Một thanh niên nhập ngũ tại tỉnh Vĩnh Long về từ Bình Dương được Trung tâm Y tế huyện test nhanh cho kết quả dương tính, nhưng Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm lại thì âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sáng 3-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, thông tin: "Trường hợp một thanh niên nhập ngũ tại huyện Trà Ôn, Trung tâm Y tế của huyện này test nhanh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm lại vào tối qua thì cho kết quả âm tính".
Theo bác sĩ Hằng, thanh niên này làm việc tại Bình Dương, trở về địa phương ở xã Hoà Bình (huyện Trà Ôn) từ ngày 27 Tết và có khai báo ở địa phương, chỉ đi lại ở địa phương, không ra khỏi xã.
Sáng 2-3, thanh niên này tập trung làm lễ tiễn đưa ở xã Hoà Bình, tiến hành khai báo y tế và được đưa về huyện. Sau đó, Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn test nhanh thì cho kết quả dương tính. Có 31 người là F1 của thanh niên này và sau đó đều được cách ly.
"Sáng nay, ngành y tế sẽ họp để xử lý trường hợp này. Trước mắt vẫn cho thanh niên này và các F1 cách ly", bác sĩ Hằng cho biết.
Theo Người lao động
Vaccine Covivac phòng COVID-19 bắt đầu quá trình thử nghiệm trên người
Hôm nay, 3/3, nhóm nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 có tên Covivac bắt đầu những hoạt động đầu tiên của quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người.
Ngày 3/3, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế, cho biết hôm nay, nhóm nghiên cứu bắt đầu những hoạt động đầu tiên của quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người loại vaccine phòng COVID-19 có tên Covivac.
Đây là loại vaccine phòng COVID-19 "made in Vietnam" thứ 2 tại nước ta được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng (sau Nano Covax của công ty Nanogen hiện đang tiêm thử nghiệm giai đoạn 2).
TS Thái cho hay sẽ họp nhóm nghiên cứu để rà soát các quy trình, tuyển chọn tình nguyện viên, sàng lọc và thực hiện các xét nghiệm xác định người đạt tiêu chuẩn thử nghiệm.
Nhiều người trẻ đến Đại học Y Hà Nội đăng ký nhận tư vấn quá trình tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Covivac.
"Sau khi hoàn tất những công đoạn trên, dự kiến mũi tiêm đầu tiên trên người tình nguyện diễn ra vào ngày 23/3" - TS Thái cho hay.
Về quá trình triển khai thử nghiệm vaccine Covivac trên người tình nguyện, ông Thái cho hay theo kế hoạch, giai đoạn 1 tiêm 120 đối tượng chia làm 4 nhóm, trong đó có nhóm tiêm vaccine Covivac, có nhóm tiêm giả dược (chứa 1 thành phần tá dược có trong vaccine này).
Nhóm nghiên cứu sẽ sàng tuyển hết đến khi đủ 120 người mới phân ngẫu nhiên vào các nhóm "chứ không vừa tiêm vừa tuyển". Tùy thuộc vào mức độ người đạt tiêu chuẩn hay không để lựa chọn số lượng người tiêm, nhưng theo ông Thái, cần phải có ít nhất 240 người để chọn ra 120 người tiêm. Lứa tuổi tiêm từ 18-59 tuổi.
Giai đoạn 2 dự kiến bắt đầu từ tháng 7/2021 sau khi có kết quả của giai đoạn 1 (về độ an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine).
"Một người sau 2 tuần là có thể sinh miễn dịch nhưng đây là quá trình thử nghiệm nên chúng tôi phải đợi tiêm hết cho tất cả những người tình nguyện rồi mới đánh giá kết quả" - ông Thái nói. Quá trình tiêm rải rác theo từng đợt, sau đó đánh giá tính an toàn, sinh miễn dịch, rồi tổng hợp kết quả, phân tích số liệu để báo cáo lên Hội đồng và Bộ Y tế. Quá trình này mất khoảng 3 tháng rồi mới bắt đầu giai đoạn 3.
TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC. Ảnh: Tuấn Dũng
Thời điểm triển khai giai đoạn 3 phụ thuộc kết quả giai đoạn 2. Giai đoạn 3 nhằm mục tiêu đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine nên theo ông Thái phải triển khai ở những nơi có số ca mắc cao hoặc theo phương pháp đối đầu.
Tuy nhiên giai đoạn này phải phụ thuộc 2 giai đoạn đầu và tùy thuộc thực tế của Việt Nam lúc đó cũng như bối cảnh quốc tế thời điểm triển khai giai đoạn 3. Trong trường hợp Việt Nam không đáp ứng đủ số liệu để thử nghiệm giai đoạn 3 thì nhóm nghiên cứu sẽ triển khai tại một số nước khác.
Theo kế hoạch đến năm 2022, nhóm nghiên cứu sẽ đưa Covivac ra tiêm cộng đồng sau khi có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 đạt yêu cầu.
Trước đó, báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế, Viện trưởng IVAC khẳng định kết quả đánh giá bước đầu trên động vật thí nghiệm tại Mỹ cho thấy vaccine này có hiệu quả với biến chủng của SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi.
Mỗi mũi tiêm Covivac dự kiến có giá không quá 60.000 đồng. Ông Thái khẳng định lý do để có mức giá tốt, phù hợp với người dân Việt Nam, đó là do IVAC có cơ sở hạ tầng có sẵn, đồng bộ, đáp ứng tốt với việc sản xuất vaccine COVID-19, hơn nữa đơn vị cũng làm chủ công nghệ, có quy mô sản xuất lớn. Điều kiện bảo quản của Covivac cũng có nhiều ưu điểm khi chỉ cần ở mức 2-8 độ C.
Vaccine phòng COVID-19 "made in Vietnam" có tên Covivac này được phát triển trên dây chuyền sản xuất vaccine cúm. Được biết, IVAC đã nghiên cứu thành công một số vaccine cúm theo công nghệ này (AH1N1/09, A/H5N1, A/H7N9). IVAC cũng sở hữu nhà máy và công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn, được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn là nơi sản xuất vaccine cúm nếu trong trường hợp đại dịch cúm xảy ra trên thế giới.
Hiện IVAC có thể sản xuất khoảng 500.000-100.000 liều trong một mẻ, quy mô sản xuất vaccine này đạt 6 triệu liều/năm, có thể mở rộng quy mô lên 30 triệu liều/năm.
Đánh giá về những lợi thế của IVAC khi tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm Covivac, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay đây là nghiên cứu đa trung tâm và quốc tế. Trước đây chúng ta đánh giá tiền lâm sàng ở trong nước, với vaccine này được đánh giá ở 3 quốc gia (Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam) đều chứng minh vaccine này có hiệu quả. Bản thân vaccine Covivac được phát triển trên dây chuyền công nghệ và nhà máy vaccine đã có sẵn trong nước và làm chủ hoàn toàn công nghệ. Khi đánh giá tiền lâm sàng và những thử nghiệm, Bộ trưởng khẳng định hiệu lực bảo vệ của Covivac rất tốt. "Chúng tôi tự tin, ngoài vaccine Nanogen đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì Covivac được coi là vaccine tiềm năng trong công cuộc ứng phó đại dịch COVID-19" - ông nói. |
Theo Gia đình và xã hội