Con trai lập tức nín thinh, tim tôi cũng đập thình thịch.
Không biết các gia đình khác thế nào, chứ cả tháng nay nhà tôi ai cũng mất ăn, mất ngủ, cứ như ngồi trên đống lửa vậy vì năm nay con trai thi vào lớp 10. Mấy năm gần đây, tôi thấy thi vào lớp 10 căng thẳng, áp lực quá, còn hơn cả thi đại học nữa.
Nhìn con miệt mài ôn thi tới quên ăn quên ngủ mà tôi xót vô cùng. Mấy ngày đưa con đi thi, đứng ngoài tôi cứ thấp thỏm mãi không yên.
Đến khi nghe tiếng trống và câu lệnh “đã hết giờ môn thi thứ 3” mà tôi như trút được quả tạ trong lòng. Bởi mấy hôm con thi, tôi luôn phải giấu cảm xúc sốt ruột, lo lắng trong lòng để con trai thi cử cũng bớt căng thẳng.
Nhưng khi thấy con bước ra từ cổng trường, tôi lại chẳng dám hỏi con làm bài thế nào vì trên mặt con hiện rõ nét buồn. Lúc đó, tôi chỉ biết ôm con động viên rồi chở con về nhà.
Mấy hôm con trai đi thi vào lớp 10, tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. (Ảnh minh họa)
Về đến nhà, chồng tôi liền sốt sắng hỏi, vì mấy ngày qua anh cũng chẳng dám hỏi vì sợ gây áp lực cho con.
- Con làm bài thế nào? Cả 3 môn đều tốt chứ?
Im lặng một lúc, con trai cúi gằm mặt lí nhí trả lời:
- Con… con xin lỗi bố mẹ. Con làm bố mẹ thất vọng rồi. Con không làm được bài.
Nói xong, con trai òa khóc nức nở. Có lẽ vì buồn bã, thất vọng vì không làm được bài, hoặc có lẽ khóc do sợ bị bố mắng. Tôi cũng sợ chồng mắng con, vì anh vốn khó tính, ngày thường rất nghiêm khắc với con. Thậm chí, nhiều lần bố mẹ chồng còn phải nhắc nhở anh không nên nghiêm khắc với con như vậy nhưng bao năm qua anh có thay đổi được đâu.
Lo chồng sẽ mắng con trai, tôi vội vàng đưa con về phòng nhưng bị anh quát:
- Định đi đâu, bố đã cho con về phòng chưa? Đàn ông con trai mà hở chút là khóc thế à? Lau nước mắt đi, ngồi xuống đây bố nói chuyện.
Con trai lập tức nín thinh, tim tôi cũng đập thình thịch vì lo chồng mắng con hoặc mắng vợ không biết dạy con, bao che cho con. Con gái của bạn tôi năm ngoái thi trượt lớp 10 trường công, khi đó cô ấy và con gái đã bị chồng mắng cho tơi bời, chẳng nhẽ năm nay lại đến lượt tôi?
Nghe tiếng quát của chồng, tim tôi đập thình thịch vì sợ chồng mắng con. (Ảnh minh họa)
Hai mẹ con khép nép ngồi xuống ghế nghe chồng nói. Sau một hồi trầm ngâm, anh dịu giọng nói với con trai:
- Bố biết con cũng rất buồn khi không làm được bài. Bố cũng biết con đã cố gắng hết mình rồi. Có thể con khó nói ra thành lời, khó tâm sự về những hụt hẫng ấy, nhưng con yên tâm, bố mẹ hiểu nỗi lòng đó. Bố mẹ, thầy cô, bạn bè vẫn ở đó, sẽ không ai quay lưng với con cả. Thi trượt cũng không sao, con hãy vui vẻ lên, nghĩ đến những trải nghiệm mới mẻ ở một ngôi trường khác đang chờ con. Biết đâu, sẽ có những thú vị bất ngờ chờ đón con để khám phá, biết đâu đó lại là ngôi trường thực sự phù hợp với khả năng của con thì sao?
Có một điều nữa bố muốn nói với con rằng, là đàn ông thì càng phải mạnh mẽ, đừng khóc chỉ vì một kỳ thi. Một kỳ thi không đủ để nói lên sự thắng hay bại của một đời người. Sau tất cả, quan trọng nhất là chúng ta biết đứng lên sau thất bại và không ngừng cố gắng học tập, phấn đấu cho tương lai. Đôi khi, thất bại cũng là một dạng của thành công. Dám đối diện với sự thật, dám đứng lên sau vấp ngã mới là đáng quý, có như vậy con mới trưởng thành được. Đừng để chúng níu chân, con à. Giờ thì con hãy về phòng nghỉ ngơi đi, ngủ một giấc thật ngon và đừng nghĩ ngợi gì về kỳ thi vừa rồi nữa.
Cả tôi và con trai đều sững sờ, thật không ngờ chồng lại nói được những lời sâu sắc như thế, những lời mà tôi chưa từng nghe trước đó. Đêm ấy khi chỉ còn hai vợ chồng, tôi tò mò hỏi anh lý do không trách mắng con trai. Anh ôm tôi vào lòng nói lời xin lỗi:
- Trước đây là anh sai, anh quá nóng tính. Anh cho rằng dạy con trai cần phải nghiêm khắc một chút. Nhưng khi thấy con trai khóc, khép nép sợ hãi anh mới chợt nhận ra mình đã sai, anh khiến con sợ thế nào. Còn về chuyện kỳ thi, cái gì đã diễn ra, có nghĩa là nó đã xong... Cả tháng nay con ôn thi thế nào không phải anh không thấy. Nhưng con sinh ra trên đời này là để sống. Không phải chỉ để thi.
Nếu con không đỗ vào trường công thì còn trường dân lập, trường nghề… nữa cơ mà. Trượt lớp 10 không phải là mất tất cả, còn kỳ thi vào đại học, tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ... đang chờ con ở phía trước. Mà kể cả con không đỗ đại học thì cũng chẳng sao, anh thấy con mình có năng khiếu thể dục thể thao, vợ chồng mình có thể hướng cho con theo hướng đó. Biết đâu sau này con trai mình lại trở thành vận động viên, cầu thủ nổi tiếng, báo đài, phóng viên đến nhà phỏng vấn ầm ầm ấy chứ.
Nói đến đây, chồng tôi cười “như được mùa”. Rồi hai vợ chồng ngồi ôm nhau, cùng nhau lên kế hoạch cho chuyến du lịch gia đình sắp tới.