Chiều 18/2, Sở Y tế Hà Nội thông báo xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân về Hà Nội từ tỉnh Hải Dương và 11 địa phương khác có ổ dịch COVID-19.
12 tỉnh, thành đang có các ổ dịch COVID-19 gồm: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Gia Lai.
Cụ thể thông báo như sau:
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 27/1/2021 đến nay, Hà Nội có tổng số 35 ca mắc COVID-19. Trong đó, số ca mắc tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm (13 ca); Đông Anh (5 ca); Cầu Giấy (6 ca); Mê Linh (5 ca); Hai Bà Trưng (2 ca); Tây Hồ (2 ca); Đống Đa (1 ca); Ba Đình (1 ca). Đã điều tra truy vết tiếp xúc được 1.137 trường hợp F1, 12.506 trường hợp F2.
Tổng số người về từ Chí Linh, Hải Dương từ ngày 01/01/2021 và người về các khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh từ 05/01/2021 là 18.151 người, tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả: 4 trường hợp dương tính (BN1694, BN1814, BN1815, BN1819) còn lại đều âm tính.
Tổng số người về từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương từ ngày 15/1/2021 (rà soát đến 8h00 ngày 18/02/2021) là 1.687 người; đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.592 người, kết quả: 591 âm tính, còn lại chưa có kết quả. Hiện các đơn vị đang tiếp tục khẩn trương rà soát và xét nghiệm theo đúng quy định.
Theo Dân Việt
Một bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội rất nguy kịch
Hôm nay (18/2) là ngày thứ 5 bệnh nhân người Hà Nội phải chạy ECMO. Các bác sĩ cho hay "đang cố gắng cầm cự và chờ đợi" do tình trạng rất nguy kịch.
Sáng 18/2, Bộ Y tế cho biết không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 mới. Tuy nhiên trong số 710 bệnh nhân đang điều trị có 9 bệnh nhân tiến triển nặng lên, 2 bệnh nhân rất nguy kịch, phải chạy tim phổi ngoài cơ thể (ECMO).
Trường hợp thứ nhất phải chạy ECMO là BN1536, 79 tuổi, từ Mỹ về nước ngày 15/1 đang điều trị ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Nữ bệnh nhân trở nặng nhanh, có tiền sử mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, đã hội chẩn quốc gia 4 lần, hiện đang ở ngày điều trị tích cực thứ 16 bao gồm ECMO, thở máy.
Bệnh nhân hiện suy kiệt, phù toàn thân, phổi hai bên đông đặc... Bệnh nhân đã có hơn 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 nhưng đang được đánh giá tình trạng sức khoẻ là nguy kịch.
Người thứ 2 là BN1823, 65 tuổi, ở xã Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội. Người đàn ông này là bố của BN1725 (công nhân nhà máy Z153), vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 từ 1/2.
Khoa Hồi sức tích cực, nơi BN1823 đang điều trị, cho biết 6 ngày sau vào viện, người đàn ông cao tuổi có bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp này diễn biến khó thở phải thở oxy hôm 7/2; tới 9/2 phải thở máy, đặt ống nội khí quản. Sau đó, tới mùng 3 Tết (14/2), ông phải chạy ECMO kèm thở máy.
"Tổn thương phổi của bệnh nhân rất nhiều, bệnh nhân còn bị phù nhiều vùng thấp" - đại diện Khoa Hồi sức tích cực cho hay.
Ảnh minh hoạ
Hôm nay là ngày thứ 5 bệnh nhân người Hà Nội phải chạy ECMO. Các bác sĩ cho hay "đang cố gắng cầm cự và chờ đợi". Do ca này được đánh giá là nguy kịch, tiên lượng nếu phục hồi phải mất nhiều thời gian (không thể trước 1-2 tuần).
Trong gia đình BN1823 hiện có 4 người mắc COVID-19 gồm vợ, con và cháu 2 tháng tuổi. Trong đó, BN1823 cùng vợ và cháu đều sống cùng nhà BN1725 (là con, công nhân nhà máy Z153 Đông Anh), tất cả đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ở các khoa khác nhau.
