Rất khó để phân biệt dâu tây có nhiễm hóa chất hay không bằng mắt thường, vì thế việc lựa chọn nguồn gốc và cách xử trí trước khi ăn rất quan trọng.
Mới đây, nhóm Công tác môi trường (viết tắt là EWG) - một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ đã xếp hạng các sản phẩm phi hữu cơ dễ nhiễm thuốc trừ sâu nhất, trong đó dâu tây là loại quả đứng số 1 về hàm lượng nhiễm thuốc trừ sâu. Theo đó, có tới hơn 90% dâu tây chứa dư lượng từ hai loại thuốc trừ sâu trở lên. Đây là lần thứ 4 liên tiếp loại quả này dẫn đầu danh sách nhiễm thuốc trừ sâu nhiều nhất. Kết quả này có được sau khi EWG phân tích dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.
Dâu tây là loại quả tồn dư hóa chất thuốc trừ sâu tại Mỹ. Ảnh minh họa.
Ngay sau khi công bố thông tin trên, không ít người hoang mang, lo lắng khi tại Việt Nam dâu tây đang bắt đầu vào mùa và được bán rất nhiều từ các siêu thị cho đến vỉa hè. Theo đó, nhiều người cho rằng tại Mỹ việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, nhưng vẫn phát hiện tới hơn 90% dâu tây có chứa thuốc trừ sâu. Vậy tại Việt Nam không biết chất lượng dâu tây ra sao và làm sao để nhận biết dâu tây an toàn.
Trong khi trước đó, tại Đà Lạt đã từng kiểm tra và phát hiện dâu tây nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có tồn dư chất bảo quản thực vật là Abamectin vượt quá 3 lần ngưỡng cho phép. Chính điều đó càng khiến người tiêu dùng tỏ là lo lắng về chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, rất khó để xác nhận dâu tây có tồn dư hóa chất hay không nếu chỉ nhìn vào mắt thường. Để khẳng định được chính xác nhất chỉ có cách mang đi xét nghiệm. Theo ông Thịnh, hiện Việt Nam cũng có thể trồng được dâu tây vì thế mọi người nên dùng hàng trong nước hơn là hàng nhập khẩu vì giá thành rẻ, ít nguy cơ có chất bảo quản hơn.
Các loại dâu tây nhập khẩu phải vận chuyển xa, nguy cơ dùng chất bảo quản là rất cao. Ảnh minh họa.
Thông thường, để dâu tây không bị hỏng và giúp diệt được các vi sinh vật làm quả thối, các thương lái sẽ dùng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Abamectin để bảo quản. Loại này dù được đăng ký phòng trừ sâu hại trên cây trồng nhưng không được phép sử dụng trên rau quả sau khi đã thu hoạch.
PGS Thịnh đặc biệt cảnh báo, dâu tây là loại quả vỏ mềm, ăn cả vỏ nên khi dùng để bảo quản thì chúng gần như hấp thụ toàn bộ hóa chất vào trong quả. Do vậy, nếu ăn quả có lượng tồn dư lớn có thể gây ngộ độc, còn ăn số lượng ít, chất độc tích tụ và tàn phá cơ thể dần dần.
Đối với cách lựa chọn dâu tây, do là loại quả dễ hỏng nên khi bảo quản trong điều kiện lạnh phù hợp (5 đến 7 độ C) sau khi thu hái thì dâu tây cũng chỉ để được tối đa 10 ngày. Do vậy, dấu hiệu nhận biết rõ nhất đó là nhìn màu sắc của quả dâu tây.
Theo đó, nếu dâu tây không sử dụng loại thuốc bảo quản nào sẽ không thể để được lâu, chỉ để được 2-3 ngày ở nhiệt độ 15 độ C là quả sẽ bị thâm, héo. Còn nếu bán ngoài đường nắng hanh thì chỉ một ngày dâu đã héo cuống và thâm. Trong khi dâu tây nếu có chất bảo quản thì để 7-10 ngày ở nhiệt độ bình thường sẽ vẫn còn tươi, bất chấp cả điều kiện thời tiết hanh nắng.
Các loại dâu tây bán ngoài đường phố mà quả và cuống vẫn tươi thì không nên sử dụng. Ảnh minh họa.
Vì thế, ông Thịnh khuyên mọi người nên đến cửa hàng uy tín để mua và khi mua cần xem thời gian đóng gói và hạn sử dụng. Nếu thấy dâu tây bày bán ở kệ, nhiệt độ bảo quản khoảng 15 độ C, mà quá 3-5 này kể từ ngày đóng gói nhưng quả dâu vẫn tươi, cuống vẫn xanh thì có thể là đã được dùng hóa chất bảo quản. Với các loại dâu bán rong, bán hè phố rất khó để xác định ngày thu hoạch, đóng gói vì thế mọi người nên cân nhắc khi sử dụng.
Sau khi mua dâu tây về, nên sử dụng ngay, tránh bảo quản lâu ngày, kể cả để trong tủ lạnh vì loại quả này nếu không có chất bảo quản rất dễ bị vi sinh vật tấn công gây thối rữa, hoặc bị thâm héo dưới tác động của nhiệt. Trước khi ăn, nên ngâm với nước muối loãng, sau đó rửa lại dưới vòi nước để đảm bảo an toàn.