Cập nhật COVID-19 ngày 17/2: Hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 sẽ về Việt Nam cuối tháng 2 này

Ngày 17/02/2021 14:00 PM (GMT+7)

Bộ Y tế cho biết sẽ thực hiện xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc-xin ngừa COVID-19 để sớm đưa vắc-xin này về Việt Nam phục vụ người dân. Dự kiến, lô vắc-xin đầu tiên sẽ về đến Việt Nam vào cuối tháng 2-2020. Số vắc-xin COVID-19 này sẽ bao gồm cả vắc-xin Việt Nam đặt mua và vắc-xin được viện trợ.

Nguồn vắc-xin viện trợ được nhận đợt đầu khoảng 25-30%/tổng số 4,8-8,2 triệu liều. Hiện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) là đơn vị được giao xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin.

Ngoài việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 do các đơn vị trong nước sản xuất, Bộ Y tế cũng sẽ thực hiện việc xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vắc-xin phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ và trong tháng 2 phải có vắc-xin, Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiếp cận chống dịch mới trước tình hình mới, chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra…

Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vắc-xin, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vắc-xin ngừa COVID-19.

Cập nhật COVID-19 ngày 17/2: Hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 sẽ về Việt Nam cuối tháng 2 này - 1

Việt Nam sắp khởi động tiêm ngừa thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nano Covax giai đoạn 2 - Ảnh: Nguyễn Hùng

Về vắc-xin ngừa Covid-1 do Việt Nam sản xuất, theo kế hoạch, cuối tháng 2 này, Học viện Quân y sẽ khởi động tiêm ngừa thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nano Covax (của Công ty Nanogen, Việt Nam) giai đoạn 2 trên khoảng 560 người tình nguyện. Giai đoạn này sẽ kéo dài trong 6 tháng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM sẽ cùng tham gia thử nghiệm,

Trước đó, trong giai đoạn 1, tất cả 60 tình nguyện viên đã được tiêm vắc-xin Nano Covax ngừa cả 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Mỗi tình nguyện viên thực hiện tiêm 2 mũi vắc-xin cách nhau 28 ngày. Bước đầu các chuyên gia đánh giá vắc-xin Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khỏe ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.

Theo Người lao động

Chuyên gia bối rối trước thành công của Ấn Độ trong dịch COVID-19

Khi dịch COVID-19 tràn lan ở Ấn Độ, nhiều người lo sợ rằng nó sẽ đánh sập hệ thống y tế mong manh của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Số ca nhiễm tăng chóng mặt trong nhiều tháng liền và có thời điểm còn suýt vượt qua Mỹ.

Tuy nhiên, số người mắc COVID-19 ở Ấn Độ bắt đầu giảm mạnh từ tháng 9 năm ngoái, và giờ nước này ghi nhận khoảng 11.000 ca mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm gần 100.000 ca, khiến giới chuyên gia bối rối.

Cập nhật COVID-19 ngày 17/2: Hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 sẽ về Việt Nam cuối tháng 2 này - 2

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 ở New Delhi hôm 11/2. Ảnh: AP

Nhiều lời giải thích được đưa ra cho hiện tượng giảm đột ngột ở gần như tất cả các vùng, bao gồm cả một số khu vực có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc những nơi mà người dân đã có sẵn khả năng miễn dịch trước virus.

Chính phủ Ấn Độ cho rằng hiện tượng này một phần là nhờ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng và nhiều thành phố phạt mạnh tay những người không tuân thủ. Nhưng các chuyên gia cho rằng thực tế không đơn giản như vậy vì hiện tượng giảm xuất hiện đồng đều trên cả nước, dù việc đeo khẩu trang không được tuân thủ nghiêm ở một số nơi.

Xác định được nguyên nhân giảm số người mắc mới sẽ giúp chính quyền kiểm soát được dịch bệnh, sau khi nước này đã có gần 11 triệu người nhiễm và hơn 155.000 ca tử vong. Trên thế giới đã có khoảng 2,4 triệu người chết vì COVID-19.

