Qua đời vì căn bệnh ung thư ở tuổi 39, nữ ca sĩ Mai Diễm Phương đã khiến nhiều người thương tiếc nhưng điều tiếc nuối nhất là cô đã bỏ lỡ cơ hội điều trị, kéo dài sự sống.
Năm 2003, Mai Diễm Phương - ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của Hong Kong thập niên 1980-1990 và từng là người yêu của "thiên vương" Lưu Đức Hoa đã từ biệt thế giới vào thời điểm tươi sáng nhất của cuộc đời vì căn bệnh ung thư.
Diễm Phương nổi tiếng đến mức được phong là “thiên hậu" bởi vẻ đẹp và tài năng xuất chúng của cô. Tài sắc là vậy nhưng nữ ca sĩ không may phát hiện có khối u ác tính vào năm 2002 - cô được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Cuối năm 2004, Diễm Phương qua đời trong sự tiếc thương của bạn bè và người hâm mộ.
Tuy nhiên điều đáng buồn hơn nữa là cả trong thời gian mắc bệnh và sau khi qua đời, mẹ ruột của nữ ca sĩ và anh trai chỉ nhăm nhe vào tài sản của con gái.
Nhìn lại cuộc chiến chống ung thư của Diễm Phương, có hai việc đáng để suy ngẫm và là bài học cho những người không may mắc bệnh giống như cô.
Nữ ca sĩ, diễn viên Mai Diễm Phương qua đời ở tuổi 39 vì bệnh ung thư.
Hai hành vi đáng suy ngẫm trong cuộc chiến chống ung thư của Diễm Phương
1. Hoãn điều trị
Bác sĩ Trần Mạn Long, người đứng đầu trung tâm ung bướu ở Bệnh viện An dưỡng Hồng Kông - nơi Mai Diễm Phương qua đời từng tiết lộ nữ ca sĩ đã biết trước bệnh tình của mình cách đó 2 năm và cô có cơ hội chữa khỏi rất cao nhưng đã từ chối mọi việc điều trị.
Lần đầu tiên cô yêu cầu hoãn việc điều trị ung thư toàn diện trong 2 tháng để sang Nhật Bản vì muốn bản thân trong tình trạng tốt nhất để gặp người yêu Kondo Masahiko. Lúc đó, tất cả người thân, bạn bè đều thuyết phục cô điều trị nhưng điều đáng tiếc là Diễm Phương không thay đổi quyết định.
Tháng 7/2003 căn bệnh ung thư của Mai Diễm Phương đã phát triển đến giai đoạn cuối nhưng cô lại đưa ra một quyết định gây sốc khác là sẽ tổ chức 8 buổi hòa nhạc chia tay. Những buổi hòa nhạc ấy chắc chắn sẽ gây ra sự mệt mỏi về thể chất và là một thử thách lớn đối với những người bình thường, chứ chưa nói đến bệnh nhân ung thư. Dù bạn bè khuyên nhủ nhưng nàng "thiên hậu" cho biết cô sợ rằng sẽ không còn có cơ hội để thực hiện trong tương lai.
Mãi đến tháng 9, Mai Diễm Phương mới chịu đi xạ trị với hy vọng đủ sức khỏe để thực hiện 8 đêm diễn tại Hồng Kông vào tháng 11.
Nữ ca sĩ đã nhiều lần trì hoãn việc điều trị ung thư nên khiến cho việc điều trị sau này gặp nhiều khó khăn hơn.
Ung thư cổ tử cung là khối u ác tính, khi đã được chẩn đoán thì cần điều trị càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị toàn diện tốt nhất dựa trên thể trạng thực tế của bệnh nhân. Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường áp dụng phương pháp điều trị ngoại khoa, ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối chủ trương áp dụng phương pháp điều trị toàn diện kết hợp xạ trị, hóa trị và phẫu thuật, trong trường hợp đặc biệt sẽ bổ sung thêm phương pháp điều trị bằng thuốc Đông y để điều hòa cơ thể và giúp bệnh nhân điều chỉnh cơ thể càng sớm càng tốt. Nhưng đáng tiếc, Diễm Phương đã liên tục bỏ lỡ những cơ hội điều trị tốt nhất.
2. Từ chối phẫu thuật
Theo lời kể của bạn bè, Mai Diễm Phương đã có cơ hội được chữa khỏi, chỉ cần cắt bỏ tử cung. Đáng tiếc, cô đã nhiều lần từ bỏ cơ hội này. Trước đó, Diễm Phương đã phát hiện có tổn thương ở cổ tử cung có thể phẫu thuật ngay lúc đó nhưng cô từ chối.
Mãi sau này khi đi khám lại, cô mới được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Các bác sĩ thời điểm đó tin rằng nếu phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ giúp cô có cơ hội sống sót không dưới 40%. Nhưng một lần nữa Diễm Phương lại không chọn phẫu thuật vì không thể chấp nhận được tình trạng vô sinh do cắt bỏ tử cung.
Cô cũng từ chối việc phẫu thuật cắt bỏ tử cung vì vẫn muốn được sinh con.
Hoãn điều trị và từ chối phẫu thuật, hai hành vi này đã cản trở cơ hội sống của Diễm Phương. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng mắc ung thư đồng nghĩa với cái chết nhưng thực tế việc điều trị đều rất quan trọng và cần thiết với bệnh nhân ung thư.
Ung thư cổ tử cung là khối u ác tính phụ khoa thường gặp nhất, độ tuổi 30-35 có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng những năm gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa. May mắn thay, công nghệ y học hiện đại ngày nay có thể giúp phát hiện và điều trị sớm ung thư cổ tử cung và các tổn thương tiền ung thư. Do đó, tỷ lệ mắc và tử vong cũng giảm đáng kể.
Mặc dù ung thư cổ tử cung ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nhưng may mắn là có thể phòng tránh được, chỉ cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung đúng thời gian là có thể giảm thiểu rủi ro xảy ra. Do vậy, vì sức khỏe của chính mình, phụ nữ cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để đề phòng bệnh đến gõ cửa.