Theo dòng lịch sử, chiếc cà-vạt ngày nay đã có nhiều biến đổi để phù hợp với phong cách thời trang hiện đại.
Không đơn tuần là một mảnh vải điểm xuyến quanh cổ, một chiếc cà-vạt tốt sẽ nói lên đẳng cấp, tô điểm vẻ đẹp bên ngoài và nâng cao sự tự tin cho đấng mày râu. Chính vì vậy, cà-vạt trở thành phụ kiện không thể thiếu đối với thời trang nam giới ở bất kỳ đối tượng nào. Chỉ cần đống bộ set thời trang truyền thống: sơ mi, quần âu và cà-vạt đủ tôn lên vẻ chỉnh chu, sang trọng và lịch sự trong những dịp đặc biệt.
Cà-vạt chính là “dải nút thắt” tạo điểm nhấn nổi bật, thể hiện xì-tai rất riêng và trở thành vật bất ly thân cho quý ông trên toàn cầu. Vì đơn giản, nó thể hiện phép lịch sự tối thiểu trong buổi tiệc tùng hay lễ nghi.
Đừng nghĩ đây là “dải nút thắt” đơn giản. Sự thật, nam giới rất chú trọng đến chiếc cà-vạt, nhìn vào đó có thể đánh giá được đẳng cấp của họ. