Lần đầu được ăn bữa cơm chồng nấu, tuy không ngon nhưng vẫn khen tấm tắc và ủng hộ anh nấu nhiều bữa ngon như thế. Sau bữa ăn, anh đưa cho tôi cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu và thẻ lương bảo vợ giữ lấy.
Một năm trước, sau đám cưới, chồng nói ra câu lạnh lùng khó chịu làm tôi ghi nhớ cả đời không bao giờ quên:
“Vợ chồng mình cùng làm ra tiền, của ai người ấy giữ. Mỗi tháng anh sẽ góp một khoản để em chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Tiền mua nhà ai góp nhiều thì sẽ được sở hữu ngôi nhà nhiều và nếu có chia chác thì cứ theo tỉ lệ góp tiền mà chia”.
Lúc yêu, chồng hào phóng bao nhiêu thì khi lấy vợ rồi, anh lại keo kiệt bủn xỉn đáng sợ bấy nhiêu. Tôi rất ấm ức trong lòng nhưng vì sĩ diện của bản thân, tôi không muốn bị mang tiếng là người vợ tham tiền nên để mặc anh muốn làm gì thì làm.
Một năm qua, chúng tôi chưa có con cái gì, buổi sáng và trưa chồng tự túc trong việc ăn uống, mỗi buổi tối anh ăn ở nhà. Thế nên, mỗi tháng anh chỉ đưa cho tôi có 1 triệu tiền ăn. Còn tiền phòng điện nước thì mỗi người trả một tháng. Tiền đình đám chung thì chia đôi tiền, còn riêng thì của ai người ấy bỏ tiền túi.
Sự sòng phẳng quá mức trong chuyện chi tiêu làm tôi có cảm giác tình cảm vợ chồng rất xa cách và tính toán. Dù rất khó chịu trong lòng nhưng chưa bao giờ tôi nói ra cảm giác đó với chồng mà vẫn vui vẻ cười nói như không có chuyện gì xảy ra.
Tôi không muốn bị mang tiếng là người vợ tham tiền nên để mặc anh muốn làm gì thì làm. (Ảnh minh họa)
Một tháng trước, mẹ chồng tôi đổ bệnh nằm viện. Khi tôi vừa đến viện, bác sĩ nhắc nhở tôi đi nộp tiền viện phí. Trong suốt những ngày mẹ chồng nằm viện tôi nghỉ làm để chăm sóc bà. Toàn bộ tiền chữa trị cho bà hết hơn 30 triệu đều do tôi bỏ ra hết.
Khi xuất viện mẹ chồng nói sẽ bán vàng trả cho tôi nhưng tôi khéo léo bảo:
“Cả đời mẹ vất vả nuôi chồng con ăn học thành đạt, bây giờ mẹ về già kinh tế không có, bọn con bỏ chút tiền ra đóng viện phí có đáng là gì so với công lao của mẹ. Vì thế mẹ không phải nghĩ ngợi gì hết”.
Nghe tôi nói thế mẹ chồng nói lời cảm ơn chúng tôi. Khi đó chỉ có tôi ở cùng bà, còn chồng đi làm. Anh không biết chuyện tôi bỏ tiền trả viện phí cho mẹ anh ấy, còn mẹ lại cứ đinh ninh là những ngày nằm viện do con trai bà trả. Nhưng một người tính toán keo kiệt như anh làm sao dám chi một đồng vì ai, anh chỉ thích giữ tiền cho bản thân.
Ngày hôm kia, lúc tôi đi làm về, thấy chồng đang ở trong bếp nấu ăn. Đó là chuyện chưa từng xảy ra từ ngày cưới đến giờ. Anh luôn đi làm về muộn hơn vợ và chưa bao giờ phải nấu cơm bữa tối. Thậm chí những ngày nghỉ, tôi kéo chồng xuống bếp nấu ăn cùng thì anh nói đó là việc của vợ, anh không liên quan.
Nghe tôi nói thế mẹ chồng nói lời cảm ơn chúng tôi, khi đó chỉ có tôi ở cùng bà, còn chồng đi làm. (Ảnh minh họa)
Có lần tôi bị bệnh không nấu được cơm anh không chịu vào bếp mà ra quán mua vợ bát cháo, chồng tô phở ngồi ăn là xong bữa. Một lần khác, tôi bận việc nên phải đi ra ngoài và nhờ chồng rửa bát, nào ngờ anh mang mâm bát ra thùng rác giục để dằn mặt vợ.
Càng sống lâu, tôi mới biết ở anh có quá nhiều tật xấu nhưng tôi chỉ im lặng, không muốn tranh luận cho căng thẳng gia đình. Tôi tin rằng khi nào có con thì anh sẽ chín chắn và chăm chỉ hơn.
Lần đầu được ăn bữa cơm chồng nấu, tuy không ngon nhưng vẫn khen tấm tắc và ủng hộ anh nấu nhiều bữa ngon như thế. Sau bữa ăn, anh đưa cho tôi cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu và thẻ lương bảo vợ giữ lấy. Anh nói:
“Tuần trước qua thăm mẹ, anh rất ngạc nhiên khi bà cảm ơn anh về khoản tiền viện phí. Hỏi ra mới biết em đã bỏ tiền túi đóng cho mẹ, thế mà anh lại nghĩ bà bỏ tiền ra. Em là người vợ tốt, thế mà cả năm nay anh lại luôn đề phòng, không tin tưởng. Từ nay về sau em chính là thủ quỹ của gia đình, làm được đồng nào anh đưa cho em giữ tất”.
Tôi không ngờ sự đối đãi tốt với mẹ chồng lại thu phục được lòng tin của chồng. Có lẽ đây là những ngày hạnh phúc nhất đối với tôi từ khi lập gia đình.