Trường hợp em bé 2 tháng tuổi, cháu của BN1823, con của BN1725, mấy hôm trước tình trạng tổn thương phổi rất xấu, nhờ theo dõi kịp thời, bệnh nhân đã tiến triển tích cực, ra khỏi khoa Hồi sức tích cực để chuyển lên khoa Virus - Ký sinh trùng, nơi mẹ bé có thể chăm sóc.
Ngoài BN1823, khoa Hồi sức tích cực đang điều trị hai bệnh nhân COVID-19, trong đó một người 85 tuổi đang thở máy không xâm nhập, kỳ vọng không phải đặt ống nội khí quản; ca thứ 2 hơn 50 tuổi, đã ổn hơn, hi vọng sẽ dừng thở oxy.
Trong số 9 bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên cả nước có tiến triển nặng lên, chủ yếu là nhóm người cao tuổi, tuy nhiên có bệnh nhân mới 35 tuổi và 45 tuổi.
Theo Gia đình và xã hội
Nguồn lây COVID-19 của người Nhật tử vong ít có khả năng ở Hà Nội
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội chiều 17-2, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết cơ quan pháp y đã mổ khám nghiệm tử thi bệnh nhân Covid-19 người Nhật.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ít có khả năng bệnh nhân số 2.229 (người Nhật Bản đã tử vong) lây bệnh từ Hà Nội.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Chiều nay (17/2), tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội theo hình thức trực tuyến, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã báo cáo những thông tin mới về chùm ca bệnh COVID-19 tại Công ty TNHH Mitsui Việt Nam, trong đó đáng chú ý là bệnh nhân số 2.229 (người Nhật Bản, đã tử vong).
Đây là ca bệnh đang được người dân trên địa bàn TP Hà Nội rất quan tâm bởi chưa có thông tin xác định về nguồn lây.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã điểm lại các mốc thời gian đáng chú ý của bệnh nhân số 2.229 trước khi tử vong tại Khách sạn Somerset West Point (quận Tây Hồ).
Theo đó, chiều 1/2/2021, bệnh nhân bay ra Hà Nội. Đến ngày 13/2/2021, bệnh nhân đột tử tại khách sạn. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Cơ quan chức năng của thành phố xác minh có 6 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh này, trong đó có 2 trường hợp có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, gồm một chuyên gia người Nhật Bản (bệnh nhân số 2.240) và một nữ nhân viên văn phòng Chi nhánh Công ty TNHH Mitsui Việt Nam (bệnh nhân số 2.234).
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, kết quả xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 của 3 trường hợp mắc COVID-19 này cho thấy: Bệnh nhân số 2.229 có nồng độ vi rút cao nhất; tiếp đến là nồng độ vi rút của bệnh nhân số 2.234, thứ ba là bệnh nhân số 2.240. Từ kết quả này, ông Nguyễn Khắc Hiền nhận định: Bệnh nhân số 2.229 đã lây bệnh sang hai trường hợp còn lại.
Qua rà soát cũng cho thấy, 3 bệnh nhân chỉ tiếp xúc với nhau vào ngày 2/2/2021 nên theo logic bệnh lý, rất ít có khả năng bệnh nhân số 2.229 lây ở Hà Nội vào ngày 1/2/2021 rồi tiếp tục lây sang 2 người còn lại.
Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng phân tích thêm, có một nhân viên của Công ty TNHH Mitsui Việt Nam đã từng đến Chí Linh (Hải Dương) song kết quả xét nghiệm cho thấy trường hợp này không có cả kháng nguyên lẫn kháng thể nên trường hợp này không thể là nguồn lây cho bệnh nhân số 2.229.
Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân số 2.229 vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, từ các kết quả xét nghiệm ban đầu, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, ít có khả năng bệnh nhân số 2.229 lây bệnh từ Hà Nội.
Theo Báo Giao thông
Bộ Y tế chính thức đồng ý nhập khẩu hơn 200.000 liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa đồng ý về việc nhập khẩu vaccine COVID-19 vaccine AstraZeneca với số lượng 204.000 liều.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, mới đây tại cuộc họp Thường trực Chính Phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải đẩy nhanh việc nhập khẩu vaccine để phục vụ cho việc phòng bệnh.
