Bệnh nhiễm nấm cần một thời gian dài mới có thể trị dứt, vì vậy cần kiên trì sử dụng thuốc trong thời gian dài.
Bệnh nhiễm nấm cần một thời gian dài mới có thể trị dứt, vì vậy cần kiên trì sử dụng thuốc trong thời gian dài. Nếu đang uống thuốc mà bỏ ngang, bệnh sẽ tái nhiễm và sẽ khó trị hơn.
Thuốc kháng nấm thường được bào chế theo 2 dạng, dạng có tác dụng toàn thân (thuốc uống, thuốc chích) hoặc dạng dùng ngoài để thoa vào da, điều trị những vùng da bị nhiễm nấm. Nấm gây bệnh “kiếm sống” bằng cách xâm lược và “ăn dằm nằm dề” ở những tổ chức sống của các sinh vật khác. Vì nấm dễ phát triển mạnh ở những nơi ẩm, tối cho nên những vùng cơ thể dễ bị nhiễm nấm là miệng, nách, bụng và “vùng cấm địa”... Tuy nhiên, nấm cũng không chịu buông tha những vùng “sáng sủa” hơn, chẳng hạn da đầu, cổ...
Thuốc bôi ngoài da trị nấm không những làm giảm các triệu chứng bị nhiễm nấm như ngứa, rát, da nứt nẻ, mà còn có tác dụng tiêu diệt nấm. Tuy nhiên, nếu nấm hiện diện trong cơ thể hoặc việc sử dụng thuốc bôi thất bại thì phải dùng thuốc có tác dụng toàn thân. Những thuốc này dùng để trị candidiasis thường xảy ra ở cuống họng, âm đạo... hoặc những loại bệnh nhiễm nấm nghiêm trọng hơn như histoplasmosis, blastomycosis và aspergillosis... vốn gây ảnh hưởng nặng nề đến phổi và những cơ quan khác trong cơ thể.
Những loại thuốc có tác dụng toàn thân như fluconazole, itraconazole, ketoconazole và miconazole chỉ được mua dùng khi có toa bác sĩ. Chúng được bào chế dưới dạng viên nén, viên nang, thuốc nước và thuốc chích. Riêng thuốc dùng ngoài đa số không cần toa bác sĩ và được bào chế với nhiều dạng như kem, thuốc mỡ, thuốc nước, thuốc bột, thuốc xịt, thuốc đạn...
Bệnh ngoài da phải điều trị dài ngày (Ảnh minh họa)
Dạng kem và dạng thuốc nước bôi dùng ngoài thường có hiệu quả cao trong việc trị nấm ngoài da vì chúng tiếp xúc trực tiếp với vi nấm, ngay cả những con nấm khôn ngoan ẩn náu trong những vết trầy, vết thương của da. Thuốc bột có đặc tính là hút ẩm, vì vậy thường được dùng ở những vùng ẩm ướt của cơ thể, chẳng hạn như vùng da giữa các ngón chân... Những loại thuốc kháng nấm dùng ngoài phổ biến bao gồm ciclopirox, clotrimazole, econazole, miconazole, nystatin, oxiconazole, terconazole và tolnaftate.
Liều lượng dùng thuốc tùy thuộc vào từng loại nấm gây bệnh và những biểu hiện bệnh do nấm gây ra. Liều lượng sẽ khác nhau ở những bệnh nhân khác nhau. Vì vậy, bệnh nhân cần kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ để nhận được liều lượng thích hợp. Điều quan trọng khi uống thuốc theo toa phải đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được bỏ ngang giữa chừng. Những loại thuốc như itraconazole và ketoconazole cần phải được uống khi bụng no.