Theo bác sĩ Vũ, ăn thịt đỏ ở lượng vừa phải, kết hợp vận động sẽ không chỉ giúp chúng ta ngừa được bệnh tiểu đường, béo phì mà còn phòng ung thư và nhiều bệnh khác.
Bị ung thư trực tràng dù ăn chay trường
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt đỏ dùng để chỉ tất cả các loại thịt của động vật có vú như thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu, ngựa và dê.
Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của WHO đã có thông báo rằng, thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư, còn thịt đỏ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư trực tràng… Nguyên nhân một phần có thể do cách nấu các loại thịt này như nướng, chiên và các phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ cao khác dễ tạo ra các hóa chất thúc đẩy ung thư.
Theo bác sĩ Vũ, thịt đỏ không nên chế biến ở nhiệt độ quá cao. Ảnh minh họa.
Cơ quan này giải thích, trong thịt đỏ có hàm lượng sắt, các chất béo, muối, nitrat, nitrit. Các chất này khi chế biến sẵn hoặc được nấu ở nhiệt độ cao mới hình thành các chất có thể gây ung thư. Tuy nhiên, WHO cho rằng, đây mới chỉ là nghiên cứu đầu tiên, để xác định thịt đỏ và thịt chế biến sẵn ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như thế nào thì cần phải có các nghiên cứu thêm.
Ths.BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết khi đọc thông tin trên, nhiều người đã hiểu sai, sợ mắc ung thư nên không ăn hoặc kiêng hoàn toàn thịt đỏ. Điều này không đúng, vô tình “kết án oan” cho thịt đỏ.
“Không phải ăn thịt đỏ là bị ung thư. Nghiên cứu trên chỉ ra thịt đỏ có liên quan đến ung thư. Hoàn toàn không có điều nào đề cập đến việc cấm ăn thịt đỏ hoàn toàn”, bác sĩ Vũ khẳng định.
Bác sĩ Vũ kể về trường hợp bà Trương Loan (67 tuổi) đã “sống chung” với căn bệnh ung thư trực tràng được hơn 2 năm. Trước đó, bà Loan ăn chay trường, thường xuyên làm từ thiện và có đời sống tích cực. Khi có kết quả sinh thiết, bệnh của bà đã ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Vũ đang khám cho một bệnh nhân mắc ung thư. Ảnh: BSCC.
“Ở trường hợp của bà Loan hoàn toàn không ăn thịt đỏ, bà vẫn mắc bệnh ung thư”, bác sĩ Vũ chia sẻ. Vị bác sĩ cho biết, hiện bà Loan sống khỏe với bệnh ung thư là nhờ bà có lối sống tích cực, thường xuyên vận động, ăn uống đủ chất trong đó có thịt đỏ.
Hãy ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động để ngừa ung thư
Bác sĩ Vũ giải thích, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, lối sống, chế độ ăn và vận động có liên quan đến ung thư. “Nếu chúng ta ăn nhiều thịt đỏ, thịt mỡ nhưng lại lười vận động sẽ dễ bị tiểu đường, béo phì… thì cũng có nguy cơ cao mắc ung thư trực tràng và ung thư ruột kết (ruột gia)”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Theo bác sĩ, trong thịt có nhiều protein và chất béo. Đây là các thành phần phải có trong cấu tạo cơ thể, các cơ quan quan trọng như tim, gan, phổi… Ngoài ra, các loại a-xít béo thiết yếu như omega 3, omega 6 rất tốt cho tim, mắt, não… và chỉ có được qua vài loại thực phẩm như cá, dầu ô liu, đầu đậu nành… Do đó, nếu quá hạn chế thịt, dầu mỡ sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch và có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, chúng ta nên ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên để vừa rèn luyện sức khỏe vừa ngừa được nhiều bệnh tật. “Ăn uống lành mạnh là ăn đủ chất, ăn đa dạng các thực phẩm. Các thực phẩm nên chọn loại tươi sống, đảm bảo chất lượng và nên chế biến ở nhiệt độ thấp như hấp, luộc sẽ tốt hơn. Với thịt đỏ chúng ta cũng hãy ăn đầy đủ, nhưng ở lượng vừa phải kết hợp với vận động thường xuyên cũng sẽ tốt cho sức khỏe”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Với các thịt đỏ chế biến ở dạng đóng hộp, thực ăn nhanh, thực phẩm có chứa nấm mốc, bác sĩ Vũ cũng cho rằng, nó có liên quan đến ung thư nhưng không phải tránh ăn là không bị.
Dù ăn gì nhưng lười vận động thì có thể gặp nguy cơ mắc nhiều bệnh. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ, đến nay, y học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh của nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, có các yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư của một người. Các yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ.
"Chúng ta cần phân biệt rõ yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Nghĩa là, không phải ai có yếu tố nguy cơ thì chắc chắn sẽ mắc bệnh và không có yếu tố nguy cơ thì sẽ không mắc bệnh. Mà chúng ta nên hiểu theo nghĩa, người có yếu tố nguy cơ sẽ có khả năng mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không có yếu tố nguy cơ’, bác sĩ Vũ giải thích thêm.