Review gói sinh thường gia đình 20 triệu đồng ở viện Phụ sản: Sản phụ được đẻ tại phòng, người nhà cũng có mặt

Thảo Nguyên - Ngày 27/03/2023 12:00 PM (GMT+7)

Từng trải nghiệm sinh thường gói gia đình ở bệnh viện Phụ sản Trung ương nên chị Thúy đã có những review chân thực, rất hữu ích cho các mẹ sắp đi đẻ.

Chị Võ Minh Thúy, Sơn Tây, Hà Nội vừa sinh thường con đầu lòng ngày giữa thán 3/2023 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Chị Thúy cho biết, trước khi nhập viện, chị làm hồ sơ sinh từ tuần 34 của thai kỳ. Thế nhưng đến quá tuần 38 mới sinh nên mẹ bầu phải làm lại xét nghiệm máu. Do đó để tiết kiệm chi phí, chị Thúy khuyên các mẹ bầu khác nên làm hồ sơ sinh từ tuần 36 sẽ tiết kiệm hơn.

Một ngày trước khi sinh, theo chỉ định của bác sĩ, chị Thúy đi khám theo lịch, đo monitor thấy có cơn gò và tử cung mở 2 phân nên cho mẹ bầu nhập viện ngay cuối giờ chiều hôm ấy.

“Lúc này mình đi thay quần áo để nhập viện và được chỉ định lên tầng 7, Khoa cấp cứu tòa BC. Nhập viện chồng mình đóng tạm ứng 7 triệu tại tầng 1 của tòa nhà này.

1 ngày trước sinh, chị Thúy được chỉ định nằm ở phòng chờ thường, Khoa cấp cứu tầng 7, Tòa BC. (Ảnh: NVCC)

1 ngày trước sinh, chị Thúy được chỉ định nằm ở phòng chờ thường, Khoa cấp cứu tầng 7, Tòa BC. (Ảnh: NVCC)

Sau khi lên tầng 7, mình tiếp tục nằm theo dõi tại phòng chờ thường khoa cấp cứu. Thỉnh thoảng bác sĩ lại đo cơn gò và đo tim thai liên tục. Vì mình nhập viện chiều tối nên phòng chờ của khoa khá vắng, chỉ có 5-6 mẹ bầu khác cũng nhập viện chờ theo dõi sinh không có người nhà vì là phòng chờ thường”, chị Thúy kể lại.

Chị Thúy nằm tại phòng chờ thường được 1 lúc thì anh xã chị có yêu cầu viện tư vấn lại về gói dịch vụ gia đình. Sau đó, chị Thúy được 1 y tá tư vấn cụ thể, không hiểu chỗ nào có thể hỏi luôn và không bắt buộc lựa chọn.

“Gói sinh thường gia đình sẽ phải tạm ứng 20 triệu, nếu đã đóng tạm ứng lần 1 sẽ xuống tạm ứng thêm lần 2 cho đủ 20 triệu. Gói có 10 triệu là chi phí chọn bác sĩ và nói rõ không được hoàn lại, cũng không có bảng kê chi tiết để thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). 10 triệu còn lại có bảng kê chi tiết các chi phí giường bệnh thuốc thang được thanh toán BHYT. Vì thế vợ chồng mình quyết định đăng ký gói sinh thường gia đình”, mẹ bỉm nói.

Gói sinh thường gia đình chị Thúy sẽ phải tạm ứng 20 triệu. (Ảnh: NVCC)

Gói sinh thường gia đình chị Thúy sẽ phải tạm ứng 20 triệu. (Ảnh: NVCC)

Kể từ lúc đăng ký gói sinh thường gia đình và đóng thêm 13 triệu tạm ứng lần 2, sáng sớm hôm sau vợ chồng chị Thúy được chuyển sang phòng chờ đẻ dịch vụ chỉ 1 mức giá là 1.500.000 đồng/ngày gồm: phòng 02 giường có rèm che, có 01 giường người nhà, 02 nhà vệ sinh, tủ lạnh, cây nước nóng, tủ để đồ. Kèm theo đó là 02 cái bàn đẻ trong phòng. Chị Thúy sẽ được đẻ tại phòng này thay vì phòng đẻ thường 8 bà đẻ/lần và người nhà được vào cùng từ lúc chị chuyển dạ, lúc đẻ, tham gia cắt rốn cho con, mẹ da kề da….

