8 nhóm người không nên ăn dưa hành muối

Ngày 01/02/2025 08:50 AM (GMT+7)

Trong mâm cỗ Tết, đĩa dưa hành chỉ chiếm một vị trí rất nhỏ nhưng giá trị của nó không hề 'lép vế', vì nó cung cấp một lượng men vừa đủ để hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm thiểu nguy cơ đầy bụng. Tuy nhiên, một số người không nên ăn hoặc chỉ nên ăn rất ít món đưa cơm này.

1. Món ăn kèm quen thuộc trong mâm cỗ Tết

Dưa hành là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay dân gian ta đã có câu "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" miêu tả rất chân thực không khí và những món ăn quen thuộc trong những ngày Tết Nguyên đán.

Trong mâm cơm ngày Tết ở miền Bắc, dưa hành được sử dụng ăn kèm với bánh chưng hoặc những món ăn có mỡ để đỡ ngấy. Ở miền Nam thường là món củ kiệu muối và dưa món, đều là những món ăn kèm chống ngán trong mâm cỗ Tết.

Ngày Tết, mọi người thường ăn quá nhiều chất đạm và chất béo từ các món ăn như bánh chưng, giò, chả, nem rán, thịt đông,... trong khi lại thiếu rau xanh, trái cây nên dễ xảy ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, dẫn đến mệt mỏi, ăn không ngon miệng. Theo ThS.BS. Lê Thị Hải - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa, dưa hành chứa nhiều các lợi khuẩn probiotic, dưa hành muối có thể tăng cường lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa. Đồng thời hành là loại củ có tính chất cay nóng và ấm, do đó ăn hành muối sẽ giúp làm ấm cho cơ thể trong mùa lạnh và giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, chống đầy bụng, khó tiêu.

Món dưa hành muối sẽ giúp cân bằng vị, chống ngấy trong mâm cỗ nhiều thịt mỡ, bánh chưng ngày Tết.

Món dưa hành muối sẽ giúp cân bằng vị, chống ngấy trong mâm cỗ nhiều thịt mỡ, bánh chưng ngày Tết.

2. Những ai không nên ăn dưa hành muối?

Dưa hành muối là một món ăn ngon nhưng lại tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người có vấn đề về dạ dày, thận, tim mạch. Để chế biến món dưa hành cần sử dụng một lượng muối và đường khá lớn, đây là 2 thành phần có thể gây hại cho sức khỏe mà những người có bệnh mạn tính cần lưu ý.

Tuy dưa hành có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng kể cả người khỏe mạnh bình thường cũng không nên ăn quá 3 lần mỗi tuần vì tính chất cay, nóng của hành có thể gây kích ứng. Người có sẵn bệnh tim mạch, tăng huyết áp nên hạn chế ăn dưa hành vì hàm lượng muối cao có thể gây tăng huyết áp.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo những người sau không nên ăn dưa hành muối:

2.1. Người mắc bệnh dạ dày

Dưa hành chứa nhiều acid, có vị chua, khi ăn sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid hơn, gây đau rát, ợ chua và làm trầm trọng thêm các bệnh lý về dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Những người có tiền sử mắc chứng đau dạ dày không nên ăn dưa hành muối để tránh bệnh càng thêm nặng.

Chất chua trong dưa hành muối có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, làm chậm quá trình lành vết loét.

Chất chua trong dưa hành muối có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, làm chậm quá trình lành vết loét.

2.2. Người mắc bệnh thận

Trong dưa hành có chứa hàm lượng muối lớn gây khó khăn trong việc đào thải muối thừa, sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và khiến huyết áp tăng cao, gây phù nề cơ thể. Việc tích tụ muối trong cơ thể sẽ làm tăng huyết áp, gây hại cho người bệnh thận. Vì vậy những người mắc bệnh về thận, thận yếu không nên ăn nhiều món này. Nếu muốn sử dụng, nên bóc phần vỏ ngoài lấy phần dưa trắng nõn và ngâm với nước để giảm bớt lượng muối.

2.3. Bệnh nhân ung thư không nên ăn dưa hành muối

Bệnh nhân ung thư thường được khuyên không nên ăn dưa hành muối. Do chất nitrat có trong dưa hành khi kết hợp với chất đạm trong thực phẩm sẽ tạo thành nitrosamine gây ung thư và hình thành các khối u trong cơ thể. Vì vậy, những người bệnh ung thư hoặc có nguy cơ mắc ung thư nên tránh sử dụng món ăn này để đảm bảo sức khỏe.

2.4. Người có bệnh về đường tiêu hóa

Dưa hành muối có thể gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt ở những người bị viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích. Việc ăn quá nhiều dưa hành muối có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.

2.5. Phụ nữ mang thai

Dưa hành muối chứa nhiều muối, có thể làm tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai. Việc tiêu thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ phù nề ở phụ nữ mang thai.

2.6. Người có tiền sử dị ứng thực phẩm

Dưa hành muối trải qua quá trình lên men phức tạp, trong đó các protein thực vật có thể bị phân hủy thành các phân tử nhỏ hơn, dễ gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.

Người có tiền sử dị ứng thực phẩm nên hạn chế ăn dưa hành muối do khâu chế biến và bảo quản dưa hành dễ làm sản sinh các chất kích thích phản ứng dị ứng trong cơ thể.

Một số người có thể bị dị ứng với các thành phần trong dưa hành muối, gây ra các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, khó thở. Một số loại dưa hành muối có thể chứa các chất bảo quản, phẩm màu hoặc chất tạo ngọt nhân tạo, đây cũng là những yếu tố có thể gây kích ứng và gây ra phản ứng dị ứng.

2.7. Người đang giảm cân

Đối với những ai đang trong quá trình giảm cân, việc tiêu thụ loại thực phẩm này cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Dưa hành muối chứa nhiều muối, làm cơ thể dễ bị giữ nước, gây tăng cân.

2.8. Trẻ em

Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, chức năng thận của trẻ chưa hoàn chỉnh nên việc ăn nhiều dưa muối cũng ảnh hưởng đến việc đào thải muối ra khỏi cơ thể. Mặt khác hệ tiêu hóa của bé cũng chưa hoàn chỉnh nên bé sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ăn bánh chưng cũng phải có nguyên tắc để ngon miệng mà không tăng cân.

12 loại trái cây bán đầy chợ Việt ngày Tết, 10.000 đồng là mua được nhưng 1 kiểu người tuyệt đối không nên ăn
Biết rằng, Tết là thời điểm để mọi người thỏa sức thưởng thức các món ăn ngon, nhưng những người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ những loại...

Khởi đầu vững vàng - Ất Tỵ bình an

Theo Thiên Châu
Nguồn: [Tên nguồn]01/02/2025 07:15 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng quanh ta