Độ tuổi và thể trạng nào cũng có thể bị sốt xuất huyết biến chứng nặng, tuy vậy, người già có bệnh nền và trẻ em là hai đối tượng nguy cơ cao, cần phòng tránh và điều trị cẩn trọng hơn.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do 4 tuýp virus sốt xuất huyết là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 gây ra. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh như sốt cao, cơ thể đau nhức, mệt mỏi... thường dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Sau khi hạ sốt, chính là thời điểm hội chứng sốc dengue với những biến chứng nặng thường dễ xảy ra một cách khôn lường và nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.
Chính vì tình hình nguy hiểm và bất định của dịch bệnh những năm gần đây, vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt một loại vaccine sốt xuất huyết. Đây được xem là một giải pháp tiên tiến, bổ sung cho các biện pháp phòng tránh hiện có, giúp tăng cường tính chủ động và hiệu quả trong công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Nhân dịp này, tọa đàm “Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi & tiêm vaccine dự phòng” cũng vừa được báo VietnamPlus tổ chức nhằm giải đáp những thắc mắc liên quan đến sốt xuất huyết. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia y tế cho biết, đáng quan ngại nhất là nguy cơ biến chứng nặng ở người già có bệnh nền và trẻ em.
Tọa đàm “Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi và tiêm vaccine dự phòng”
Vì sao người già và trẻ nhỏ có nguy cơ biến chứng nặng?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi Hội truyền nhiễm TP HCM, Nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh Viện Nhi Đồng 1 cho biết, người lớn tuổi thường mắc các bệnh nền như tiểu đường, béo phì, tim mạch, hen suyễn... khiến hệ miễn dịch suy giảm nên đối tượng này có nguy cơ cao bị sốt xuất huyết biến chứng nặng.
PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương còn bổ sung nguyên nhân khiến người lớn tuổi có bệnh nền dễ bị biến chứng nặng khi mắc sốt xuất huyết chính là sự chủ quan.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ về những nguy hiểm và biến chứng do bệnh sốt xuất huyết gây ra
Vào đầu tháng 6 vừa qua, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một nữ bệnh nhân 53 tuổi nhập viện vào ngày thứ 7 mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân có nhiều ổ áp xe trong phổi và đồng nhiễm cả vi khuẩn tụ cầu vàng Methicillin kháng thuốc.
Ngoài tình trạng bội nhiễm, người lớn tuổi có bệnh nền mắc sốt xuất huyết còn có nguy cơ bị rối loạn huyết áp, suy đa tạng, xuất huyết đa tạng, thoát huyết tương gây sốc cho hệ tuần hoàn... Trong đó, nặng nhất là tử vong.
Một nhóm đối tượng khác cũng thuộc diện nguy cơ cao chính là trẻ nhỏ. Thông thường, sau khi mắc sốt xuất huyết, bé sẽ sốt cao, sau đó hạ sốt đi kèm các triệu chứng như bụng chướng đau, da ẩm lạnh, mệt mỏi, khó thở, đau nhức toàn thân, nôn ói từ 3 lần trở lên trong ngày. Nặng hơn, trẻ có thể nôn ra máu, phân lẫn máu, phát ban, chảy máu chân răng, chảy máu mũi.
Vào giữa tháng 4/2024, Bệnh viện Nhi đồng II tiếp nhận và cứu sống một bệnh nhi sinh năm 2020 đang nguy kịch vì sốc dengue vào ngày thứ 3 mắc bệnh. Bé có biểu hiện sốc kéo dài, sốc mất máu, khó đo mạch huyết áp, suy hô hấp, tổn thương gan thận nặng. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi mới qua cơn nguy kịch.
Trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi thường có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Thời điểm này, kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang con cũng giảm bớt nên trẻ dễ mắc bệnh và gặp biến chứng nặng.
Thêm vào đó, các bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ cũng có triệu chứng tương tự sốt xuất huyết nên thường bị nhầm lẫn hoặc khó nhận biết. Khi mắc bệnh, trẻ thường khó diễn đạt chính xác tình trạng sức khỏe của mình cho cha mẹ hoặc bác sĩ hiểu, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.
Theo BS. Khanh, các biến chứng sốt xuất huyết nặng ở trẻ thường thấy là sốc mất máu, thoát huyết tương, rối loạn đông máu, xuất huyết não, suy đa tạng, tổn thương não bộ... Những biến chứng này không chỉ đe dọa tính mạng mà còn để lại nhiều di chứng.
Ngoài ra, BS. Khanh còn lưu ý phụ nữ mang thai cũng thuộc nhóm nguy cơ cao. Biến chứng sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến tính mạng mẹ và bé hoặc để lại di chứng cho trẻ.
Theo BS. Khanh, đây là những đối tượng cần “chú ý kỹ hơn, phát hiện sớm hơn, đi viện nhanh hơn và theo dõi sát hơn”, tránh hậu quả đáng tiếc do sốt xuất huyết gây ra.
Giảm thiểu sốt xuất huyết biến chứng nặng
Hiện, châu Á đang chịu khoảng 70% gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra trên toàn cầu. Tại nước ta, theo BS. Khanh và BS. Thái, tuy tỷ lệ tử vong vì sốt xuất huyết thấp, nhưng do thời gian bệnh và phục hồi lâu, cần nhiều nhân lực chữa trị, chăm sóc nên đây cũng là gánh nặng về kinh tế - xã hội lớn.
Vì vậy, BS. Thái và BS. Khanh khuyên người dân cần nâng cao sức đề kháng để giảm nguy cơ biến chứng nặng cũng như có thể lực vượt qua và nhanh phục hồi. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần đi khám ngay nếu sốt cao không dứt quá 2 ngày và cảnh giác vào khi hạ sốt, đây chính là thời điểm dễ bị biến chứng nặng nhất. Trong thời gian mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân cũng cần ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, ưu tiên việc nghỉ ngơi.
PGS Phạm Quang Thái khuyến khích người dân nâng cao công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết
BS. Thái nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện đầy đủ và quyết liệt các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như: diệt vật trung gian truyền bệnh (muỗi vằn), tránh để muỗi đốt, cần bổ sung giải pháp tiên tiến để phòng ngừa chủ động hơn. Còn theo BS. Khanh, vaccine sẽ góp phần giảm thiểu tỷ lệ biến chứng nặng, tử vong do sốt xuất huyết và là một giải pháp chủ động, người dân nên mạnh dạn đón nhận để bảo vệ bản thân tốt hơn.
* Nội dung này được bảo trợ bởi Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam