Trước đại dịch, gần 63% phụ nữ đã từng kết hôn/phụ nữ có chồng đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng/bạn tình; Trong đó, bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất mà phụ nữ Việt Nam đề cập với tỉ lệ hơn gần một nửa (47,0%). Tỷ lệ này càng
Bạo lực tinh thần - nỗi đau “vô hình” kéo dài dai dẳng
“Đồ vô dụng!”, “Cô chẳng làm nên tích sự gì!”, “Ai là chồng trong cái nhà này?”, “Cô lớn giọng với ai vậy?”, “Cô phải nghe lời tôi!”,...
Không chỉ dừng lại ở những lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân như những ví dụ trên, bạo lực tinh thần còn là những hành vi kiểm soát, lợi dụng vị thế trong gia đình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình, gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, bạo lực tinh thần còn tồn tại dưới dạng “chiến tranh lạnh" hay còn gọi là “bỏ lửng". Lúc này, người chồng sẽ tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm đối với người vợ, thậm chí đem so sánh với người phụ nữ khác,… Đây được xem là một hình thức bạo hành “câm", khó phát hiện và diễn ra lặng lẽ, không đánh đập, xô xát hay chửi bới sỉ nhục ầm ĩ nhưng đây lại là hành động bạo lực tinh thần đau đớn nhất và khó chống cự nhất.
Đặc biệt khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ bạo lực tinh thần càng tăng mạnh. Nguyên do là vì những gia tăng căng thẳng về kinh tế, những ức chế về tâm lý, sự cô lập và căng thẳng trong thời gian giãn cách... đã khiến người chồng/bạn tình thực hiện nhiều hơn những hành vi bạo lực tinh thần lên phụ nữ.
Tuy khó nhận diện hơn so với bạo lực thể chất nhưng di chứng của bạo lực tinh thần lại kéo dài âm ỉ và gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân, dẫn đến những bệnh lý về tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, các bệnh lý loạn thần,.. Chẳng những thế, bạo lực tinh thần còn làm ảnh hưởng đến năng suất làm việc của phụ nữ, ảnh hưởng đến đến kinh tế gia đình nói riêng và kinh tế của xã hội nói chung.
Có thể thấy, bạo lực tinh thần không gây ra hậu quả ngay lập tức, nhưng vấn nạn này sẽ từ từ “ăn mòn" và hành hạ sức khoẻ tinh thần của nạn nhân. Một khi tinh thần không vững vàng thì sức khoẻ thể chất cũng từ đó mà lao dốc, tăng nguy cơ dẫn đến những hậu quả khó lường khác.
Đáng chú ý, bạo lực tinh thần ngày càng phổ biến ở xã hội hiện đại và có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể nạn nhân bao nhiêu tuổi, xuất thân từ tầng lớp xã hội như thế nào, học vấn ra sao, có là người nổi tiếng hay không,.. Vì thế, đừng bao giờ chủ quan và lơ là trước những dấu hiệu cảnh báo, hãy biết cách bảo vệ chính mình.
Bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi nỗi đau “vô hình"
Vậy làm thế nào để vượt qua bạo lực tinh thần và chữa lành nỗi đau “vô hình" mà vấn nạn này mang lại? Nhận ra những dấu hiệu cảnh báo ngay từ đầu và những dấu hiệu khi vấn nạn này xảy ra là một việc rất khó đối với nạn nhân, bởi lẽ nạn nhân không nhìn nhận đây là một hình thức bạo lực, nạn nhân chưa tiếp cận được những thông tin chính xác và đầy đủ, thậm chí nạn nhân bị chính kẻ bạo hành thao túng tâm lý với những lời ngụy biện nhân danh tình yêu,... Đây là thực trạng rất đáng buồn!
Tuy nhiên, phụ nữ hoàn toàn có thể phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tinh thần nếu trang bị những kiến thức đúng và đầy đủ. Trước hết, để có thể phòng tránh vấn nạn này, phụ nữ cần “tầm soát" những dấu hiệu trước khi chính mình trở thành nạn nhân. Một số dấu hiệu cảnh báo bạn có thể đang sống chung với kẻ bạo hành tinh thần như: họ cô lập bạn khỏi bạn bè, gia đình và những người thân thiết gần gũi, họ ghen tuông mù quáng và kiểm soát quá mức, họ trút giận lên đồ đạc và thú cưng của bạn, họ không tôn trọng bạn và không gian riêng tư của bạn, họ nghiện bia rượu, họ có quá khứ bạo hành người khác, họ cáo buộc bạn bởi những gì bạn không làm,...
Đối với những phụ nữ đã trở thành nạn nhân của bạo lực tinh thần, chỉ khi dám lên tiếng, bạn mới có thể giải thoát chính mình. Một số biện pháp có thể giúp bạn thoát khỏi vấn nạn này như lên kế hoạch rời đi, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người tin cậy, luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp hoặc có thể tìm được sự can thiệp của pháp luật,...
Lời kết
Không một người phụ nữ nào đáng là nạn nhân của bạo lực tinh thần. Và không bao giờ là quá muộn để phụ nữ có thể đứng lên bảo vệ chính mình khỏi những nỗi đau “vô hình” này. Vì chính bạn, hãy hành động!
Để hiểu rõ hơn về vấn nạn bạo lực tinh thần, hãy đón xem sự kiện truyền thông do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Hội LHPN Việt Nam) tổ chức vào lúc 09h30, chủ nhật ngày 12/12/2021, với chủ đề: “Nỗi đau “vô hình” – Nhận diện và ứng phó với bạo lực tinh thần, hành động ngay để bảo vệ bạn và gia đình” bằng hình thức phát trực tiếp (livestream) trên Fanpage của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển: www.facebook.com/CWD.VN/. Chương trình được thực hiện nhằm Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 và Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực giới. Tại chương trình, câu chuyện bạo hành tinh thần sẽ được tái hiện, khắc họa một cách chân thực thông qua nghệ thuật múa đương đại và chia sẻ trực tiếp của nạn nhân đã từng bị bạo lực tinh thần tại Ngôi nhà Bình yên – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Ngoài ra, tại toạ đàm, các chuyên gia sẽ chia sẻ cùng thảo luận, cung cấp thông tin về thực trạng bạo lực tinh thần tại Việt Nam, nhận diện hành vi bạo lực tinh thần, tác động của bạo lực tinh thần đối với sức khỏe và sự phát triển của phụ nữ và trẻ em đặc biệt trong bối cảnh Covid 19, để từ đó có những phương pháp, cách thức để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tinh thần. Sự kiện truyền thông: “Nỗi đau “vô hình” – Nhận diện và ứng phó với bạo lực tinh thần, hành động ngay để bảo vệ bạn và gia đình” được thực hiện với sự hỗ trợ của UNWOMEN Việt Nam, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Trung tâm Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng – LIGHT; Trung tâm Tâm lý, Trị Liệu Share và Nhãn hàng ENAT - đồng hành cùng phụ nữ trong suốt 20 năm qua trên con đường định nghĩa và bảo vệ giá trị của phái đẹp. |
*Báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), Tổng cục Thống kê (GSOs) và UNFPA.