Những ca vượt cạn bị vỡ tử cung nguy kịch trong năm 2022 khiến bác sĩ phải hội chẩn gấp

Thảo Nguyên - Ngày 12/12/2022 09:41 AM (GMT+7)

Những sản phụ bị vỡ tử cung nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé.

Cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung, thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh

Tối 7/12/2022, sản phụ B.T.L. (34 tuổi, trú thôn Nam Điền, xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà) được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng đau bụng nhiều, vỡ ối, có dấu hiệu sắp sinh.

Người nhà sản phụ L. cho biết, trước đó chị đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và đã được chẩn đoán thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot. Sau đó gia đình đã đưa chị L. ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám và được chẩn đoán thai 36 tuần, sinh con lần hai, vết mổ đẻ cũ (lần 1 cách 4 năm); thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot.

Những ca vượt cạn bị vỡ tử cung nguy kịch trong năm 2022 khiến bác sĩ phải hội chẩn gấp - 1

Bệnh viện này hẹn sau hai tuần sẽ tiến hành mổ lấy thai và phẫu thuật tim cho cháu bé. Tuy nhiên, sau khi về đến nhà thì bà bầu L. lên cơn đau bụng, vỡ ối nên được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để cấp cứu.

Sau khi tiếp nhận sản phụ L, các bác sĩ Khoa Sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chẩn đoán thai nhi có bệnh tim bẩm sinh, theo dõi vỡ tử cung. Ngay lập tức, ê kíp hội chẩn nhanh và quyết định mổ cứu thai nhi.

Dưới sự hỗ trợ của khoa gây mê, các bác sĩ Khoa Sản đã mở ổ bụng sản phụ L, phát hiện ổ bụng có nhiều dịch tự do (máu đỏ tươi), tử cung vỡ ngay vết mổ đẻ cũ, vỡ bàng quang. Bác sĩ nhanh chóng đưa bé trai nặng 2,8kg ra ngoài.

Lúc này tình trạng của sản phụ là rau bong, tử cung co kém nên các bác sĩ đã tiến hành tiêm các thuốc tăng co cầm máu, khâu phục hồi tử cung và bàng quang.

Hiện cả 2 mẹ con chị L. đã khỏe mạnh, tỉnh táo, bé trai hồng hào, bú tốt. Cháu bé sơ sinh đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiến hành phẫu thuật tim.

Cứu thành công sản phụ Phú Thọ vỡ tử cung ở vị trí rau cài răng lược

Tháng 4/2022, chị N.T.T.L, 33 tuổi ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, mang thai 19 tuần, thai lần 4, tiền sử mổ đẻ 3 lần, nhập viện trong tình trạng thỉnh thoảng đau hạ vị và đi tiểu buốt.

Tại khoa SảnBệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ đã tiếp nhận và chẩn đoán chửa vết mổ, rau tiền đạo cài răng lược ở vị trí sẹo mổ đẻ cũ, nguy cơ vỡ tử cung.

Bác sĩ đã tư vấn cặn kẽ cho thai phụ và gia đình các nguy cơ sẽ xảy đến với thai phụ và thai nhi. Gia đình thai phụ tha thiết mong muốn theo dõi và giữ thai. Tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy 24h, tình hình bệnh nhân chuyển biến xấu nhanh.

Những ca vượt cạn bị vỡ tử cung nguy kịch trong năm 2022 khiến bác sĩ phải hội chẩn gấp - 2

ThS.BSCKII Trương Minh Phương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trực tiếp thăm khám và chẩn đoán vỡ tử cung tại vị trí rau cài răng lược cho biết: Khoa Sản bệnh A4 lập tức triển khai hội chẩn với các bác sĩ cao cấp của bệnh viện để xin ý kiến chỉ đạo mổ cấp cứu xử trí theo tổn thương.

Ca mổ cấp cứu được thực hiện hết sức khó khăn do tính chất phức tạp của bệnh, bánh rau ăn sâu xâm lấn phá hủy toàn bộ cơ mặt trước tử cung vị trí sẹo mổ đẻ cũ, khối máu tụ do vỡ tử cung lan rộng, mất máu nhiều. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, ca mổ thành công cứu sống thai phụ, chị N.T.T.L ổn định xuất viện sau 5 ngày điều trị.

