Tỉnh Hải Nam cam kết đưa "giảm đau khi sinh" vào chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ nhằm giảm chi phí sinh nở và giải quyết nỗi lo lắng cho sản phụ.
Động thái này nằm trong kế hoạch lớn hơn, được công bố hôm 20/11, là thực hiện chiến lược xây dựng "xã hội thân thiện với sinh nở" của Trung Quốc.
Trên Nhân Dân nhật báo, các bài bình luận kêu gọi chính quyền địa phương giảm bớt gánh nặng cho bậc cha mẹ tương lai, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tỷ lệ sinh hợp lý và cấu trúc dân số cân bằng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ổn định lâu dài. Các chuyên gia kêu gọi "giảm chi phí sinh nở, chăm sóc trẻ em và giáo dục, để nhiều người dám và sẵn sàng sinh con", đồng thời hối thúc ban hành chính sách tinh vi hơn, được triển khai ở cấp địa phương.
Cách giảm đau khi sinh thường bị hạn chế do lo ngại tác dụng phụ, nếu quyết định sử dụng, toàn bộ chi phí do bệnh nhân tự chi trả. Tại sự kiện nhân Ngày Thế giới Giảm đau 2022, bác sĩ gây mê Mễ Vệ Đông cho biết chưa đến 30% phụ nữ Trung Quốc được giảm đau khi sinh con, theo số liệu năm 2022. Ông Mễ dẫn đầu một nhóm nghiên cứu về giảm đau khi sinh, theo chỉ đạo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Để hỗ trợ các bậc cha mẹ mới, chính quyền Hải Nam cũng sẽ đưa công nghệ hỗ trợ sinh sản vào chính sách bảo hiểm y tế nhà nước, nâng tiêu chuẩn hoàn trả cho các lần khám thai và ưu tiên những gia đình có nhiều con trong chính sách nhà ở. Sáng kiến này phù hợp với chỉ thị của chính quyền trung ương ban hành vào tháng 10, trong đó nêu rõ lãnh đạo địa phương cần "chịu trách nhiệm trực tiếp" trong chính sách khuyến khích sinh đẻ.
Các y tá chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Những năm gần đây, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh ở mức thấp kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về tác động lâu dài đối với nền kinh tế đất nước. Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ sinh nước này đã giảm xuống còn 6,39 trên 1.000 người vào năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 1949. Số trẻ sơ sinh giảm còn 9,02 triệu, chưa bằng một nửa so với năm 2016 và đánh dấu năm giảm thứ 7 liên tiếp.
Trong Báo cáo Chi phí Sinh sản Trung Quốc năm 2024, các nhà nhân khẩu học từ Viện Nghiên cứu Dân số Yuwa nêu rõ: "Cơ cấu nhân khẩu học đang đứng trước sự sụp đổ về tỷ lệ sinh, không phải là cách nói phóng đại".
Theo ông Lương Kiến Chương, đồng tác giả báo cáo dựa trên dữ liệu từ Niên giám Thống kê Trung Quốc năm 2023 được công bố gần đây, tỷ lệ sinh thấp là do chi phí nuôi con cao. Nghiên cứu của ông ước tính số tiền trung bình phải bỏ ra để nuôi dạy một đứa trẻ từ khi sinh đến lúc tốt nghiệp đại học là 680.000 nhân dân tệ (93.871 USD).
Chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ trong 18 năm ở Trung Quốc là 538.000 nhân dân tệ - gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người của đất nước. Trong khi đó, con số này ở Nhật Bản gấp 4,26, ở Mỹ gấp 4,11 và ở Pháp gấp 2,24 GDP bình quân đầu người.
Các nhà nghiên cứu lưu ý sinh con cũng có thể tác động tiêu cực đến thu nhập của phụ nữ. Dữ liệu cho thấy sinh một đứa con có thể làm giảm 12% đến 17% tiền lương của phụ nữ Trung Quốc.