Tôi đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với bố mẹ, nhưng không ngờ phản ứng của bố mẹ lại gay gắt hơn tôi tưởng tượng.
Đã kết hôn 10 năm rồi, nhưng đến nay chồng tôi vẫn chấp nhận làm một công việc nhàn nhã, kiếm được ít tiền. Anh luôn bằng lòng với hiện tại, bằng lòng với mức lương 12 triệu của mình.
Còn tôi, vì tính tình mạnh mẽ, luôn cố gắng vươn lên nên dù có chung xuất phát điểm với chồng thì hiện tại thu nhập mỗi tháng của tôi đã gấp 10 lần anh. Vì kiếm ra tiền nên mọi thứ trong gia đình từ mua nhà, mua xe, chi trả học phí và trang trải sinh hoạt trong nhà đều do tôi lo liệu.
Thời gian đầu, tôi có yêu cầu chồng đóng góp để xây dựng gia đình, nhưng anh luôn đưa tiền một cách miễn cưỡng. Tháng nào tôi nhắc thì anh đưa, tháng nào không thấy vợ nhắc nhở gì thì lờ đi luôn, một đồng cũng không đưa. Chán cảnh tháng nào cũng phải thúc giục chồng chuyện tiền nong, mà số tiền anh đưa chẳng bõ bèn gì so với chi tiêu trong nhà nên sau đó tôi bỏ qua luôn, không thèm nhắc chồng đưa tiền nữa.
Đáng nói, dù vợ đầu tắt mặt tối nhưng chồng lại đủng đỉnh, việc nhà cũng ỷ lại vợ. Tôi phải nhắc anh từ những việc nhỏ nhất như thay đồ ra phải treo lên móc, uống cafe xong hãy mang cốc đi rửa luôn, thấy nhà bẩn thì quét,… Nhưng nói mãi anh vẫn vậy, thậm chí còn trách ngược lại tôi là khó tính, nói nhiều khiến anh phát bực.
Con cái anh không quan tâm nhiều. Dù công việc rất nhàn nhã, đi làm 8 tiếng ở công ty là thôi, không phải ôm việc về nhà nhưng anh không bao giờ kèm con học hay dành chút thời gian chơi với con. Vì thế, tôi sống không khác gì mẹ đơn thân cả.
Chồng không chịu thay đổi và cố gắng khiến tôi chán nản. (Ảnh minh họa)
Dẫu vậy, chưa khi nào tôi dám thốt ra 2 từ ly hôn. Tôi cảm thấy người chồng mình chọn dù có tệ đến đâu cũng là lựa chọn của tôi. Tôi không nỡ để con cái lớn lên trong một mái nhà không trọn vẹn.
Nhưng thời gian trôi qua, sự vô tâm của chồng ngày càng lớn. Nhìn người chồng bất tài, kém cỏi của mình, tôi thực sự không muốn các con lớn lên cũng giống bố. Tôi không muốn chôn vùi những năm tháng còn lại của mình bên người chồng như vậy nên cuối cùng đã nói ra 2 từ ly hôn.
- Em nói cái gì vậy? Ly hôn? Em điên rồi à?
Chồng thảng thốt nhìn vợ khi nghe tôi đề nghị ly hôn. Hít một hơi thật sâu, tôi cố gắng khống chế cảm xúc của mình:
- Chúng ta đã trở thành vợ chồng trên danh nghĩa từ lâu rồi, anh biết mà. Trong lòng anh cũng hiểu, một mình em gánh vác cả gia đình, áp lực lớn như vậy khiến em không thể thở nổi. Còn anh, chưa bao giờ chia sẻ bất cứ điều gì với em, chưa làm được gì cho cái nhà này.
Sắc mặt chồng lập tức trở nên khó coi:
- Chỉ vì tôi kiếm được ít tiền hơn cô nên cô coi thường tôi, đòi ly hôn à?
Tôi lắc đầu:
- Không phải vấn đề tiền bạc, mà là thái độ của anh. Anh chưa bao giờ nghĩ đến việc thay đổi hiện trạng, thậm chí còn không muốn nỗ lực. Anh chuyển mọi trách nhiệm cho em, giờ em không thể sống như thế này nữa.
Không muốn cãi nhau với anh nữa, tôi để lại tờ đơn ly hôn đã ký sẵn trên bàn rồi thu dọn hành lý đưa con về nhà ngoại sống một thời gian.
Sau 10 năm kết hôn, tôi đã đề nghị ly hôn. (Ảnh minh họa)
Tôi đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với bố mẹ, nhưng không ngờ phản ứng của bố mẹ lại gay gắt hơn tôi tưởng tượng. Khi nói với bố mẹ về việc ly hôn, mẹ liền trách mắng tôi:
- Con thực sự đã ký đơn ly hôn? Tại sao con không thảo luận với bố mẹ? Con có bao giờ nghĩ, con bỏ chồng sẽ khiến bố mẹ mất mặt thế nào không?
Tôi hơi ngạc nhiên, không ngờ mẹ lại có thái độ này.
- Mẹ ơi, con đã quyết định rồi. Chẳng phải mẹ cũng hay nói rằng anh ấy không có tương lai sao?
Bố cũng mắng tôi, thậm chí dọa từ mặt nếu tôi ly hôn với chồng. Tôi thực sự bàng hoàng, không ngờ họ lại ép buộc tôi chấp nhận cuộc hôn nhân tồi tệ như thế để giữ thể diện của bản thân.
Nỗi đau và sự thất vọng trong lòng bỗng dâng lên trong lòng, nhưng tôi vẫn quyết tâm ly hôn bằng được.
Sau khi ly hôn, tôi bắt đầu cuộc sống mới. Tôi dành nhiều tâm huyết hơn cho công việc và con cái. Dù cuộc sống có đôi chút khó khăn nhưng tôi cảm thấy lấy lại sự tự do đã mất từ lâu. Tôi không còn hy sinh bản thân để làm hài lòng người khác nữa, và tôi đã học được cách tìm thấy hạnh phúc trong sự độc lập của mình.
Dù bố mẹ rất thất vọng với quyết định của tôi nhưng thời gian trôi qua, họ dần dần nhận ra sai lầm của mình và hiểu ra hạnh phúc của con gái quan trọng hơn nhiều so với cái gọi là “thể diện”.
Nửa năm sau ly hôn, bố mẹ đã liên lạc với tôi làm lành.
- Bố mẹ sai rồi, chỉ cần con sống tốt, con vui là được.
Nghe giọng nói nghẹn ngào của mẹ ở đầu bên kia điện thoại, nước mắt tôi lại rơi. Nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc.