Mấy ngày tết, nếu không biết cách bạn có thể khiến người thân ngộ độc thức ăn vì tiếc của.
Tết là ngày đoàn viên, tụ họp và đầm ấm cùng bữa cơm gia đình, nhà nào cũng có nhiều món ngon để thưởng thức hay đãi khách. Chính vì vậy, các bà nội trợ đều tích trữ rất nhiều thực phẩm. Tuy nhiên, việc tích trữ, chế biến không đúng cách và việc ăn uống khác biệt ngày thường dễ dẫn đến ngộ độc thức ăn.
Bài liên quan: Ngộ độc vì...tiếc của
Bị "Tào Tháo" đuổi cả đêm, đến sáng chị Nga (Thường Tín, Hà Nội) lả đi trong nhà vệ sinh. Cả gia đình nháo nhào đưa chị đến Bệnh viện Bạch Mai. Đến nơi, ba thành viên còn lại trong gia đình chị cũng đau quặn bụng. "Đầu xuân, cả nhà cùng nhập viện", anh Thắng chồng chị Nga cười méo mó.a ông thể chịu đựng nổi lời chì chiết của gia đình nhà chồng.
Dự trữ cả "ổ" vi khuẩn
Thăm khám cho cả gia đình, bác sĩ kết luận cả nhà chị Nga bị ngộ độc thức ăn vì nhiễm khuẩn. Thương nhất là cháu Tuấn, 8 tuổi, con chị cứ khóc vì không được đi chúc Tết.
"Tôi làm một nồi móng giò ninh măng rất ngon. Mỗi hôm ăn lại lấy ra một ít, chỉ có một hôm quên không cho vào tủ lạnh nên hơi có váng, một góc hơi bị mốc trắng. Tôi đã bỏ góc ấy đi và đun lại rồi, vậy mà vẫn bị tiêu chảy. Đúng là tiếc của thì thiệt thân", chị Nga kể.
Bà Vân, mẹ chồng chị Nga cho biết đây là cái Tết thứ ba cả nhà bị đau bụng. Tuy nhiên, hai lần trước thì nhẹ hơn, chỉ uống thuốc là cầm ngay. Bà Vân phàn nàn: "Tôi mà biết thế này tôi đem đổ quách cái nồi măng ấy đi. Giờ này nhà tôi còn đầy thức ăn trong ngăn đá, ngăn mát. Chắc đi viện về không dám ăn đồ dự trữ nữa". Nằm giường bên này, chị Nga vừa nghe mẹ chồng nói vừa nhăn nhó cười trừ.
Chuyện tiêu chảy, ngộ độc thức ăn không phải là hiếm trong những ngày Tết. Vì sợ ra Tết mua gì cũng đắt nên hầu hết mọi nhà đều dự trữ rất nhiều thực phẩm: Từ thịt lợn, thịt bò, thịt gà, giò, chả đến cá và các loại rau củ quả. "Năm nào bác cũng mua rất nhiều cà chua, cà rốt, su hào, bắp cải. Riêng su hào, bắp cải vừa ăn vừa muối dưa, làm dưa góp nhưng chẳng năm nào hết. Mùng 4, mùng 5 Tết lại đem vứt cả rổ su hào, bắp cải vì hỏng. Nhưng chợ chỗ nhà bác chủ yếu bán cho sinh viên, công nhân nên phải mùng 5, mùng 6 họ mới mở hàng, thôi thì đành thừa hơn thiếu" - bà Lan, cùng phòng điều trị với bà Vân góp chuyện.