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu vaccine COVID-19, Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam, cho biết, đồng ý cho công ty này nhập khẩu vaccine "COVID-19 vaccine AstraZeneca" số lượng 204.000 liều.
Vaccine nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19, đáp ứng các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vaccine được ban hành kèm theo Quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 1/2 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo văn bản của Cục Quản lý Dược, Công ty AstraZeneca Việt Nam chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vaccine nhập khẩu và đảm bảo việc sử dụng vaccine đúng mục đích, an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc và các quy định về dược có liên quan.
Được biết, đây là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Theo dự kiến, cuối tháng 2, đầu tháng 3/2021, lô vaccine với số lượng giới hạn của vaccine AstraZeneca sẽ về Việt Nam.
Điều gì khiến ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đột ngột giảm mạnh?
Tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ ghi nhận gần 100.000 ca nhiễm Covid-19 trong ngày. Các chuyên gia khi đó nhận định Ấn Độ sớm muộn sẽ vượt Mỹ, trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất thế giới.
Ở thời điểm đó, tình hình lây nhiễm ở Ấn Độ rất nghiêm trọng. Các bệnh viện đều quá tải, nền kinh tế suy thoái chưa từng có.
Nhưng 4 tháng sau, số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đã giảm mạnh. Cuối tháng 1, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm thấp kỷ lục, chỉ 9.100 ca trong ngày. Đây là con số lây nhiễm tương đối khiêm tốn so với một quốc gia có 1,4 tỉ dân.
Hôm 15.2, Ấn Độ một lần nữa ghi nhận số ca nhiễm chỉ 9.139. Suốt từ đầu tháng 2, số ca nhiễm Covid-9 ở Ấn Độ chỉ dao động ở mức 10.000.
“Những con số trên không có nghĩa là Ấn Độ xét nghiệm ít hơn hay có những ca nhiễm không được công bố”, Jishnu Das, chuyên gia y tế tại Đại học Georgetown ở Mỹ, nói. “Số ca nhiễm ở Ấn Độ cứ tăng dần rồi đột ngột giảm mạnh. Số bệnh nhân phải điều trị tích cực tại các bệnh viện ở Ấn Độ cũng giảm. Mọi dấu hiệu đều cho thấy tình trạng lây nhiễm ở Ấn Độ giảm”.
Các nhà khoa học nói số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh ở Ấn Độ là một điều bí ẩn. Số ca nhiễm giảm nhiều tháng trước khi Ấn Độ bắt đầu tiêm chủng đại trà. Tính đến ngày 16.2, Ấn Độ chỉ còn 138.254 ca nhiễm, số ca khỏi bệnh là 10.644.858.
“Đó là câu hỏi trị giá hàng triệu đô la. Rõ ràng là các biện pháp phòng dịch của Ấn Độ đã có kết quả. Xét nghiệm trên diện rộng, người dân có ý thức đến bệnh viện sớm hơn và số ca tử vong cũng thấp hơn”, Genevie Fernandes, nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, nói. “Nhưng Ấn Độ vẫn cần thận trọng vì nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2, thứ 3, với những chủng Covid-19 mới nguy hiểm hơn nhiều”.
Các chuyên gia nhận định, quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, yếu tố khí hậu nóng ẩm, dân số đa phần là những người trẻ và nhiều bệnh dịch từng lây lan ở Ấn Độ là những nguyên nhân có thể khiến cho số ca nhiễm ở nước này giảm mạnh, theo NPR.
Thứ nhất, Ấn Độ là một trong số nhiều quốc gia áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng xuất hiện trên truyền hình với chiếc khẩu trang.
Ở các thành phố lớn, người dân bị phạt 200 rupee (khoảng 2,5 USD) nếu ra đường không đeo khẩu trang. Cảnh sát cũng chuẩn bị sẵn khẩu trang cho những trường hợp vi phạm.
Trong ngày đón chào năm mới 2021, cảnh sát Mumbai đã thu được số tiền phạt vì người dân không đeo khẩu trang lên tới 37.000 USD.
Số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận hàng ngày tại nhiều bang ở Ấn Độ ngày càng giảm.
Quy định cứng rắn rõ ràng đã làm thay đổi thói quen của người dân Ấn Độ. Đó là đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, theo NPR. Ngoài đeo khẩu trang, người dân cũng luôn được khuyên phải rửa tay thường xuyên.