Sản phụ Tuyên Quang bị vỡ tử cung do nhau cài răng lược, nhập viện đau bụng dữ dội

Tháng 7/2019, sản phụ ở Tuyên Quang thai 34 tuần, nhập viện Đa khoa Tuyên Quang trong tình trạng đau bụng dữ dội, không thể nằm ngửa, tiền sử mổ đẻ cũ.

Theo các bác sĩ chẩn đoán, sản phụ này bị vỡ tử cung do vết mổ đẻ cũ, nhau tiền đạo trung tâm - theo dõi nhau cài răng lược, chỉ định mổ cấp cứu.

Đây là ca bệnh rất nặng, nguy cơ chảy máu dẫn đến tử vong, bệnh viện chuẩn bị kỹ các phương án xử trí và lượng máu cần truyền. Sản phụ được chuyển đến khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để phẫu thuật cấp cứu. Bé trai nặng 2,1 kg chào đời được đưa đến Khoa Nhi để chăm sóc đặc biệt.

Những ca vượt cạn bị vỡ tử cung nguy kịch trong năm 2022 khiến bác sĩ phải hội chẩn gấp - 3

Được biết, kíp mổ đã hút ra khoảng 1.500 ml máu đỏ lẫn máu cục trong ổ bụng sản phụ, cắt tử cung bán phần khâu cầm máu, cắt một phần bàng quang có nhau thai bám vào và khâu phục hồi bàng quang. Trong mổ, sản phụ vừa được hồi sức tích cực, vừa được phẫu thuật, đồng thời truyền bổ sung 12 đơn vị máu.

Sau mổ một tuần, sức khỏe sản phụ đã ổn định, vết mổ khô, tiếp tục được điều trị, chăm sóc và theo dõi.

Cứu sống sản phụ Tiền Giang bị tai nạn giao thông, tử cung vỡ làm đôi 

Tháng 7/2019, Bệnh viện phụ sản Tiền Giang tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc B. (27 tuổi, ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang) mang thai 16 tuần bị tai nạn giao thông nhập viện cấp cứu trong tình trạng da niêm, bụng chướng, bị choáng, ngất xỉu và huyết áp không đo được. Các bác sĩ siêu âm không thấy thai nhi nằm trong tử cung mà nằm trong ổ bụng ở dưới góc gan đã chết lưu.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã mổ cấp cứu khẩn. Khi mở ổ bụng, các bác sĩ phát hiện tử cung của sản phụ đã vỡ làm đôi đẩy thai nhi và bánh nhau vào ổ bụng. Các bác sĩ đã khẩn trương khâu lại tử cung để bảo tồn tử cung cho người mẹ. Sau đó, các y bác sỹ đã truyền 4 đơn vị hồng cầu lắng, 2 đơn vị huyết tương tươi và dịch truyền các loại cùng với kháng sinh liều cao để chống sốc cho bệnh nhân.

Những ca vượt cạn bị vỡ tử cung nguy kịch trong năm 2022 khiến bác sĩ phải hội chẩn gấp - 4

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh, sức khỏe phục hồi tốt. Đây là một ca cấp cứu hy hữu, rất hiếm gặp, trường hợp này rất lạ vì trên thành bụng không hề có vết sang chấn… do áp lực đụng mạnh nên tử cung vỡ làm đôi.

Được biết, vợ chồng chị B. hành nghề buôn bán gà, khi đang trên đường đi giao hàng thì bị tai nạn giao thông, khiến cả hai nhập viện cấp cứu.

Lưu ý

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm đối với các sản phụ. Nếu không xử trí kịp thời, sẽ nguy kịch tính mạng cho mẹ và con.

Phụ nữ mang thai cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để khám thai định kỳ và tuân thủ đúng theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Nhất là những sản phụ có vết mổ đẻ hoặc mổ u tử cung trước đó nên được quản lý thai chặt chẽ, chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến sẹo mổ đẻ cũ như chửa vết mổ, rau tiền đạo... để xử trí kịp thời.

Đặc biệt, nếu thai kỳ có diễn biến bất thường như đau bụng, ra máu âm đạo, tiểu buốt, tiểu máu... cần được bác sĩ chuyên khoa khám tìm căn nguyên và điều trị sớm theo từng nguyên nhân gây bệnh.

Nạo hút thai lưu 8 tuần, thai phụ phải nhập viện cấp cứu vì vỡ tử cung
Khi thực hiện mổ, thấy ổ bụng ngập máu, thành bên phải tử cung đoạn vết mổ cũ có khối tụ máu đang chảy thành dòng.

Tai biến sản khoa

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sự kiện nổi bật trong năm 2022