Ô nhiễm không khí ở mức cao trong tháng 6 là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viêm mũi dị ứng gia tăng, khiến nhiều người dân khổ sở vì căn bệnh tái phát.
Thanh Trâm, 18 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội hiện đang chuẩn bị cho giai đoạn nước rút của kỳ thi đại học. Thế nhưng, mỗi sáng thức dậy, Trâm đều phải chào ngày mới bằng những cơn hắt hơi liên tục, có hôm kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi cả ngày. Tình trạng trên kéo dài gần 2 tuần liên tục khiến Trâm mệt mỏi, đuối sức, khó lấy lại năng lượng để ôn tập dù kỳ thi đang đến gần. Theo dõi qua ứng dụng kiểm tra chất lượng không khí thấy tình trạng ô nhiễm tại khu vực gần nhà đang ở mức cao, Trâm cho rằng đây là nguyên nhân trực tiếp khiến căn bệnh viêm mũi dị ứng của cô tái phát.
Các triệu chứng viêm mũi dị ứng gây nhiều phiền toái và làm giảm chất lượng sống (Nguồn: Freepik)
Là kỹ sư xây dựng, Hoàng Ân - 32 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM thường xuyên phải có mặt tại các công trường đang thi công. Hai năm nay, Ân phải “đấu tranh” với ô nhiễm không khí và bụi bẩn từ công trường. Dù đã sử dụng khẩu trang nhưng những cơn nghẹt mũi, hắt hơi, đôi khi ngứa và chảy nước mắt vẫn khiến Ân khổ sở ngay tại nơi làm việc lẫn ở nhà. Thỉnh thoảng, cơn nghẹt mũi xuất hiện vào ban đêm gây trằn trọc, mất ngủ, có khi làm Ân phải nghỉ hẳn một buổi làm sáng hôm sau. “Đặc trưng công việc khiến tôi không thể rời khỏi công trình nhưng tôi lo sợ sức khoẻ của mình ngày càng kém đi dù vẫn còn trẻ”
Theo IQAir, Việt Nam đang phải chịu đựng lượng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất được ghi nhận trong những năm gần đây. Năm 2022, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đứng thứ 30 trong bảng xếp hạng ô nhiễm không khí toàn cầu, với nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 5,4 lần so với ngưỡng khuyến cáo của WHO. Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cũng tập trung ở các thành phố lớn. Đơn cử như tại Hà Nội, những ngày đầu tháng 6, chỉ số AQI luôn dao động trong mức 100, tiệm cận mức báo động đến sức khỏe. Theo WHO, phơi nhiễm với PM2.5 và PM10 gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư phổi và có thể dẫn đến tử vong. PM2.5 ước tính đã gây ra 4.2 triệu trường hợp tử vong sớm hằng năm trên toàn thế giới.
Ô nhiễm không khí làm trầm trọng các triệu chứng viêm mũi dị ứng (Nguồn: Freepik)
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ đời sống, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) từng đưa ra 14 khuyến cáo nhằm hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe. Các khuyến cáo bao gồm theo dõi thường xuyên chất lượng không khí qua các ứng dụng hoặc trên các phương tiện truyền thông chính thống, hạn chế đi đến những khu vực ô nhiễm. Nếu buộc phải ra ngoài nên đeo khẩu trang đúng quy cách, vệ sinh mũi, họng và mắt bằng nước muối sinh lý, thường xuyên dọn dẹp thông thoáng khu vực mình sinh sống và tích cực trồng cây xanh quanh nhà.
Với những trường hợp là người mắc các bệnh về hô hấp như trường hợp viêm mũi dị ứng tái phát của Trâm và Hoàng Ân, bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng, cần thực hiện những biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn và tìm đến sự hỗ trợ y tế nếu cần thiết. Với Thanh Trâm, cô tìm đến bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng và được tư vấn nên sử dụng một số loại thuốc kháng histamin thế hệ 2 có tác dụng làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng, bao gồm hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa và đỏ mắt, chảy nước mắt. Đây là các loại thuốc không kê đơn, không chứa an thần, không gây buồn ngủ hay suy giảm tâm thần vận động, an toàn cho nhóm người bị viêm mũi dị ứng. Song song với dùng thuốc, người bệnh nên chú ý nghỉ ngơi tại nhà hoặc trong những không gian sạch sẽ, thoáng khí.
Sử dụng một số loại thuốc kháng histamin thế hệ 2 để làm giảm các triệu chứng khó chịu của Viêm mũi dị ứng
Khi tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam chưa được cải thiện, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân cần chủ động bảo vệ sức khoẻ thông qua việc giữ gìn vệ sinh mũi và môi trường xung quanh, sử dụng thuốc nếu cần thiết và nên thăm khám lại tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe uy tín.
Kiểm tra tình trạng viêm mũi dị ứng của bạn và tìm hiểu giải pháp điều trị phù hợp ngay tại đây |