“Ở phòng này, chủ yếu 2 vợ chồng chỉ ăn với ngủ vì mình chưa có cơn gò nhiều. Thỉnh thoảng mình đi kiểm tra độ mở tử cung vẫn 2 phân nên ung dung ăn uống rồi xem các ca đẻ khác trong phòng, cộng thêm tiếng làm việc của các bác sĩ, hộ lý từ sáng đến tối. Nói chung là ồn ào như cái chợ mà giường tận 1,5 triệu/ngày. Thế nên các sản phụ khác cân nhắc nếu không cần người nhà bên cạnh lúc chưa chuyển dạ thì cứ ở phòng chờ thường cũng được”, mẹ bỉm nhớ lại.

Sáng hôm sau, chị Thúy vẫn chỉ mở được 2 phân và cơn gò chưa nhiều, vì thế phải nằm theo dõi thêm. Thỉnh thoảng mẹ bầu lại được dắt đi đo tim thai, xem tử cung mở bao nhiêu. Phải đến chiều tối, các cơn đau dồn dập nhưng chỉ mở được 3 phân nên mẹ bầu tiếp tục nằm đo monitor theo dõi. Sau đó các cơn gò cứ mau hơn tầm 10 phút 3 cơn gò nên chị đề nghị bác sĩ cho tiêm giảm đau.

“Mình lên bàn đẻ tại phòng, bác sĩ bắt đầu kiểm tra thấy tử cung mở 6-7 phân nên báo nằm đo monitor rồi khám xét, đặt ống thông tiểu, tiêm giảm đau (tiêm sống lưng giá 1,5 triệu. Dịch vụ này mình tự chọn nên không được chi trả BHYT). Được 10 phút sau tiêm giảm đau thì thấy đỡ đau hẳn. Sau đó bác sĩ vào và bảo mình rặn đẻ luôn. Bác sĩ cũng hướng dẫn qua cách lấy hơi để rặn nên mình rặn 5 lần thì em bé oe oe chào đời”, mẹ bỉm kể phút lên bàn đẻ sinh thường.

Sau sinh, chị Thúy được da kề da với con. Con chị cũng được bác sĩ cắt dây rốn luôn. Sau đó, sản phụ nằm khâu tầng sinh môn, khoảng 20 phút sau thì được chuyển về phòng sau sinh 4 giường có rèm che ở cùng tầng 7. Em bé nhà chị cũng được đưa về nằm cùng mẹ, trên cổ chân có đeo tên và mã số cùng với vòng tay của mẹ. Em bé được viện mặc cho 1 áo mỏng, đội mũ đóng bỉm quấn 1 tã 1 chăn.

Đến tầm trưa hôm sau chị Thúy mới được chuyển xuống tầng 3 phòng sau sinh hồi sức cấp cứu 4 giường giá 1,5 triệu/ngày. Tại đây, chị Thúy được y tá vệ sinh vết khâu và thay bỉm 1 lần.

“Ở phòng dịch vụ sau sinh mình chọn là phòng 1,5 triệu có giường tủ nôi em bé, tủ lạnh, cây nước nóng, 02 nhà vệ sinh khép kín, trong phòng có 04 giường đều có rèm che riêng tư. Nằm tại tầng 3 cũng yên tĩnh hơn tầng 7”, sản phụ sau sinh nhận xét.

