Ung thư đại tràng và những điều quan trọng cần biết

Ung thư đại tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Tổng quan

Đại trực tràng hay còn gọi là ruột già, là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa, nhiệm vụ của đại trực tràng là tiếp nhận và bài tiết các thức ăn không tiêu hóa được (phân). Ung thư xuất hiện thường gặp nhất ở trực tràng với 25%.

Các giai đoạn

Giai đoạn 0: Ung thư ở giai đoạn sớm, chỉ mới xuất hiện ở lớp niêm mạc trên cùng của đại tràng hoặc trực tràng.

Giai đoạn 1: Ở ung thư đại tràng giai đoạn 1, khối u có thể lan rộng ra thành trong của đại tràng hoặc trực tràng.

Giai đoạn 2: Đến ung thư đại tràng giai đoạn 2, ung thư đã lan ra bên ngoài đại tràng hoặc trực tràng tới các mô lân cận nhưng chưa tới hạch.

Giai đoạn 3: Ung thư đại tràng giai đoạn 3 thường ung thư đã lan sang các hạch lân cận nhưng chưa tới các bộ phận khác của cơ thể.

Giai đoạn 4: Ung thư đại tràng giai đoạn cuối thường đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, có xu hướng lan tới gan và phổi.

Nguyên nhân

Chúng ta chưa biết nguyên nhân chính xác gây nên ung thư đại trực tràng, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu có những yếu tố khiến người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại trực tràng như sau: Các polyp mọc trên thành bên trong của đại tràng hoặc trực tràng và thường gặp ở người trên 50 tuổi. Hầu hết các polyp là lành tính (không phải ung thư) nhưng một số polyp (u tuyến) có thể trở thành ung thư.

Một người đã bị một bệnh lý gây ra viêm đại tràng (như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn) trong nhiều năm sẽ có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng cao.

Nếu trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng thì những người có mối quan hệ huyết thống gần nhất có nhiều khả năng mắc bệnh hơn những người khác.

Đặc biệt, người mắc bệnh ung thư khi còn trẻ thì tỷ lệ người thân mắc bệnh càng cao. Những người hút thuốc lá hoặc dùng một chế độ ăn nhiều thịt đỏ hoặc đồ chế biến sẵn, ít chất xơ có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng. Ung thư đại trực tràng có nhiều khả năng xảy ra đối với những người lớn tuổi. Hơn 90% số người mắc bệnh này được chẩn đoán sau tuổi 50 và lớn hơn.

Dấu hiệu

Khi có dấu hiệu đau quặn bụng, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài... rất có thể đó là dấu hiệu ung thư đại tràng.

Dấu hiệu sớm của ung thư đại tràng thường không rõ ràng hoặc dễ bị nhầm lẫn nên có rất nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn, khó chữa. Tuy nhiên, một trong các dấu hiệu dưới đây cần đi khám sớm:

Đi đại tiện ra máu liên tục trong phân, điều này có thể bắt nguồn từ thói quen ăn uống hoặc các tổn thương bên trong ruột. Nếu nguyên nhân là do ung thư đại tràng, phân qua khối u không chỉ làm cho chúng thay đổi về kích cỡ mà chúng còn gây nên hiện tượng chảy máu.

Thay đổi thói quen đi đại tiện, thường xuyên đi nặng hơn với tình trạng phân lỏng. Bên cạnh đó, đi ngoài phân nhỏ kèm táo bón cũng chứng tỏ đường đào thải phân đã gặp phải những vật cản khác như khối u trong đại tràng, làm cho hình dạng và kích cỡ của phân bị biến dạng, thay đổi.

Đau bụng dai dẳng. Khi khối u phát triển trong đại tràng có thể làm cản trở đường ruột, gây ra những cơn đau do co thắt ở dạ dày mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào sự phát triển của khối u. Khi có các dấu hiệu nói trên, bạn nên đi xét nghiệm ung thư đại tràng càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, ung thư đại tràng còn một số biểu hiện khác như giảm cân không rõ lý do, cảm thấy rất mệt mỏi mọi lúc, thấy buồn nôn hoặc nôn. Tuy nhiên, hầu hết các dấu hiệu sớm của ung thư đại tràng thường không rõ ràng hoặc dễ bị nhầm lẫn nên có rất nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn, khó chữa. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu của các chứng bệnh thông thường khác cũng có thể dễ bị nhầm lẫn là ung thư đại tràng: Máu trong phân kèm theo triệu chứng đau, chảy máu có thể là do bệnh trĩ. Đau bụng, táo bón có thể do thay đổi thói quen ăn uống và bạn có thể khắc phục bằng cách uống thuốc nhuận tràng theo chỉ định của bác sĩ.

