Sinh thường và được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) 80% nên mẹ bỉm này khi ra viện chỉ phải thanh toán một khoản hơn 7 triệu đồng.
Chị Ngô Thúy ở Hà Nội vừa sinh con thứ 2 tại bệnh viện Phụ sản Trung ương tròn 1 tháng. Tuy sinh con tại viện phụ sản tuyến đầu nhưng sản phụ này cho biết vì được hưởng BHYT nên chi phí sinh chỉ hết hơn 7 triệu đồng mà được hưởng nhiều dịch vụ rất có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé sau sinh.
Làm hồ sơ sinh ở tuần 36
Như nhiều mẹ bầu khác, tuần 36 chị Ngô Thúy đi làm hồ sơ sinh trước để chủ động đi đẻ. Tất cả các dịch vụ đều do bác sĩ khám định kỳ chỉ định các xét nghiệm cần thiết nên làm. Do đó mẹ bầu làm hồ sơ sinh hết 1,9 triệu.
Sau sinh, sản phụ nằm phòng 600 ngàn đồng/ đêm và có 8 giường. (Ảnh: NVCC)
“Nếu chưa biết phải làm các xét nghiệm gì thì mẹ bầu cứ vào bàn chỉ dẫn ở cửa báo làm hồ sơ sinh sẽ có người chỉ dẫn nhiệt tình. Sau hôm làm hồ sơ sinh, mình khá yên tâm vì thấy từ bác sĩ đến cô lao công hay y tá đều chỉ dẫn chuyên nghiệp, nhẹ nhàng, quan tâm”, chị Thúy nói.
Nhập viện khi có dấu hiệu chuyển dạ
3h30 sáng một ngày cuối tuần, chị Ngô Thúy thấy bị rỉ ít nước ối và ra máu đỏ nhưng mẹ bầu vẫn bình tĩnh vì biết sắp sinh chứ chưa sinh được ngay do đã có kinh nghiệm sinh con đầu lòng trước đó.
Để chuẩn bị vào viện vượt cạn, mẹ bầu gọi chồng đặt xe và xách đồ cũng như mang theo chứng minh thư, hình ảnh thẻ BHYT trên app, photo thêm mỗi loại 2 bản và sổ khám có dán số hồ sơ sinh hôm đi làm hồ sơ sinh.
Mẹ bầu gọi cho bác sĩ hay thăm khám và được hướng dẫn vào tầng 1 toà nhà BC, khoa cấp cứu cổng Tràng Thi (Trước sinh mình cũng đã tham khảo các bài viết review của các chị và hỏi bác sĩ khám nên khá yên tâm).
Xe taxi đưa đi đẻ có thể đỗ tận cửa phòng cấp cứu nên mẹ bầu và người nhà không phải xách đồ đi bộ từ ngoài cổng vào. Đến viện, chị Ngô Thúy được đưa vào thăm khám. Sau khi khám xong có kết quả lên tầng 7 để chuẩn bị đẻ.
Lúc này người nhà ra ngoài chờ, không được vào vì chị Ngô Thúy xác định đẻ thường nên không đăng kí gói 25 triệu dịch vụ gia đình vì gói dịch vụ này mất 10 triệu chọn bác sĩ đỡ và giờ đẻ nên phù hợp với mẹ nào sinh mổ hơn.
“Nếu không vào ca trực cũng là bác sĩ khác đỡ thôi. Các bác sĩ ở đây đều có chuyên môn giỏi nên mẹ bầu không cần lo lắng. Sản phụ được mang điện thoại vào phòng đẻ và đông như trẩy hội nên đi vào phòng sinh sẽ không thấy cô đơn. Nếu cần gì cứ nhắn người nhà mua rồi các chị y tá cầm hộ vào cho”, sản phụ này kể lại.
Sáng hôm đầu tiên sau sinh, các bé được đi tắm tập thể. (Ảnh: NVCC)
Khi lên tầng 7, mẹ bầu chỉ việc điền thông tin cá nhân, đeo thẻ, phiếu ra vào cho người nhà sau sinh, mỗi người được phát 1 túi bóng đựng dép cho khỏi mất, đo huyết áp và khám độ mở tử cung. Do sản phụ đã mở 4 phân nên vào phòng sinh luôn chứ không vào phòng chờ sinh nữa.