“Nếu chúng ta không biết lý do, mọi người có thể vô tình làm những việc khiến dịch bệnh bùng lên nữa”, AP dẫn lời TS Shahid Jameel, một chuyên gia nghiên cứu về virus tại ĐH Ashoka của Ấn Độ.

Giống như nhiều quốc gia, Ấn Độ không thống kê được hết số ca mắc, và còn nhiều câu hỏi về cách nước này tính số người chết vì đại dịch. Nhưng áp lực lên bệnh viện trên khắp cả nước đã giảm nhiều trong những tuần gần đây, cho thấy đà lây lan của virus đang chậm lại. Khi số ca bệnh vượt mốc 9 triệu vào tháng 11 năm ngoái, số liệu chính thức cho thấy gần 90% giường có máy thở dành cho bệnh nhân nặng ở New Delhi đã kín. Nhưng đến cuối tuần qua, chỉ 16% số giường bệnh này có người nằm.

Thành công đó không thể nói là nhờ vắc-xin vì Ấn Độ mới chỉ bắt đầu tiêm chủng từ tháng 1. Nhưng khi càng có nhiều người được tiêm vắc-xin thì triển vọng càng có vẻ tốt hơn, dù các chuyên gia lo ngại những biến chủng mới xuất hiện ở nhiều quốc gia có tốc độ lây lan và độc lực cao hơn, khiến các phương pháp điều trị và vắc-xin bị giảm hiệu quả.

Một nguyên nhân có thể giải thích hiện tượng giảm ca mắc là một số vùng đã đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là đã đạt tới ngưỡng mà nhiều người miễn dịch được với virus sau khi khỏi bệnh hoặc được tiêm chủng, giúp giảm đà lây lan của virus, TS Vineeta Bal, người chuyên nghiên cứu về các hệ miễn dịch ở Viện Miễn dịch học quốc gia của Ấn Độ, nói với AP.

Còn nhiều rủi ro

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu đúng là miễn dịch cộng đồng là nguyên nhân giúp dịch bệnh lây chậm lại ở một số khu vực thì toàn bộ dân số vẫn đối mặt với rủi ro cao, vì thế vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Điều này đặc biệt đúng vì các nghiên cứu mới cho rằng những người đã phục hồi sau khi nhiễm một chủng virus vẫn có nguy cơ nhiễm chủng mới. Một khảo sát ở Manaus, Brazil, ước tính có hơn 75% người dân đã có kháng thể với SARS-CoV-2 tính đến tháng 10 năm ngoái, nhưng số ca bệnh lại tăng nhanh trong tháng 1 vừa qua. “Tôi không nghĩ ai đó đã tìm ra được câu trả lời cuối cùng”, TS Bal nói.

Khảo sát được các cơ quan y tế Ấn Độ thực hiện ước tính có khoảng 270 triệu dân, tức cứ 5 người thì có 1 người đã nhiễm virus trước khi chương trình tiêm chủng được triển khai. Số lượng đó thấp hơn nhiều ngưỡng ít nhất 70% mà các chuyên gia cho là có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. “Cần nhấn mạnh rằng phần đông dân số vẫn phải chịu rủi ro”, TS Balram Bhargava, giám đốc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ, nói. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy các thành phố có nhiều người mắc bệnh hơn nông thôn.

Một khả năng là nhiều người Ấn Độ từng phơi nhiễm nhiều loại dịch bệnh, như dịch tả, thương hàn và bệnh lao, nên họ cũng có khả năng miễn dịch tốt hơn trước COVID-19.

Bất chấp thông tin tích cực đó, sự xuất hiện của những biến chủng mới gây thêm một thách thức cho những nỗ lực của Ấn Độ và cả thế giới nhằm khống chế đại dịch. Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều biến chủng virus ở Ấn Độ, nhưng vẫn đang nghiên cứu tác động của chúng lên sức khoẻ cộng đồng.

Theo Tiền Phong

Điều gì xảy ra khi tôi lần đầu tiên tiêm vắc xin COVID-19?
Khi vắc xin COVID-19 đang dần được tung ra trên thế giới, ngày càng nhiều người có cơ hội được tiêm vắc-xin hơn. Lúc này, nhiều người có thể tự hỏi...
Theo PV (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vắc xin COVID-19