Chị Thúy sẽ được đẻ tại phòng này thay vì phòng đẻ thường 8 bà đẻ/ lần và người nhà được vào cùng từ lúc chị chuyển dạ, lúc đẻ, tham gia cắt rốn cho con, mẹ da kề da… (Ảnh: NVCC)

Chị Thúy sẽ được đẻ tại phòng này thay vì phòng đẻ thường 8 bà đẻ/ lần và người nhà được vào cùng từ lúc chị chuyển dạ, lúc đẻ, tham gia cắt rốn cho con, mẹ da kề da… (Ảnh: NVCC)

Tại phòng dịch vụ sau sinh, chị Thúy được nằm theo dõi, thăm khám, phát thuốc và sử dụng các dịch vụ của viện như:

* Những dịch vụ cho mẹ:

- Chiếu tia Plasma cho mẹ: 5 lần x 250.000 đồng =1.250.000 đồng

- Massage vú sau sinh: 2 lần x 200.000= 400.000 đồng

- Xông hơi tầng sinh môn: 1 lần = 180.000 đồng

* Dịch vụ cho bé:

- Sàng lọc tim bẩm sinh: 260.000 đồng

- Lấy máu gót chân: 500.000 đồng (5 loại bệnh cơ bản)

- Chiếu tia Plasma rốn bé: 4 lần x 250.000 đồng = 1.000.000 đồng

- Massage cho bé: 2 lần x 250.000 đồng = 500.000 đồng

* Ở phòng dịch vụ (chờ sinh + sau sinh): 3 ngày x 1.500.000 đồng/ngày = 4.500.000 đồng

Thông thường sau sinh thường, chị Thúy chỉ ở viện 1 ngày. Song sản phụ này phải ở thêm 1 ngày nữa để theo dõi truyền máu vì bị thiếu máu.

Hàng ngày ở viện, vào mỗi 8-9h sáng sẽ có hộ sinh đến tắm cho bé. Sau đó mẹ sau sinh được phát thuốc uống gồm sắt, canxi, kháng sinh (Khi ra viện bệnh viện cũng kê đơn mua 3 loại này luôn). Ngoài ra bác sĩ kê đơn cho bé thêm D3, K2 và men vi sinh.

Tính ra, chi phí ra viện của nhà chị Thúy là 24 triệu đồng chưa tính đơn thuốc mua cho 2 mẹ con 2 triệu đồng nữa. Tổng chi phí đi đẻ của chị Thúy gói gia đình hết tất cả 26 triệu.

Chia sẻ về mức chi phí sinh thường gói gia đình tại bệnh viện công tuyến đầu, chị Thúy khẳng định: “Gia đình mình bị chênh lên vài triệu do dùng phòng dịch vụ 3 ngày đã hết 4.500.000 đồng và phải truyền máu nữa nên thêm chi phí. Song cũng mừng vì mẹ tròn con vuông”.

Mẹ bỉm sau sinh này cũng lưu ý các sản phụ khác:

Thứ nhất, khi tham gia gói đẻ thường gia đình, sản phụ cần có sự chủ động về việc chọn bác sĩ để tận dụng được chi phí 10 triệu. Do chị Thúy không chọn và theo khám bác sĩ nào trong viện từ đầu nên lúc đăng ký, viện tự chọn bác sĩ trong ca trực cho nên không được như ý.

Thứ hai, về dịch vụ sau sinh tại viện, chị Thúy đánh giá chưa ổn lắm so với giá cả dịch vụ: “Mình vẫn ám ảnh bộ quần áo của viện vừa nóng vừa rộng. Sản phụ đã nặng nề đi lại còn phải xách theo cái váy đụp chất liệu cứng và nóng. Chưa kể, phòng dịch vụ tầng 7 quá ồn ào, nhiệt độ các phòng quá nóng”.

Thứ ba, những nữ hộ sinh, y tá vẫn làm việc theo phong cách viện công. Song điều này, chị Thúy cũng nghĩ tùy từng người, từng ê kíp chứ không phải 100% như vậy. Song về cơ bản, hộ sinh, y tá ở đây không có kiểu tư duy phải phục vụ chu đáo nhẹ nhàng tư vấn nhiệt tình như viện tư.

Review gói sinh thường gia đình 20 triệu đồng ở viện Phụ sản: Sản phụ được đẻ tại phòng, người nhà cũng có mặt - 4

Ông bố trẻ Hải Dương chia sẻ trải nghiệm đưa vợ đi đẻ như đi nghỉ dưỡng ở Hải Phòng
Ông bố trẻ ở Hải Dương cho biết, sau khi đi đẻ tại đây, cả hai vợ chồng đã thấy mình quyết định đúng.

Chọn nơi sinh

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết