Giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa là cách tốt để bảo vệ sức khỏe nhưng nếu thực hiện sai có thể gây ra những tổn hại khó lường.
Bác sĩ Su Yifeng - Khoa Lồng ngực, Bệnh viện Thống nhất Đài Bắc, quận Dương Minh, Đài Loan (Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ trên Facebook cá nhân về trường hợp một nữ bệnh nhân 60 tuổi từng phát hiện có nốt phổi (một khối phát triển bất thường trong phổi có thể lành tính hoặc ác tính) và phải đến bệnh viện tái khám và theo dõi.
Tuy nhiên sau 1 năm, những nốt phổi đột nhiên có xu hướng ngày càng tăng lên đến cả chục nốt. Điều này khiến bác sĩ rất bất ngờ nên đã hỏi thăm kỹ càng mới biết nguyên nhân khiến các nốt phổi gia tăng là do thói quen sinh hoạt sai lầm.
Người phụ nữ dùng thuốc tẩy và cồn để khử trùng trong không gian kín gió, khiến số lượng nốt sần ở phổi tăng lên.
Hóa ra người phụ nữ sau khi phát hiện bản thân mắc bệnh rất chú ý tới vấn đề vệ sinh nhà cửa, không gian sống để tránh nhiễm virus, vi khuẩn gây tổn hại phổi. Do đó, bà thường xuyên dùng thuốc tẩy để vệ sinh nhà cửa nhưng lại đóng kín cửa ra vào, cửa sổ vì cho rằng làm vậy sẽ khiến hơi thuốc tẩy có thể diệt vi khuẩn trong nhà.
Ngoài ra, nữ bệnh nhân còn thường xuyên xịt cồn để khử trùng không gian trong phòng, trong xe ô tô. Kết quả là sau một thời gian, bà dần cảm thấy tức ngực nhiều hơn và bị ho kéo dài.
Bác sĩ Su Yifeng giải thích rằng hơi từ thuốc tẩy hay chất khử trùng nếu quá mức có thể gây độc cho phổi và đường hô hấp nên mọi người cần chú ý khi sử dụng.
Bác sĩ Su Yifeng cho biết: "Việc sử dụng thuốc tẩy không đúng cách có thể gây tử vong. Thuốc tẩy là một chất khử trùng mạnh mẽ và hiệu quả. Thành phần chính của nó là natri hypochlorite, có thể làm suy giảm protein và tiêu diệt vi khuẩn, nấm, vi rút và các vi sinh vật khác một cách hiệu quả nhưng đồng thời có tính kiềm mạnh và chất oxy hóa mạnh, gây độc cho phổi, hít quá nhiều có thể gây viêm phổi do hóa chất".
Thuốc tẩy gia dụng có thể gây ảnh hưởng xấu tới phổi
Thông thường các loại thuốc tẩy có thành phần chính của nó là natri hypochlorite - chất tẩy trắng gốc clo lâu đời nhất và phổ biến nhất. Clo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn theo nhiều cách tùy thuộc vào cách bạn tiếp xúc với nó, số lượng bạn đã tiếp xúc và khoảng thời gian bạn tiếp xúc.
Tác động ngắn hạn (cấp tính):
- Hít phải lượng lớn khí clo có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng trong phổi và khó thở, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị. Trong vòng vài giờ hoặc ngay sau khi hít phải khí clo, phổi có thể bị kích thích, gây ho và/hoặc khó thở. Khoảng thời gian trước khi những triệu chứng này xảy ra tùy thuộc vào lượng khí clo bạn đã tiếp xúc. Lượng clo tiếp xúc càng cao, các triệu chứng xảy ra càng sớm. Người già, người hút thuốc và người mắc bệnh phổi mãn tính, như hen suyễn, có nguy cơ bị tổn hại cao nhất khi hít phải khí clo.
- Uống phải dung dịch thuốc tẩy có thể gây nôn mửa, buồn nôn, kích ứng họng và dạ dày. Chất nôn có thể có mùi clo.
- Tiếp xúc với khí clo có thể gây bỏng nặng và kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng, thậm chí có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Khi clo tiếp xúc với các mô ẩm như mũi, mắt, họng và phổi, nó sẽ tạo thành một loại axit (axit clohydric) và có thể làm hỏng các mô.
Tác động lâu dài (mãn tính):
- Tiếp xúc với nồng độ khí clo thấp trong thời gian dài có thể gây ra bệnh phổi mãn tính như viêm phế quản và khó thở. Nó cũng có thể ăn mòn răng.
- Không có báo cáo về ung thư hoặc ảnh hưởng đến sinh sản do tiếp xúc lâu dài với clo.
Bạn nên làm gì khi đã tiếp xúc với clo?
- Nếu bạn khó thở, hãy đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Nếu bạn làm đổ thuốc tẩy lên da hoặc quần áo, hãy cởi bỏ quần áo và rửa sạch da bằng nước sạch. Tránh dùng tay chạm vào dung dịch thuốc tẩy có trên quần áo hoặc các bề mặt khác.
- Nếu mắt bạn bị bỏng hoặc nhìn mờ, hãy rửa mắt ngay bằng nước sạch trong ít nhất 15 phút và tốt nhất là 30 phút. Nhận trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.
- Nếu bạn đã uống thuốc tẩy: Đừng cố nôn và đừng uống nước, hãy tới viện ngay lập tức.
Làm thế nào để giảm tác hại của khí clo với cơ thể?
- Dùng thuốc tẩy theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, pha 1 phần thuốc tẩy với 10 phần nước.
- Dùng thuốc tẩy ở những nơi có nhiều không khí trong lành, thoáng đãng.
- Nếu không mở được cửa sổ, hãy dùng quạt để thổi gió vào từ bên ngoài hoặc từ các phòng khác.
- Khi sử dụng thuốc tẩy, luôn đeo găng tay và kính bảo vệ mắt như kính bảo hộ.
- Không trộn thuốc tẩy với bất kỳ hóa chất gia dụng nào khác.