Đối với các loại rau quả khi sục máy đều sẽ lên bọt và nếu trước đó chưa được rửa thì bụi bẩn, tạp chất vẫn còn và nổi lên theo bọt là điều bình thường.
Vài ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh quả dâu tây chín sau khi ngâm nước và cho vào máy sục xuất hiện tình trạng nổi bọt, thậm chí vớt được bọt và cặn… Điều này khiến nhiều người hoang mang và lo lắng, bởi hiện đang là mùa dâu tây, loại quả này cũng được rất nhiều người ưa thích.
Trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết khi tiếp cận các thông tin trên mạng, mọi người cần biết chọn lọc thông tin. Với trường hợp trên, theo ông Thịnh, máy sục nhằm mục đích rửa rau củ quả, và rửa loại nào cũng tạo ra được khí cùng sủi bọt, đó là điều rất bình thường. Còn đối với cặn bẩn, không chỉ dâu tây mà ngay cả các loại rau thường ngày hay ăn như mùng tơi, rau muống… nếu chưa rửa, cho vào sục ngay thì cặn bẩn cũng sẽ ra nhiều hơn.
Hình ảnh dâu tây được sục bằng máy ra cặn bẩn khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
“Máy sục rửa rau quả cũng có những tác dụng, tôi không phản bác vấn đề đó. Tuy nhiên, việc nói rằng có máy đó sục rửa dây tây mới sạch là sai, đó chỉ là chiêu để các cửa hàng, nhà sản xuất bán được nhiều máy hơn thôi”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, hiện dâu tây được trồng nhiều và có quy trình kỹ thuật nhất định trong quá trình để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, quá trình quả dâu phát triển, thu hoạch và vận chuyển không tránh được việc có tạp chất, bụi bẩn nên trước khi ăn cần phải rửa sạch để đảm bảo an toàn.
Ông Thịnh cho biết người dân nếu không có điều kiện mua máy sục vẫn có thể ăn dâu tây mà không cần phải lo lắng quá nhiều, chỉ cần trước khi ăn thực hiện các bước sau:
- Chọn dâu tây được bán ở nơi uy tín, có tem nhãn ghi rõ nơi sản xuất, có xác nhận kiểm tra chất lượng của cơ quan có thẩm quyền.
- Không ăn những quả dập nát, hư hỏng, có màu khác lạ hoặc có vết côn trùng cắn.
- Trước khi ăn cần rửa bằng nước sạch theo cách: Cho dâu tây vào chậu rửa sạch từng quả, sau đó rửa lại dưới vòi nước sạch một lần nữa, để ráo rồi ăn.
Hãy rửa cẩn thận dâu tây bằng nước sạch, sau đó rửa lại dưới vòi nước chảy sẽ loại bỏ được bụi bẩn, tạp chất. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, vẫn có một số nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận, dùng chất bảo quản, kích thích cho dâu tây. Điều này người tiêu dùng rất khó nhận biết bằng mắt thường. Theo ông Thịnh, dâu tây nếu có chất kích thích, bảo quản người dân có ngâm muối, dùng máy sục rửa cũng không hết. “Chúng tôi không khuyến cáo người dân dùng muối để ngâm dâu tây, mà khuyên chọn ở nơi bán uy tín, an toàn như đã nói trên”, PGS Thịnh cho hay.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết dâu tây nếu được sản xuất, cung cấp bởi các cơ sở uy tín sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong đông y, dâu tây vị ngọt, chua, tính mát, có công dụng bổ phổi, điều hòa chức năng tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, mát máu, giải độc.
Ngoài ra, dâu tây là một nguồn cung cấp năng lượng chống oxy hóa. Bổ sung dâu tây vào chế độ ăn uống cân bằng có thể mang lại nhiều lợi ích, từ hỗ trợ tim mạch và giảm viêm đến bảo vệ ung thư, đường ruột khỏe mạnh hơn. Một số chất chống oxy hóa được tìm thấy trong dâu tây bao gồm vitamin C và carotenoids lutein và carotene. Ngoài ra, dâu tây là nguồn cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ khác.
Không chọn dâu có màu sắc, hình dạng khác lạ vì có thể là loại dùng thuốc kích thích. (Ảnh minh họa)
Theo ông Sáng, dâu tây là loại quả ăn trực tiếp hoặc có thể kết hợp làm salad, sữa chua, sinh tố và thường sẽ ăn cả vỏ bên ngoài, nên trước khi ăn cần được rửa thật sạch.
Ông Sáng khuyến cáo khi chọn dâu tây nên chọn những quả tươi, kích thước trung bình, có màu đỏ đậm hoặc đỏ tươi, sáng bóng không có vết dập. Nên ăn ngay, không cất giữ lâu sau khi rửa vì có thể phát sinh nấm mốc. Với người tiểu đường, đang dùng thuốc cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn dâu tây. Thành phần trong dâu tây có thể gây dị ứng mạnh mẽ, nên với người bị dị ứng tốt nhất không nên ăn dâu tây.