Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đó là các dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư máu. Ngoài ra, ung thư máu còn có các triệu chứng như vết bầm trên da và bị sốt cao.
Tưởng chảy máu cam bình thường..., Chị Dương Thị Hải quê ở Bắc Ninh, sinh năm 1987, đang chăm con gái 8 tuổi bị ung thư máu tái phát. Cách đây 3 năm, con gái chị bị phát hiện mắc căn bệnh nan y này.
Nhìn đứa con nhỏ đang kêu đau và buốt do những mũi tiêm, chị Hải không khỏi xót xa. Cháu vốn ngoan, khoẻ mạnh từ lúc sinh ra cho đến khi phát bệnh. Năm học lớp mẫu giáo 5 tuổi, cháu hay bị chảy máu cam. Lúc đầu, chị nghĩ chỉ là chảy máu thông thường. Nhưng buổi tối hay sáng đánh răng cho con, chị thấy cháu còn hay bị chảy máu chân răng.
Sau nhiều lần cháu bị chảy máu mũi ở lớp, vợ chồng chị Hải mới cho con đi khám. Ở tuyến dưới, bác sĩ nghi cháu bị xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng đến khi lên đến tuyến trung ương, bác sĩ mới chẩn đoán chính xác đó là bệnh bạch cầu cấp – một bệnh ung thư máu.
Sau hơn 1 năm điều trị, bệnh của con đã lui nhiều, hàng tháng cháu chỉ đến bệnh viện tái khám. Cách đây 2 tháng chị cho con đi tái khám thì bác sĩ yêu cầu nhập viện gấp vì bệnh tái phát. Hai mẹ con lại khăn gói lên viện điều trị.
Vừa nói, chị Hải vừa khóc vì lần này bệnh tái phát không biết có điều trị khả quan không. Nhìn đứa con gái xinh xắn đang nhăn nhó vì bệnh tật, nước mắt chị cứ chảy dài hai má.
Bệnh nhi bị ung thư máu điều trị tại Bệnh viện K
Con trai anh Mai Văn Đựng, quê Thanh Hoá, đang điều trị tại Bệnh viện K cũng có triệu chứng tương tự. Khi mới 17 tháng tuổi, cháu đã bị ung thư máu. Ban đầu, dấu hiệu anh chị nhận thấy rõ ràng nhất là cháu bị chảy máu chân răng. Thậm chí chỉ gặm cái gì cứng là máu cũng chảy.
Hai vợ chồng anh chị cho con đi khám ở một bác sĩ gần nhà, bác sĩ cho rằng cháu bị nha chu và cho thuốc điều trị. Tuy nhiên, cả tháng trời tình trạng không dứt nên anh chị mới cho con đi ra Hà Nội kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị bạch cầu cấp. Khi biết con bị ung thư, vợ chồng anh Đựng rất sốc.
Hay như trường hợp của bé Nguyễn Đức M. 8 tuổi, quê Quảng Ninh, bị ung thư sau khi bị sốt liên miên không đỡ, tay và đùi xuất hiện các vết thâm tím dưới da. Bé được bố mẹ đưa đi khám, bác sĩ cho biết bị bạch cầu cấp. Đây là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh ung thư máu ở trẻ nhỏ.
Những dấu hiệu cần nhớ
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương, ung thư máu là bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em, chiếm 30% trong các thể ung thư.
Đây là căn bệnh ác tính do bạch cầu trong cơ thể người bệnh tăng đột biến. Vì vậy mà người ta hay gọi là bạch cầu cấp.
Bệnh bạch cầu cấp tiên lượng điều trị rất cao, chủ yếu điều trị bằng hoá chất. Ở trẻ em, đa số bệnh nhân nhạy cảm với hoá chất nên tiên lượng thành công tốt, lên tới 70%, sống không bệnh nhiều năm. (Ảnh minh họa)
Bình thường, bạch cầu trong cơ thể đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh khác. Bạch cầu sinh sôi và tăng trưởng nhịp nhàng. Khi tuỷ xương của người bệnh sản xuất các bạch cầu nhiều bất thường, chúng không làm việc nữa, lấn át cả hồng cầu.
Khi đó, hồng cầu sẽ bị phá hủy dần dần, vì vậy người bệnh sẽ có dấu hiệu bị thiếu máu nặng, xanh xao, hạch to, lách và gan lớn. Đây cũng là căn bệnh ung thư duy nhất không tạo ra u.
Theo TS Hương dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư này là sốt kéo dài không lý giải được, mệt mỏi, xanh xao, sút cân nhanh, dễ xuất hiện vết bầm tím và chảy máu không lý do như chảy máu cam, đau kéo dài, đau đầu kèm theo nôn.
Bệnh bạch cầu cấp tiên lượng điều trị rất cao, chủ yếu điều trị bằng hoá chất. Ở trẻ em, đa số bệnh nhân nhạy cảm với hoá chất nên tiên lượng thành công tốt, lên tới 70%, sống không bệnh nhiều năm.
"Điều quan trọng nhất là để ý dấu hiệu sớm để đưa con đến bệnh viện sớm nhất" – bác sĩ Hương cho biết.