Chồng tôi có một người em trai, vì học lực không tốt nên em đã không học lên đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3.
Tôi và chồng là bạn học đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh nói muốn lập nghiệp trước rồi mới lập gia đình. Tôi cũng muốn đi làm một thời gian mới cưới nên hai đứa đành tạm hoãn chuyện cưới xin lại.
Thời gian đó, anh vừa đi làm thuê vừa nung nấu ý định kinh doanh và được gia đình cấp cho số vốn khởi nghiệp là 70 triệu đồng. Anh bắt đầu mua hàng và mở cửa hàng trực tuyến của riêng mình. Thời gian ban đầu, hàng bán đi rất chậm nhưng sau khi tích lũy được kinh nghiệm, công việc kinh doanh ngày càng tốt hơn.
Khi tích cóp được khoảng 400 triệu, anh mới dám ngỏ lời cầu hôn tôi. Và dĩ nhiên, tôi đồng ý, bởi tôi đã chờ đợi điều này lâu lắm rồi.
Mặc dù gia đình anh nghèo nhưng bố mẹ tôi rất ngưỡng mộ ý chí cầu tiến, không ngừng vươn lên của anh nên không phản đối mối hôn sự này. Sau khi cưới, bố mẹ tôi cũng hỗ trợ thêm một ít để hai vợ chồng mua nhà, an cư lạc nghiệp. Nhờ đó, cuộc sống sau khi kết hôn của chúng tôi cũng đỡ áp lực phần nào.
Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi quyết định gây dựng sự nghiệp trước rồi mới cưới. (Ảnh minh họa)
Chồng tôi có một người em trai, vì học lực không tốt nên em đã không học lên đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3. Thay vào đó em đi làm thuê kiếm tiền và giúp gia đình làm ruộng mỗi khi đến mùa gặt hái, cày cấy. Em kém chồng tôi 2 tuổi và hiện vẫn chưa kết hôn.
Cửa hàng của chúng tôi ngày càng phát triển và cần nhân công đóng gói, vận chuyển hàng hóa. Vì thế, bố mẹ chồng nhờ chúng tôi lo cho em một công việc và hai vợ chồng đã đồng ý. Mỗi tháng chúng tôi trả cho em 10 triệu.
Mấy ngày nay chỗ tôi mưa lũ, ngập úng nặng nên hàng hóa không thể vận chuyển, vì thế chúng tôi đành tạm nghỉ một thời gian. Tình cờ lại là sinh nhật của bố chồng nên chúng tôi đã cùng em trai về quê chúc mừng sinh nhật bố.
Tôi và chồng đã bàn trước về việc tặng bố mẹ chồng một phong bì lớn trị giá 30 triệu đồng. Bởi nếu không có sự hỗ trợ của bố mẹ, công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ không suôn sẻ như vậy. Khi đưa tiền cho bố chồng, bố vui vẻ nhận lấy.
Nhân dịp sinh nhật bố chồng, vợ chồng tôi đã hiếu kính bố mẹ 30 triệu và về quê ăn cơm cùng ông bà. (Ảnh minh họa)
Hôm sau về nhà, sắp tới giờ ăn em trai chồng còn đi ra ngoài. Tôi thấy lạ nên hỏi, em cũng thật thà trả lời:
- Em tranh thủ ra ngân hàng ạ. Bố mẹ mới đưa em 30 triệu nên em phải ra ngân hàng gửi vào tài khoản tiết kiệm.
Vừa nói em vừa đưa phong bì tiền bố mẹ đưa ra cho tôi xem. Đúng là bọc tiền chúng tôi mới biếu bố mẹ chồng.
Biết bố mẹ chồng lấy tiền vợ chồng tôi hiếu kính cho em trai, tôi rất tức giận. Tôi bức xúc kể với chồng, anh bình tĩnh trả lời:
- Anh có được như ngày hôm nay một phần là nhờ em trai đấy. Ngày trước anh được đi học đại học là nhờ gia đình chu cấp. Ngày anh khởi nghiệp, em trai cũng góp một phần tiền, vì gia đình anh nghèo, bố mẹ lấy đâu ra từng đó tiền cho anh.
Hơn nữa, tiền chúng ta cho bố mẹ rồi, bố mẹ sử dụng thế nào, cho ai là quyền của bố mẹ mà. Em trai bây giờ không còn trẻ nữa, cũng phải tiết kiệm, dành dùm để cưới vợ. Bố mẹ anh chỉ có 2 người con, anh tạm ổn định rồi thì phải lo cho em trai cũng là điều dễ hiểu mà.
Nghe những lời chồng nói, tôi cúi gằm mặt vì xấu hổ. Tôi thấy mình quá hẹp hòi khi nghĩ bố mẹ thiên vị. Mà chắc là bố mẹ nào cũng thế, luôn lo nghĩ cho con cái. Trước bố mẹ dốc hết tiền lo cho chồng tôi ăn học, làm ăn kinh doanh, giờ đến lượt em trai chồng, âu cũng là điều dễ hiểu.