Cẩn thận trong những ngày tết để tránh ngộ độc thực phẩm (Ảnh minh họa)
Theo các bác sĩ, ngộ độc thức ăn thường xảy ra khi chúng ta ăn phải đồ ăn bị ôi thiu. Những thức ăn này thường chứa mầm bệnh bởi những vi khuẩn gây hại và chất độc. Thịt lợn, gà, bò để trong ngăn đá lâu ngày thường được rã đông "gấp" để nấu nên dù bên ngoài chín nhưng bên trong miếng thịt vẫn bị tái cũng dễ gây bệnh. Các loại rau, củ, quả để lâu ngày bị nát, ôi cũng là nơi sản sinh ra cả "ổ" vi khuẩn, nhất là rau sống rửa không sạch lại càng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Xác định sớm thức ăn gây bệnh
Ngộ độc thức ăn thông thường ở thể nhẹ, thoáng qua như buồn nôn, chóng mặt, có thể tiêu chảy rồi hết nhưng cũng có thể nặng tùy theo tác nhân gây bệnh. Nhiều người bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng có thể bị tụt huyết áp, bủn rủn tứ chi, thậm chí rơi vào hôn mê.
Khi thấy các triệu chứng trên, bản thân người bị mắc phải và người nhà phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm. Đa số các trường hợp nhẹ không cần phải dùng đến thuốc đặc trị, tùy theo mỗi loại mầm bệnh, vi khuẩn mà các bác sĩ sẽ kê đơn điều trị cụ thể. Nếu bị mất nước do nôn ói và tiêu chảy nhiều, đặc biệt là người già và trẻ em cần được cho uống bù nước ngay, càng sớm càng tốt. Trong khi chưa có orezol có thể cho uống nước đun sôi để nguội, nước lọc tại nhà trước khi đến bệnh viện.
Để điều trị đúng và triệt để ngộ độc thức ăn, theo các chuyên gia y tế phải xác định được nguyên nhân bị ngộ độc. Điều đầu tiên phải biết được là thức ăn nào gây ra ngộ độc. Việc xác định này còn giúp ngăn ngừa cho người cùng ăn được điều trị sớm, tránh bệnh nặng mới tìm kiếm nguyên nhân.
Cách chế biến thực phẩm cũng cần phải khoa học để không gây ngộ độc (Ảnh minh họa)
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Đối với ngộ độc thực phẩm, cách tốt nhất để không phải chữa bệnh tốn kém và tổn hại đến sức khỏe là phòng bệnh.
Việc phòng ngừa này trước tiên ở ngay khâu lựa, mua thực phẩm. Các bà nội trợ nên chọn các loại thực phẩm tươi sống, tốt nhất là có kiểm định. Đối với thức ăn chế biến sẵn nên chọn mua thương hiệu hoặc những nơi đáng tin cậy và lưu ý thời hạn sử dụng. Đối với các loại thực phẩm như măng tươi, nấm, xoài dầm, kim chi, cá đông lạnh, tôm đông lạnh... chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, có nguy cơ bị ngộ độc cao thì không nên mua.
Ngay cả khi lựa chọn được thực phẩm tươi ngon, nguồn gốc đảm bảo thì việc bạn sơ chế và bảo quản cũng cần phải đúng cách mới tránh được ngộ độc thức ăn. Các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ. Sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng. Nếu để lâu hơn cần bảo quản trong tủ lạnh và hâm lại trước khi ăn. Các thức ăn dư thừa trong vài ngày nên loại bỏ, không nên dùng đi dùng lại bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn. Đối với các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần, ngâm muối loãng hoặc thuốc tím trước khi ăn.
Nếu thực phẩm không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sẽ khiến các loại vi khuẩn tiềm ẩn phát triển rất nhanh. Do đó, thực phẩm cần được bảo quản hợp lý: Các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá; rau, củ, quả để ở ngăn mát và không nên để quá 3 ngày.
- Rửa tay trước khi chế biến món ăn. - Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín. - Nấu chín kỹ thức ăn, hạn chế ăn đồ tái sống. - Nên dùng thức ăn sau khi chế biến. - Thức ăn thừa nên nấu lại trước khi cất vào tủ lạnh và trước khi ăn. - Nên nấu lượng thức ăn vừa đủ trong ngày. - Chọn mua thực phẩm tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng. - Bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh. |