Chẩn đoán

Nội soi đại trực tràng: là xét nghiệm quan trọng nhất khi nghi ngờ có ung thư đại trực tràng. Qua nội soi, bác sĩ có thể biết được tương đối vị trí, kích thước khối u và lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán chắc chắn khối u đó có phải là ung thư hay không.

Ngoài ra, người bệnh cần được thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm khác như: chụp cắt lớp điện toán (CT-Scan), siêu âm bụng, X-quang phổi, điện tim, xét nghiệm máu…giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn để tiến hành điều trị.

Điều trị

Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật kết hợp với hóa trị hoặc/và xạ trị.

Phẫu thuật là điều trị cơ bản nhất, khối u phải được cắt bỏ đồng thời với các hạch bạch huyết di căn.

Phẫu thuật ung thư đại trực tràng bao gồm: phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi và tiến bộ nhất hiện tại là phẫu thuật nội soi ứng dụng robot. Với phẫu thuật này, bác sĩ quan sát rõ hơn các cơ quan trong ổ bụng, giúp cắt lọc các hạch di căn hiệu quả hơn và bảo tồn các cơ quan khác, từ đó người bệnh sẽ hồi phục nhanh hơn, giảm tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật.

Điều trị hỗ trợ: bao gồm hóa trị và xạ trị, có thể áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật, tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể.

Tầm soát

Ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.Vì vậy, để có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm mọi người cần chủ động đi tầm soát, khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là với các đối tượng có nguy cơ.

Hiện có 3 phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng.

- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: xét nghiệm có độ nhạy phát hiện ung thư khoảng 70 - 80%, tuy nhiên, đây là xét nghiệm không đặc hiệu, nghĩa là có dương tính cũng chưa chắc là ung thư đại trực tràng mà có thể một bệnh lý khác ở đường tiêu hóa. Một khi phát hiện có máu trong phân, người bệnh sẽ được chỉ định để được nội soi đại trực tràng.

- Nội soi đại trực tràng ảo: sử dụng CT-Scan đa lát cắt để thực hiện trên người bệnh đã được xổ ruột. Máy điện toán sẽ dựng hình lại lòng đại tràng.Phương pháp này có thể phát hiện phần lớn các polyp và khối u trong lòng đại tràng và trực tràng.Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện ra polyp thì phải nội soi đại tràng thật để cắt polyps, sinh thiết khối u để có chẩn đoán xác định.

Nội soi đại trực tràng: là phương pháp tầm soát chính xác nhất. Qua nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ phát hiện các bệnh lý như trĩ, polyp, viêm loét đại trực tràng… từ đó sẽ có xử trí phù hợp như cắt bỏ khối polyp trong lúc nội soi đồng thời sinh thiết polyp để chẩn đoán xác định ung thư.

Lưu ý: Để chuẩn bị nội soi đại trực tràng, người bệnh cần nhịn ăn và được dùng thuốc xổ để làm sạch ruột.

Mỗi đối tượng nguy cơ và độ tuổi khác nhau sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện các biện pháp tầm soát khác nhau để có hiệu quả tốt nhất.

Phòng ngừa

- Giảm chất béo trong khẩu phần ăn.

- Tăng cường hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn hàng ngày.

- Hạn chế thức ăn có nhiều muối, thức ăn lên men, xông khói.

- Sau 50 tuổi nên xét nghiệm máu trong phân, soi trực tràng, đại tràng mỗi 3 - 5 năm một lần.

- Tránh những chất gây đột biến gien như dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trọng trong thực phẩm.

- Không lạm dụng rượu, bia và các chất lên men rượu khác.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh ung thư khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY