Những thói quen dễ gây ngộ độc thực phẩm

Ngày 20/04/2015 00:06 AM (GMT+7)

Bên cạnh những nguyên nhân do môi trường ô nhiễm, thực phẩm chứa chất độc hại… thì những thói quen sai lầm của các bà nội trợ cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.

Thời tiết mùa hè nóng bức, những yếu tố trong đời sống và sinh hoạt như môi trường ô nhiễm, thức ăn bảo quản không đúng cách hoặc bị nhiễm các chất độc hại... rất dễ gây ra ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống.  

Theo báo Người Lao động, nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy ngộ độc thực phẩm là một bệnh hết sức đa dạng, do nhiều vi khuẩn khác nhau. Đến nay, đã xác định rõ thủ phạm gây ra các trường hợp ngộ độc thức ăn như E.coli, Campylobacter jejuni, Listeria monocytogenes, Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens...

Cơ chế gây ngộ độc thực phẩm là gây viêm dạ dày, ruột do vi khuẩn hay độc tố vi khuẩn. Độc tố này có thể được hình thành trong thực phẩm trước khi ăn do kỹ thuật chế biến, tồn trữ trong điều kiện kém vệ sinh, thiếu cẩn thận hoặc cũng có thể sinh ra khi vi khuẩn đã được ăn vào đường ruột.

Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, bên cạnh những yếu tố môi trường, thực phẩm bẩn… thì những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày dưới đây cũng góp phần làm gia tăng căn bệnh nguy hiểm này. Dưới đây là một số sai lầm cơ bản nhất các chị em cần tránh.

Thức ăn để ở nhiệt độ thường trong vài giờ nhưng vẫn ăn

Báo Trí thức trẻ dẫn cảnh báo của các chuyên gia về an toàn thực phẩm nói rằng ở các nước ôn đới, chỉ nên đặt các loại thực phẩm đã chế biến như gà rán, hamburger, bánh ngọt… bên ngoài là từ 2-3 giờ. Nếu sau khoảng thời gian này, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi và làm biến chất  thực phẩm. Còn tại các nước nhiệt đới như Việt Nam, nhiệt độ trong ngày thường trên mức 30 độ thì việc để thực phẩm ở bên ngoài quá 1 giờ đã là nguy hiểm.

Ăn đồ ăn thừa sau nhiều ngày trong tủ lạnh

Những thói quen dễ gây ngộ độc thực phẩm - 1

Không ăn đồ để lâu trong tủ lạnh. Ảnh minh họa.

Đôi khi, do công việc bận rộn, nhiều bà nội trợ có thói quen tích trữ thức ăn trong tủ lạnh, cả thức ăn sống lẫn thức ăn chín. Phần thức ăn thừa này sẽ được dùng dần nhiều ngày sau đó. Tuy nhiên, đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca ngộ độc thực phẩm trong hộ gia đình.

Theo các chuyên gia y tế, những thực phẩm đã chế biến và được trữ trong hộp kín trong tủ lạnh thì tuổi thọ của các thực phẩm này cũng không quá 2 ngày. Sau khoảng thời gian này, chúng sẽ có hại nếu bạn tiếp tục sử dụng.

Không rửa những loại quả có thể gọt vỏ khi ăn

Đây là sai lầm mà hầu hết các gia đình hay mắc phải. Họ cho rằng, vi khuẩn nếu có thì cũng ở ngoài hoa quả và chúng đã đi theo ra ngoài cùng với lớp vỏ.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn gọt vỏ trái cây thì vi khuẩn, đặc biệt là khuẩn E.Coli vẫn có thể xâm nhập vào phần thịt quả. Lý do là chiếc dao bạn dùng sẽ trở thành vật trung gian đưa vi khuẩn từ vỏ vào thịt quả.

Những thói quen dễ gây ngộ độc thực phẩm - 2

Các nhà khoa học khuyên chúng ta phải rửa sạch cả những loại trái cây cần gọt vỏ khi ăn. Ảnh minh họa.Nhận biết thực phẩm sạch – bẩn bằng mắt thường

Thông thường các chị em thường có thói quen đánh giá thực phẩm qua mắt thường. Khi chỉ thấy màu sắc bóng, sạch sẽ thì cho đó là thực phẩm sạch. Còn thực phẩm hư nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài, hoặc có mùi, hoặc biến đổi màu sắc. Tuy nhiên, chính sự chủ quan này của các chị em lại tạo cơ hội để vi khuẩn gây bệnh ngộ độc thực phẩm cho cả gia đình.

Theo như kết quả của nhiều nghiên cứu, rất nhiều loại thực phẩm khi bắt đầu hỏng sẽ không có bất kỳ mùi lạ nào cũng như dáng vẻ bề ngoài của chúng không hể thay đổi. Khi ăn phải những loại thực phẩm này, bạn vẫn bị ngộ độc, mà biểu hiện cơ bản nhất là đau bụng, buồn nôn. Vì thế, đừng vội đánh giá thực phẩm bằng mắt thường. Tốt nhất hãy mua thực phẩm ở những cơ sở an toàn, chất lượng, có nhãn mác...

Theo Mạc Nhiên (Đời sống pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan