1 tuần nhưng chưa phát hiện có bầu. Vì thế chị tới bệnh viện khám lại tá hỏa phát hiện ra khối chửa ngoài tử cung bên phải chưa vỡ với HCG 18000 mà không hề đau bụng.
Ngay sau đó, chị Thư được hội chẩn và chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu cắt vòi tử cung bên phải chứa khối chửa và triệt sản luôn vòi tử cung bên trái (theo nguyện vọng của 2 vợ chồng) thuận lợi. Sáng hôm sau chị Thư đã tỉnh táo, ăn nhẹ và bắt đầu ngồi dậy.
“Đi khám bệnh sau mổ, bác sĩ chuyên khoa không quên dặn chị Thư từ giờ không phải lo liên quan đến thai nghén và có thai ngoài ý muốn nữa. Ca mổ này rất thuận lợi, bệnh nhân gần như không thêm mất chút máu nào”, bác sĩ Tùng nói.
Qua 2 trường hợp mẹ bầu phải mổ thai chửa ngoài tử cung, Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Sơn Tùng khuyến cáo, các chị em bị chậm kinh từ 1 tuần trở lên, thử thai 2 vạch thì ngay lập tức nên đi khám xem thai đã làm tổ đúng chỗ chưa. Nhất là khi tình trạng này có kèm theo triệu chứng đau bụng càng phải khám ngay và nhớ đăng ký khám chuyên khoa phụ sản đầu tiên.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.