“Phòng có 8 sản phụ nằm quay vào nhau, xem nhau đẻ nên hết ngại luôn. Nằm được lúc bác sĩ truyền nước và tiêm thuốc kích đẻ. Sau đó mình bắt đầu đau dữ dội và muốn rặn con ra luôn. Bác sĩ thông tiểu, bấm rạch chỗ đó thì lôi được em bé ra. Lúc này mới 5h30 sáng. Sau khi lấy bé ra, con được da kề da mẹ trong lúc mẹ chờ bác sĩ khâu tầng sinh môn. Khi vào sinh, mình vẫn thấy bác sĩ khá nhẹ nhàng, theo dõi, quan tâm, sẵn sàng trả lời, nhưng các chị em phải nghe theo lời bác sĩ giữ sức và tập rặn đẻ trước. Có mẹ không biết rặn sau khi đẻ thường không được, sợ ảnh hưởng đến con nên phải chuyển sang sinh mổ”, chị Ngô Thúy kể lại.
Sau khi khâu tầng sinh môn xong, sản phụ được chuyển về phòng hồi sức bên cạnh. Người nhà được mang cháo vào cho ăn để hồi sức. Lúc này, sản phụ Hà Nội tranh thủ cho bé ti mẹ để con không khóc và sữa về nhiều. Bú mẹ xong, người nhà sẽ bế bé đi cân, tiêm vitamin K còn sản phụ sẽ được chuyển về giường bệnh dưới tầng 2.
Massage cho bé trước khi tắm. (Ảnh: NVCC)
“Trước đó mình có cảm ơn bác sĩ đỡ đẻ lúc sang phòng hồi sức hỏi thông tin và nhờ bác sĩ đăng kí phòng dịch vụ cho luôn. Do phòng dịch vụ chưa xuất viện nên mình nằm tạm giường ngoài hành lang, cảm thấy thoải mái và thoáng hơn trong phòng chung vì khá đông chật chội. Đầu giờ chiều có bác sĩ báo chuyển sang phòng dịch vụ ngay cạnh đó với giá 600 ngàn đồng/ đêm. Phòng có 8 giường với 2 nhà vệ sinh và tủ lạnh, tivi, rèm che riêng tư, giường gấp cho người nhà, giường bé. Do sinh thường nhanh khỏe nên hôm sau mình đã được xuất viện về nhà”, mẹ bỉm nói.
Chuyến đẻ thường hết 7,4 triệu đồng vì được BHYT chi trả 80%
Khi vào viện, chị Ngô Thúy đặt cọc 10.400.000 đồng và khi ra viện gia đình chị lấy về 3 triệu đồng do được hưởng BHYT chi trả 80%. Tổng chi phí đi đẻ của chị Thúy hết 7,4 triệu đồng gồm những khoản cụ thể sau:
- Chi phí khám lúc vào phòng cấp cứu trước sinh hơn 400 ngàn đồng.
- 2,5 triệu lấy máu gót chân, nhà chị Thúy làm cả 3 nhóm bệnh cho bé (có 3 gói 500, 800, 1200 ngàn đồng cho các mẹ chọn nhưng là 3 nhóm bệnh riêng biệt, gói này không bao gồm gói kia nên chú ý chọn nhé).
- 2,5 triệu/10 lần/2 ngày (4 lần chiếu tia plasma cho mẹ + 4 lần chiếu tia plasma rốn cho bé + 2 lần massage cho bé). Đây là những dịch vụ ngoài nên khi y tá đến báo đi làm, các sản phụ có thể làm hoặc không nhưng rất khuyến khích làm để mau chóng hồi phục sức khỏe cho mẹ và bé sau sinh.
- 400 ngàn đồng giường dịch vụ (chị Thúy nằm phòng 600 ngàn đồng/ đêm nhưng bảo hiểm thanh toán cho 200 ngàn đồng).
- 1,7 triệu viện phí thuốc thang, dịch truyền… lúc đẻ.
- Những chi phí khác khoảng 5 triệu đồng.
Cơm sau sinh đặt mang lên tại phòng 40 ngàn đồng. (Ảnh: NVCC)
Những lưu ý:
- Mỗi đơn thuốc bác sĩ kê mua theo yêu cầu sẽ có 1 đơn thuốc thực phẩm chức năng khuyến khích đi kèm, nếu cần thì mua không cần hoặc có rồi thì không cần mua vì khá tốn kém 1 khoản.
- Các dịch vụ như chiếu tia plasma, massage bé, xông hơi, massage ngực các bác sĩ báo làm bình thường nhưng nếu không có nhu cầu thì báo luôn là không làm vì sẽ mặc định là làm các dịch vụ này (Các dịch vụ này với giá tiền 200-250 ngàn đồng/lần, khuyến khích chiếu tia plasma vì nhanh lành mà thoải mái).
- Đồ mẹ và bé đều có thể dùng của viện hết, kể cả tã dán của mẹ và bỉm bé lúc mới sinh, thiếu gì có thể xuống dưới mua hoặc cầm vào sau nên cũng không cần mang theo quá nhiều đồ vào viện (Quan trọng phải mang theo các giấy tờ như trên, thêm bỉm cho bé, sữa nếu mẹ chưa về sữa ngay, bộ đồ ra viện).