Người phụ nữ vừa bỏ thai một tháng thì phát hiện chửa trứng, chửa trứng có nguy hiểm không?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/09/2022 16:46 PM (GMT+7)

Sau khi bỏ thai (đình chỉ thai) được một tháng, nữ bệnh nhân vẫn thấy bị chảy máu âm đạo, đi khám tại bệnh viện phát hiện có thai trứng trong tử cung.

Bác sĩ Hà Bích Vân (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2) vừa cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân tên Hoài Anh (ở Hà Nội) đến khám vì chảy máu âm đạo sau 1 tháng đình chỉ thai. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bác sĩ Vân xác định, chị Anh bị thai trứng bán phần, phải hút buồng tử cung và xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đồng thời, thời gian tới bệnh nhân tiếp tục phải theo dõi, điều trị để tránh nguy cơ ung thư.

Theo bác sĩ Bích Vân, thông thường, rau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai trong thời kỳ thai nghén. Khi rau thai sản sinh quá mức, phát triển thành khối không kiểm soát được và tạo thành các nang trông như các quả trứng hoặc chùm nho nên được gọi là chửa trứng (thai trứng).

Theo bác sĩ Vân, có 2 loại thai trứng là thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần. Trong đó, thai trứng bán phần bao gồm tổ chức thai hoặc một phần thai, phôi thai bất thường, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết và các gai rau bệnh lý. Thai trứng toàn phần bao gồm toàn bộ các gai rau bệnh lý.

Chửa trứng cần phát hiện sớm để tránh gây biến chứng. Ảnh minh họa.

Chửa trứng cần phát hiện sớm để tránh gây biến chứng. Ảnh minh họa. 

“Thai trứng nói chung nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như băng huyết, nhiễm trùng nhiễm độc, suy kiệt và ung thư nguyên bào nuôi và di căn ung thư phổi, não, gan…”, bác sĩ Vân cảnh báo.

Khoảng 80% các trường hợp thai trứng sau khi thực hiện thủ thuật hút thai sẽ diễn tiến tốt. Khoảng 20% trường hợp còn lại, thai trứng chuyển biến thành ung thư ác tính và nhanh chóng di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, tỉ lệ tử vong rất cao.

Các chuyên gia cho biết, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng thai trứng là:

- Sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể. Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ.

- Thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi. Phụ nữ đã sinh đẻ nhiều lần, hoặc có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, hoặc đã có những bất thường ở dạ tử cung cũng là các yếu tố nguy cơ cao gây nên chửa trứng. 

- Thiếu dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic, vitamin A... Do đó, tỉ lệ mắc ở các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển.

Cách an toàn và nhanh nhất để phát hiện chửa trứng là đi khám thai định kỳ theo khuyến cáo. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh nên đến cơ sở y tế tin cậy gặp bác sĩ để thăm khám và làm các các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh tai biến đáng tiếc xảy ra. 

“Mang thai là hiện tượng sinh sản sinh lý, tuy nhiên không phải kỳ mang thai nào cũng bình thường và an toàn, chính vì vậy hãy tìm đến các bác sĩ sản phụ khoa hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và phát hiện những bất thường kịp thời, nhanh chóng”, bác sĩ Vân chia sẻ.

Đến chu kỳ vẫn ra máu nhưng có điểm khác lạ, mẹ 2 con đi khám phát hiện mang thai ở vị trí nguy hiểm
Sau khi thấy chu kỳ kinh nguyệt bất thường, kèm với đó là tình trạng đau bụng ở hố chậu phải, chị Hoa đã đến viện khám và phát hiện tình trạng mang...

Thai ngoài tử cung

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nạo phá thai