Ngoài ra, các bác sĩ còn cứu sản phụ mắc bệnh tim từ nhỏ nhưng không chữa, vẫn mang thai và sinh con.
Cứu thành công mẹ con sản phụ thai ngôi ngược chuyển dạ trên đường đi đẻ
Ngày 11/11/2022, các y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh vừa cứu sống mẹ con sản phụ N.T.M (25 tuổi, ở xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc) bị thai ngôi ngược, hai chân thai nhi thò ra ngoài.
Theo đó khoảng 3h sáng ngày 11/11/2022, sản phụ N.T.M đau bụng, có dấu hiệu tiền chuyển dạ. Tuy nhiên đến 6h45p cùng ngày, anh V.V.T mới bắt xe taxi đưa vợ đến Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh để sinh. Trên đường di chuyển, chị N.T.M đã chuyển dạ nhưng là thai ngôi ngược nên 2 chân thai nhi đã thò ra ngoài.
Ngay khi nhận được tin báo, kíp trực tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đã kịp thời đưa xe ra cổng bệnh viện để cấp cứu mẹ con sản phụ. Sau 5 phút, em bé đã được đưa ra. Tuy nhiên, do ngôi ngược, 2 chân của bé ra ngoài, đầu và tay mắc kẹt ở trong. Do đó, mặc dù bé được đưa ra, nhưng bị ngạt trắng, không thở, tình trạng rất nguy cấp.
Bác sĩ thăm khám cho mẹ con sản phụ (Ảnh: báo Hà Tĩnh)
Các bác sĩ đã vừa ép tim, hỗ trợ thở ô xi cho bé vừa khẩn trương liên hệ hồi sức nhi, cấp cứu hồi sức cho bé. Bằng sự khéo léo và kinh nghiệm của các y, bác sỹ, sau 10 phút, da hồng hào trở lại, thở bình thường. Đây là trường hợp hy hữu, lần đầu gặp tại bệnh viện.
Hiện tại, bé đã bú mẹ tốt và nặng 3k. Mẹ bé có thể đi lại nhẹ nhàng và ăn uống tốt.
Đây là lần mang thai thứ 3 của chị M, 39 tuần. Cách đây 2 năm, khi mang thai lần 2, sản phụ đã N.T.M mổ đẻ.
Cứu sản phụ mắc bệnh tim từ nhỏ nhưng không chữa, vẫn mang thai và sinh con
Mới đây các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E, Hà Nội) cho biết đã cứu sống sản phụ Lý Thị Co (20 tuổi, dân tộc Mông, tỉnh Điện Biên) mang thai lần 3. Đặc biệt, sản phụ có bệnh lý tim mạch hiếm gặp không chữa nhưng vẫn mang thai 3 lần, trong đó 2 lần sinh con.
Trước đó, sản phụ được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên xuống để mổ lấy thai và điều trị bệnh tim. Dù 8 năm trước, sản phụ đã xuất hiện các cơn đau ngực, khó thở nhưng không đi khám. Khi lấy chồng và mang thai lần đầu các cơn đau ngực từng xuất hiện nhiều, sức khỏe yếu khiến chị C. bị sảy thai.
Năm 2020, bệnh nhân tiếp tục mang thai lần 2 dù được bác sĩ tuyến xã thăm khám và cảnh báo về bệnh tim mạch. Do gia đình quá nghèo nên bệnh nhân vẫn không đi khám. Đến tháng cuối thai kỳ, chân sản phụ phù nhiều, tim đập nặng nề, mới vay mượn lên Bênh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên để mổ lấy thai. Sau đó, các bác sĩ khuyến cáo sản phụ không nên sinh con, cần ở lại viện để mổ tim. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, bệnh nhân tiếp tục xin về.
Đến lần mang thai thứ 3, khi ở tuần thai 34, cơn đau tim ngày càng hành hạ, sản phụ này mới đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và được nhận định mắc bệnh tim mạch nên chuyển xuống Bệnh viện E.
Khi chuyện xuống viện E, sản phụ C. đang trong tình trạng rất nguy kịch; thai nhi ở tuần thứ 34 trên người mẹ có hẹp khít van động mạch chủ, hẹp động mạch chủ lên và suy tim.
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho sản phụ sau phẫu thuật
Trước tình thế nguy kịch của bệnh nhân, Bệnh viện đã hội chẩn liên khoa và quyết định mổ "bắt con" để đảm bảo tính mạng người mẹ. Ngày 8/9/2022, bé trai nặng 2,5kg với trái tim khỏe mạnh đã được chào đời và được chăm sóc trong lồng kính ở khoa Nội Nhi tổng hợp. Đến ngày 17/9/2022, sức khỏe bé ổn định, đã được xuất viện về với gia đình.
Bác sĩ cho biết, ca mổ bắt con này cũng đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm, nhất là quá trình gây mê kéo dài. Bởi lẽ, với trường hợp van động mạch chủ hẹp, bản thân dòng máu đi qua tim ra ngoài đã bị ảnh hưởng, nếu thêm tác dụng phụ của thuốc mê có thể làm triệu chứng của bệnh tim nặng hơn, nguy cơ xảy ra đột ngột phù phổi cấp, suy tim cấp sau mổ, đe dọa tính mạng người bệnh là rất lớn. Hơn nữa, mổ lấy thai là một phẫu thuật mở cả ổ bụng và tử cung nên có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu phải thêm một cuộc phẫu thuật tim cấp cứu, nguy cơ tử vong cho mẹ là rất lớn. Do vậy khi mổ "bắt con", các bác sĩ phải thận trọng, để bệnh nhân ổn định được hết thời kỳ hậu sản cấp cứu, chuẩn bị cuộc mổ tim thì tốt hơn.