Đến ngày 16.1, Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng. Người dân cũng được khuyến khích đến các điểm tiêm chủng.
Thứ hai, yếu tố thời tiết cũng có thể là nguyên nhân khiến ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ giảm mạnh. Đa số các khu vực ở Ấn Độ có kiểu khí hậu nóng ẩm quanh năm.
Theo một cuộc khảo sát ở bang Punjab, 76% số bệnh nhân nhiễm Covid-19 không lây cho bất kì một người nào khác. Chỉ 10% số ca nhiễm lây lan cho 80% số ca nhiễm khác. Điều này cho thấy mức độ lây nhiễm chéo ở Ấn Độ không cao, nếu không còn người khác bị nhiễm, quá trình lây nhiễm cũng kết thúc.
“Nhiệt độ rõ ràng có vai trò nào đó. Ấn Độ không phải là quốc gia có khi hậu khô lạnh”, Tiến sĩ Daksha Shah, chuyên gia dịch tễ học, phó giám đốc cơ quan y tế thành phố Mumbai, nói. “Virus lây lan mạnh hơn ở những vùng lạnh hơn”.
Thứ ba, người dân Ấn Độ đã và đang trải qua nhiều bệnh dịch khác nhau, bao gồm sốt rét, sốt xuất huyết, thương hàn, viêm gan, dịch tả.
Hàng triệu người Ấn Độ cũng không được tiếp cận với nước sạch và thực phẩm vệ sinh. Những người có hệ miễn dịch quen với các bệnh dịch trên có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 tốt hơn, theo NPR.
Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ luôn giảm kể từ tháng 10.2020.
“Người Ấn Độ có khả năng miễn dịch tốt. Hầu hết người Ấn Độ nào trong đời cũng từng bị sốt rét”, Sayli Udas-Mankikar, một chuyên gia tại Mumbai, nói. “Người dân đã hình thành khả năng miễn dịch cơ bản chống virus”.
Theo những nghiên cứu ở Ấn Độ, những người nghèo ít được tiếp xúc với hệ thống y tế hoặc từng bị nhiễm nhiều loại bệnh dịch khác nhau, có ít khả năng tử vong vì Covid-19 hơn. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nghiên cứu trên chỉ là bước đầu và thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, theo NPR.
Thứ tư, Ấn Độ là quốc gia có dân số tương đối trẻ, chỉ 6% người Ấn Độ trên 65 tuổi. Hơn một nửa dân số dưới 25 tuổi. Những người trẻ thường không bộc lộ triệu chứng khi nhiễm Covid-19 và tỉ lệ tử vong cũng thấp hơn hẳn người già.
Hồi đầu tháng này, một cuộc khảo sát dịch tễ cho thấy khoảng 56% trong 28.000 mẫu thử ở Ấn Độ cho thấy có tồn tại kháng thể ngừa Covid-19.
Điều đó có nghĩa rằng nhiều người Ấn Độ vẫn sinh sống bình thường, có thể từng nhiễm Covid-19 nhưng nay cơ thể đã hình thành kháng thể. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, chưa thể khẳng định rằng Ấn Độ đã đạt đến mức miễn dịch cộng đồng.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ không loại trừ khả năng virus đã biến đổi để lây lan âm thầm hơn, khiến ngày càng nhiều người nhiễm bệnh nhưng không bộc lộ triệu chứng. Đó có thể là lý do góp phần khiến số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày ở Ấn Độ ngày càng giảm.
“Có 3 khả năng, virus biến mất vì Ấn Độ đã có biện pháp chống dịch đúng đắn, vậy thì chúng ta cần tiếp tục duy trì. Hoặc virus biến mất vì đơn giản là nó biến mất và sẽ không quay trở lại. Hoặc nó chỉ tạm thời biến mất, chúng ta không biết tại sao, nhưng virus có thể sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào”, Jishnu Das, chuyên gia y tế tại Đại học Georgetown, kết luận.
Khả năng thứ 3 là nguyên nhân giới chức y tế Ấn Độ vẫn hết sức thận trọng và tiếp tục mở rộng chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19.
Theo Dân Việt