Thừa cholesterol - Sát thủ thầm lặng làm tăng nguy cơ đột quỵ

Ngày 18/06/2021 08:00 AM (GMT+7)

75% các bệnh nhân đột quỵ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình trạng thừa cholesterol. Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có 200.000 ca đột quỵ mới, mức độ trẻ hóa cũng nhiều hơn. Đáng nói, nhiều người cho biết không biết được tình trạng thừa cholesterol làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Ai cũng có nguy cơ đột quỵ

Năm 2020, trong “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể” do Bộ Y tế phát động đã đưa ra cảnh báo: Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người bị thừa cholesterol. Tiếp nối hồi chuông cảnh báo này, một loạt các chương trình hành động đã được đưa ra và thực hiện. Mới đây, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM lần đầu tiên phối hợp với Hội Đột quỵ TP.HCM thực hiện phóng sự “Đột quỵ - Đừng để bạn là người tiếp theo”, thông qua thông tin từ chuyên gia và chia sẻ “người thật việc thật”, phóng sự góp phần đánh động, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề kiểm soát tình trạng thừa cholesterol để phòng ngừa đột quỵ.

2 nhân vật nam sống tại TP.HCM trong phóng sự, anh K.H (54 tuổi) làm nghề tài xế xe tải và anh L.A (45 tuổi) là luật sư đều đang trong độ tuổi lao động và là trụ cột gia đình, rất lạc quan với sức khỏe của mình. Anh L.A kể có thể đá bóng suốt 60 phút không cần nghỉ ngơi còn anh K.H cho rằng dù trong họ hàng đã có người đột qụy thì cũng không nghĩ đột quỵ lại có thể xảy đến với mình.

Chưa hết ám ảnh, bàng hoàng sau cơn đột quỵ, dù may mắn được gạch tên khỏi “cửa tử” nhưng anh K.H nhận ra mình “phải bỏ luôn nghề lái xe”. Còn anh L.A vẫn còn giữ nỗi sợ “rồi đây mình là kẻ ăn bám gia đình, ăn bám xã hội” khi trải qua những biến chứng về sức khỏe sau đột quỵ.

T. A. (28 tuổi, ngụ Biên Hòa) có bố là bệnh nhân đột quỵ năm 2013 cho biết, trong một lần cha anh qua nhà bạn chơi thì ông bất ngờ bị đột quỵ. Gia đình không thể ngờ rằng đột quỵ có thể đến bất ngờ vậy. “Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó, mặc dù đã bảo toàn được tính mạng nhưng sau lần đột quỵ đó, cha tôi ngày càng yếu dần đi, sức khỏe không được bình thường như trước nữa, gia đình phải cắt cử một người nghỉ làm ở nhà để chăm sóc bố cho đến tận bây giờ.”, anh A. buồn bã nói. Còn chính anh T.A khi được hỏi về thừa cholesterol cũng bộc bạch: “Với một người trẻ như em thì hồi xưa khi nghe tới cholesterol chỉ nghĩ đến bệnh béo phì chứ chưa hề nghĩ tới việc thừa cholesterol sẽ dẫn tới đột quỵ”.

Kiểm soát tốt tình trạng thừa cholesterol giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ

TS.BS. Nguyễn Bá Thắng – Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM; Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết: “Khoảng 200.000 ca đột quỵ mới được ghi nhận mỗi năm. Ở các bệnh viện lớn, số ca đột quỵ tăng gấp 3-4 lần so với 5-10 năm trước đây. Đột quỵ không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong, bên cạnh đó đột quỵ là nguyên nhân gây ra tàn phế hàng đầu. Cụ thể, 50% người bệnh đột quỵ phải lệ thuộc vào người khác, không thể tự sinh hoạt được. 75% không thể trở về cuộc sống trước đây.

“Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Trong đó có nhiều yếu tố nguy cơ chúng ta vẫn có thể điều chỉnh được. Đặc biệt có một yếu tố nguy cơ chưa được quan tâm đúng mức, đó là thừa cholesterol”, TS. BS Nguyễn Bá Thắng chia sẻ.

Thừa cholesterol - Sát thủ thầm lặng làm tăng nguy cơ đột quỵ - 1

Tình trạng thừa cholesterol làm tăng nguy cơ đột quỵ

Theo đó, cholesterol vốn là thành phần thiết yếu trong cơ thể, nhưng tình trạng thừa cholesterol sẽ gây ra hiện tượng tích tụ, tạo ra các mảng xơ vữa, khiến mạch máu hẹp lại và cuối cùng dẫn đến tắc nghẽn từ đó gây thiếu máu não, dẫn đến đột quỵ. Các nghiên cứu thực tiễn đã cho thấy, 25% các ca đột quỵ liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cholesterol theo cơ chế này. Bên cạnh đó, thừa cholesterol cũng gián tiếp liên quan tới 50% các ca đột quỵ đối với các trường hợp tăng huyết áp, thoái hoá những mạch máu nhỏ. Tóm lại, có 75% các ca đột quỵ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thừa cholesterol. Tình trạng thừa cholesterol gia tăng, đồng nghĩa với việc nguy cơ đột quỵ theo đó cũng tăng”.Theo TS.BS. Bá Thắng: “Để phòng ngừa tình trạng thừa cholesterol chúng ta phải kiểm tra, tầm soát định kì thường xuyên tập thể dục thể thao và phải có được chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều cholesterol, đồng thời có thể bổ sung thêm những thực phẩm có khả năng giảm hấp thụ cholesterol trong thức ăn.”

Cùng phòng tránh tình trạng thừa cholesterol là cách thức làm giảm nguy cơ đột quỵ hiệu quả. “Đột quỵ - Hãy phòng để không phải trị” – TS.BS. Bá Thắng nhấn mạnh

T.H..
Nguồn: [Tên nguồn].

Tin bài cùng chủ đề Đột quỵ