Nói mãi mà không lay chuyển được chồng, tôi đành chấp nhận sống chung với mẹ anh.
Trước đây, khi còn là con gái, thỉnh thoảng tôi đọc những câu chuyện than thở về việc làm dâu, sống chung với mẹ chồng, tôi cũng lo lắm. Nghe kể về những bà mẹ chồng khó tính, lại thêm chị chồng, em chồng hay xét nét, tôi cứ tưởng tượng cảnh làm dâu như bước vào một chiếc lồng chật chội, chẳng còn chút không gian nào để thở. Vì thế, ngay từ khi yêu Nam, tôi đã nói rõ ràng với anh:
"Sau khi cưới, chúng ta phải ra ở riêng, nếu không thì em không cưới đâu".
Nam chỉ cười, bảo:
"Anh biết rồi, cứ yên tâm".
Chu kỳ của tôi vốn không đều, nên tôi cứ nghĩ chuyện mang thai sẽ khó khăn, ai ngờ chỉ một lần bất cẩn là dính ngay. (Ảnh minh họa)
Nhưng chưa kịp thực hiện kế hoạch thì tôi đã có bầu. Chu kỳ của tôi vốn không đều, nên tôi cứ nghĩ chuyện mang thai sẽ khó khăn, ai ngờ chỉ một lần bất cẩn là dính ngay. Vậy là đám cưới diễn ra gấp gáp, tôi đành gác lại mong muốn ra ở riêng. Sau này nhắc lại chuyện đó, Nam chỉ nhẹ nhàng nói:
"Em đang mang thai, ở cùng mẹ để bà chăm sóc em mới yên tâm. Anh là đàn ông, có biết gì về chăm người bầu bí đâu. Với lại công việc của anh bận rộn, chẳng mấy khi ở nhà. Nếu ra ở riêng, em tự xoay sở một mình sẽ rất vất vả."
Nói mãi mà không lay chuyển được chồng, tôi đành chấp nhận sống chung với mẹ anh. Nhưng ở lâu mới thấy, mẹ chồng tôi thực sự không như những gì tôi từng lo sợ. Bà thẳng thắn, có gì không hài lòng là nói ngay, cũng không hề để bụng. Nhiều lần tôi vụng về làm chưa vừa ý, bị bà mắng một trận, nhưng sau đó bà lại bảo:
"Mẹ thương con nên mới góp ý để con làm tốt hơn. Đừng để trong lòng nhé, mẹ nói xong là xong, không chấp nhặt đâu".
Thời gian tôi mang thai, mỗi tháng bà đều đưa tôi 2 triệu, bảo rằng:
"Mẹ bận buôn bán cả ngày, không có thời gian chăm sóc nhiều, con cứ cầm tiền mua đồ ăn bồi bổ nhé."
Thỉnh thoảng bà còn mua thêm sữa bầu cho tôi. Đến khi tôi sinh con, bà quyết định nghỉ bán hàng hẳn 6 tháng để chăm cháu. Sau này khi tôi hết cữ, bà nói:
"Mẹ phải đi làm kiếm tiền, chứ không có thu nhập, sau này ốm đau lại thành gánh nặng cho các con. Mẹ không bế cháu được thì mỗi tháng mẹ hỗ trợ 5 triệu thuê người trông bé, coi như góp chút công sức".
Mẹ chồng là vậy, nhưng em chồng tôi thì khác. Mỗi lần về nhà, cô ấy cứ thích xét nét, bắt bẻ tôi từng chút một.
"Làm dâu mà sướng thế này thì còn gì bằng. Ngủ tới tận sáng, mẹ chồng đi chợ từ bao giờ cũng chẳng hay biết".
Mẹ chồng tôi nghe vậy liền đáp ngay:
"Nó thức cả đêm chăm con, sáng có ngủ thêm chút cũng là chuyện bình thường. Sớm dậy làm gì cho mệt?".
Cô em chồng càng bực bội:
"Mẹ cứ chiều chị dâu quá!".
Hôm trước, nhà có giỗ, mẹ chồng gọi điện dặn cô ấy về sớm để cùng tôi chuẩn bị cỗ, vậy mà cô ấy bấm đúng giờ ăn mới xuất hiện, còn nói tỉnh bơ:
"Cỗ bàn là việc của con dâu. Em đã đi lấy chồng rồi, về đây cũng chỉ là khách thôi".
Nhờ có mẹ chồng chăm sóc, yêu thương mà tôi không còn cảm giác mệt mỏi khi làm dâu. (Ảnh minh họa)
Đến lúc ngồi vào mâm, cô ấy hết sai tôi lấy đũa, lấy thìa, rồi lại lấy nước khiến tôi đứng lên ngồi xuống liên tục, đến chóng cả mặt. Khi vừa yên vị, cô ấy bỗng tròn mắt nhìn bát nước chấm rồi nhăn mặt:
"Chị thừa biết em không ăn cay mà lại bỏ cả đống ớt thế này. Chị đi pha cho em bát khác đi!".
Mẹ chồng tôi thấy vậy liền quắc mắt:
"Bát nước chấm này là mẹ dặn chị dâu con pha thế đấy. Nếu con không ăn được thì tự đứng lên mà pha, đừng có sai bảo lung tung. Bỏ cái kiểu đó đi, lần sau mà còn như vậy thì đừng về nữa!".
Nghe vậy, cô ấy liền im bặt, lặng lẽ đứng lên tự pha một bát nước chấm khác, dù mặt mũi vẫn phụng phịu khó chịu.
Lúc đó, tôi mới thấy, hóa ra không phải làm dâu lúc nào cũng thiệt thòi. Chỉ cần gặp được một người mẹ chồng công bằng, thấu tình đạt lý thì dù có em chồng khó tính thế nào, mình vẫn có chỗ dựa vững chắc.