Khoảnh khắc chào đón con yêu đến với thế giới luôn là giây phút thiêng liêng nhất đối với mọi bà mẹ. Những cảm xúc từ hồi hộp, lo lắng đến hạnh phúc vỡ òa đều tạo nên dấu ấn đặc biệt trong hành trình làm mẹ.
Và với siêu mẫu Võ Hoàng Yến cũng vậy, dù trong thời gian mang thai, cô nàng vẫn tự tin tỏa sáng trên sàn catwalk, nhưng khi đối mặt với khoảnh khắc "vượt cạn”, nữ siêu mẫu cũng không tránh khỏi những lo lắng và căng thẳng như bất kỳ người mẹ nào.
Hơn 10 ngày sau khi sinh con, Võ Hoàng Yến đã chia sẻ một đoạn video trên trang cá nhân, ghi lại hành trình đi sinh đầy cảm xúc của mình. Kèm theo video, cô bộc bạch: "Trải nghiệm cả đau đẻ và mổ chủ động thật sự đặc biệt trong hành trình đón con chào đời”.
Võ Hoàng Yến chia sẻ về hành trình đi đẻ.
Đồng hành cùng Võ Hoàng Yến trong suốt hành trình sinh nở là người chồng Việt kiều, anh chăm sóc vợ từng chút một. Võ Hoàng Yến kể rằng, ngay khi tiếng khóc đầu tiên của con cất lên, cô không thể kìm được cảm xúc mà khóc nấc như một đứa trẻ. Người chồng đứng bên cạnh chứng kiến cảnh này còn tưởng rằng cô bị đau, càng thêm thương và lo lắng cho vợ.
Chồng Việt kiều luôn ở bên chăm sóc vợ.
Nữ siêu mẫu cũng chia sẻ những bỡ ngỡ khi lần đầu tiên ẵm con trên tay. "Mẹ không biết phải ẵm như thế nào”, Võ Hoàng Yến viết. Chính từ giây phút đó, một hành trình mới bắt đầu, hành trình học cách làm mẹ. Từng ngày trôi qua, bà mẹ 1 con cố gắng học hỏi, lắng nghe và hiểu con, đặc biệt là cách hiểu được từng tiếng khóc của con. Những lúc con khóc quấy, rối bời và cảm thấy bất lực, Võ Hoàng Yến đã chọn cách tâm sự với con giúp cô và chồng dần dần hiểu con hơn.
Hạnh phúc vỡ oà đón con vào lòng.
"Từ ngày có con, mọi kết nối tinh thần và hạnh phúc đều hướng đến con. Dù cho có đầu bù tóc rối, thức đêm chăm con thì chỉ một nụ cười của con cũng khiến mẹ hạnh phúc quên hết nhọc nhằn. Con chính là ánh sáng mới trong cuộc sống của ba mẹ, là lý do để ba mẹ mỉm cười và phấn đấu mỗi ngày. Mọi thứ đều trở nên nhỏ bé trước niềm hạnh phúc khi có con. Con hãy lớn lên thật khoẻ mạnh và hạnh phúc con nhé. Thế giới cứ để ba mẹ lo”, cô nhắn nhủ với con gái của mình.
Con gái của Võ Hoàng Yến cùng chồng Việt kiều.
Hiện tại, Võ Hoàng Yến hiện đang trong giai đoạn ở cữ, nữ siêu mẫu dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con và nuôi con gái bằng sữa mẹ. Dù cho đây là thời gian nhiều thách thức, nhưng bà mẹ 1 con đã tìm thấy niềm vui và động lực từ những khoảnh khắc ngọt ngào bên con.
Chia sẻ về cô con gái nhỏ, Võ Hoàng Yến từng tiết lộ rằng bé có khuôn mặt giống bố nhưng lại thừa hưởng đôi tay, đôi chân dài từ mẹ. Chính sự kết hợp hài hòa này đã khiến cô bé trở thành niềm tự hào và hạnh phúc của vợ chồng siêu mẫu.
Khi nào người mẹ cần được chỉ định sinh mổ?
Sinh mổ thường được chỉ định trong một số trường hợp cụ thể để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Dưới đây là những tình huống phổ biến mà bác sĩ có thể đề nghị sinh mổ:
- Vị trí nhau thai bất thường: Nếu em bé nằm ở vị trí ngôi mông, ngôi ngang hoặc có các tư thế khác không thuận lợi cho việc sinh thường, bác sĩ sẽ cân nhắc việc sinh mổ để tránh rủi ro trong quá trình sinh.
- Kích thước thai lớn: Khi em bé quá to so với khung chậu của mẹ, việc sinh thường có thể gây khó khăn hoặc nguy hiểm, vì vậy sinh mổ sẽ được lựa chọn để tránh các biến chứng.
- Dấu hiệu suy thai: Nếu trong quá trình chuyển dạ, bác sĩ phát hiện em bé có dấu hiệu suy thai (nhịp tim bất thường, thiếu oxy), sinh mổ khẩn cấp sẽ được tiến hành để đảm bảo an toàn cho bé.
- Nhau thai vị trí bất thường: Các trường hợp nhau tiền đạo (nhau thai che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung) hoặc nhau bong non (nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh) đều có nguy cơ cao và thường đòi hỏi phải sinh mổ.
- Thai nhi có dị tật: Trong những trường hợp thai nhi có dị tật bẩm sinh như thoát vị cơ hoành, nứt đốt sống hoặc các vấn đề sức khỏe khác, sinh mổ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương cho bé trong quá trình sinh.
- Đa thai: Đối với trường hợp mang đa thai (sinh đôi, sinh ba), đặc biệt khi các bé không nằm ở tư thế thuận lợi, sinh mổ thường được chỉ định để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và các bé.
- Mẹ bị bệnh lý: Những phụ nữ mắc các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, hoặc nhiễm trùng sinh dục (như mụn rộp sinh dục) thường được khuyến cáo sinh mổ để tránh biến chứng nguy hiểm trong quá trình sinh nở.
- Tiền sử sinh mổ: Nếu người mẹ đã từng sinh mổ trước đó, đặc biệt là mổ dọc thân tử cung, bác sĩ thường sẽ chỉ định sinh mổ để tránh nguy cơ vỡ tử cung khi cố gắng sinh thường.
- Chuyển dạ kéo dài: Khi quá trình chuyển dạ diễn ra quá lâu hoặc không tiến triển (cổ tử cung không mở đủ hoặc không đủ sức đẩy thai nhi ra ngoài), sinh mổ được thực hiện để tránh tình trạng suy kiệt cho mẹ và nguy hiểm cho bé.
- Thai kỳ nguy cơ cao: Những trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ (dây rốn thắt nút hoặc sa dây rốn), hoặc nước ối có vấn đề (thiếu ối, đa ối) cũng là lý do bác sĩ có thể đề nghị sinh mổ.