Thời tiết thay đổi thất thường, kèm theo tình trạng ô nhiễm không khí khiến nhiều người mắc các bệnh lý về đường hô hấp, nhất là trẻ nhỏ. Làm sao để phòng tránh là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra.
Hoàng loạt tác nhân gây bệnh đường hô hấp "bủa vây" trẻ
BSCK CK II Lâm Hoàng Yến - Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, thống kê của WHO cho thấy, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính là nguyên nhân ra gần 20% tổng số ca tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.
Theo bác sĩ Yến, cơ chế hoạt động của tai, mũi, họng có liên quan mật thiết đến nhau, đây cũng là những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với không khí và thức ăn hàng ngày. Vì thế, khi môi trường bị ô nhiễm, thay đổi thời tiết thì hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, các bệnh dễ mắc phải nhất đó là viêm mũi họng cấp, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm mũi xoang…
Hai ngày liên tiếp Hà Nội đứng đầu danh sách những thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới.
Bên cạnh các yếu tố như môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi thất thường, bác sĩ Yến cho rằng những tổn thương do COVID-19 cũng làm suy giảm chức năng hô hấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng.
Đặc biệt, nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là ở trẻ nhỏ, thường tái phát nhiều lần và gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cầu thận, viêm màng não, viêm xương chũm, biến chứng nội sọ. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 57% trẻ em bị viêm đường hô hấp tái phát (ít nhất ba đợt một năm trong ít nhất 2 năm) do bị thiếu một trong các kháng thể IgG và 17% bị thiếu IgA.
Bác sĩ Lâm Hoàng Yến cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh về đường hô hấp của trẻ.
Trong đó, tình trạng thiếu kháng thể IgG khá nổi bật ở trẻ nhỏ cho thấy sự non nớt của hệ thống miễn dịch và là một trong những yếu tố có thể gây bệnh. Các khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch và thiếu hụt IgA cũng liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên do vi khuẩn và virus gây ra.
Kháng sinh không phải là “bùa hộ mệnh” khi bị viêm đường hô hấp
Bác sĩ Lâm Hoàng Yến cho biết, hiện nay khi trẻ bị nhiễm khuẩn tai mũi họng, biện pháp điều trị phổ biến nhất là sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, điều này chỉ có tác dụng với các bệnh do vi khuẩn. Nếu nguyên nhân do virus thì việc lựa chọn điều trị bằng kháng sinh hoàn toàn không có hiệu quả.
Với các bệnh lý nhiễm khuẩn tai mũi họng, nguyên nhân chủ yếu là do virus vì thế biện pháp phòng bệnh an toàn, hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine cúm hàng năm. Còn đối với nguyên nhân là vi khuẩn thì hiện nay mới chỉ có bệnh phế cầu là có vaccine đặc hiệu.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Ảnh minh họa.
Riêng đối với những loại vi khuẩn chưa có vaccine phòng bệnh, bác sĩ Yến cho rằng cần ly giải vi khuẩn, giúp cơ thể nâng cao khả năng phòng thủ, chống chọi các loại vi khuẩn gây bệnh.
“Với cơ chế tương tự như vaccine, có thể coi ly giải vi khuẩn là một dạng "vaccine hô hấp". Đặc biệt nó rất hữu ích trong việc điều trị viêm phế quản cấp và mãn tính, đau thắt ngực, viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa”, bác sĩ Yến chia sẻ.
Ngoài ra, để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cũng nên dạy trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ, vệ sinh răng miệng, mũi hàng ngày. Bên cạnh đó, chủ động tiêm vaccine phòng bệnh đồng thời chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung các chất cần thiết giúp tăng đề kháng chống lại bệnh tật cho trẻ.