Cân nặng bé sơ sinh là một thông tin quan trọng mà y tá luôn phải kiểm tra và thông báo sớm với mẹ cùng người thân.
Khi sinh con, dù sinh thường hay sinh mổ thì sau khi em bé chào đời khỏe mạnh, bác sĩ cũng sẽ cho bé "da tiếp da" với mẹ một lát. Sau đó, y tá sẽ lập tức bế bé đi làm vệ sinh, xác định cân nặng, chiều dài và các chỉ số sơ sinh quan trọng của bé. Trong đó, cân nặng luôn là chỉ số được thông báo với mẹ cũng như người thân đầu tiên ngay khi trao bé sơ sinh. Vì sao vậy?
Để mẹ và người thân biết tình trạng của trẻ
Chắc hẳn bất cứ người mẹ nào sau khi sinh con điều đầu tiên muốn biết cũng là tình trạng sức khỏe của trẻ. Ví dụ như con là trai hay gái, có khỏe mạnh không và được bao nhiêu cân. Chỉ số cân nặng là một trong những yếu tố mà các gia đình cũng muốn cập nhật sớm nhất vì nó phần nào phản ánh sức khỏe của đứa trẻ mới sinh.
Khi em bé chào đời, y tá sẽ vệ sinh rồi đo cân nặng, chiều cao và các chỉ số quan trọng của bé. (Ảnh minh họa)
Cân nặng của trẻ sơ sinh góp phần chẩn đoán 1 số bệnh hay dự đoán nguy cơ của đứa trẻ sau này. Ví dụ trẻ cân nặng trên 4kg có nguy cơ được sinh ra từ bà mẹ đái tháo đường thai kỳ, trẻ sau sinh có nguy cơ bị hạ đường huyết sau sinh. Hạ đường huyết sau sinh sẽ kéo theo các hiện tượng khác như suy hô hấp, suy thở, suy tuần hoàn, suy tim, hạ thân nhiệt... Ngoài ra trẻ còn có các yếu tố nguy cơ sau này như: béo phì, đái tháo đường, ung thư...
Nếu cân nặng của trẻ sơ sinh được coi là nhẹ cân có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ như suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất trí tuệ, hệ miễn dịch yếu dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, lo âu sau này, kém thông minh hơn sao với trẻ có cân nặng chuẩn.
Ngoài ra, việc mẹ biết cân nặng của bé từ khi chào đời sẽ giúp điều chỉnh chế độ ăn phù hợp cho bé sau sinh. Không chỉ vậy, cân nặng khi chào đời của bé còn giúp tiên lượng lần sinh con sau cho người mẹ.
Đề phòng trao nhầm con
Cân nặng cũng có thể giúp bố mẹ tránh bị nhầm con. (Ảnh minh họa)
Khi em bé vừa chào đời, các bác sĩ và y tá cho gia đình biết cân nặng của bé vì một lý do quan trọng nữa là để đề phòng trường hợp trao nhầm con. Mỗi đứa trẻ sinh ra có một cân nặng riêng và bố mẹ cần nhớ để phân biệt giữa nhiều đứa trẻ sơ sinh đẻ cùng một thời điểm, cùng ngày. Tuy sau khi sinh cả mẹ và bé được đeo vòng tay và chân ghi rõ thông tin để tránh nhầm lẫn nhưng suy cho cùng chuyện gì cũng có thể xảy ra nên bố mẹ cũng cần cẩn thận.
Cân nặng của trẻ sơ sinh bao nhiêu là chuẩn?
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ sơ sinh đủ tháng (37 tuần – 40 tuần) có trọng lượng cơ thể dao động từ 2,5kg đến 4kg. Nếu trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc nặng cân hơn trung bình mà sức khỏe vẫn bình thường thì không có gì đáng lo. Các bác sĩ và y tá có thể sẽ theo dõi thêm sau khi trẻ sinh ra để đảm bảo không có vấn đề.
Cân nặng tiêu chuẩn của bé sơ sinh đủ tháng là 2,5kg đến 4kg. (Ảnh minh họa)
Kích thước của trẻ sơ sinh phụ thuộc nhiều vào thời gian mang thai và chế độ dinh dưỡng của người mẹ. Trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ có xu hướng lớn hơn những đứa trẻ sinh thiếu tháng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ mới sinh bao gồm:
- Thể trạng của cha mẹ: Nếu cha mẹ cao lớn thì thường con sinh ra cũng nặng cân hơn so với bình thường. Ngược lại cha mẹ thấp bé thì có thể con sinh ra sẽ nhẹ cân hơn trung bình.
- Nếu người mẹ mang thai đôi, ba hoặc nhiều hơn thì trẻ sinh ra sẽ thường nhẹ cân hơn bởi vì phải chia sẻ không gian trong bụng mẹ.
- Giới tính: Các bé gái có xu hướng nhẹ hơn các bé trai khi mới sinh. Tuy nhiên sự khác biệt này không quá đáng kể.
- Sức khỏe của mẹ trong thai kỳ: Nếu mẹ bị cao huyết áp, đau tim hoặc sử dụng thuốc lá, rượu hoặc các chất kích thích thì trẻ sẽ nhẹ cân. Ngược lại nếu mẹ mắc bệnh tiểu đường, béo phì thì trẻ sinh ra sẽ có xu hướng nặng cân hơn trung bình. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, mẹ không nên dùng bất cứ loại chất kích thích nào trong thai kỳ.
- Dinh dưỡng trong thai kỳ: Dinh dưỡng tốt là điều cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong tử cung. Chế độ ăn nghèo nàn trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến việc phát triển cân nặng và trí tuệ của trẻ.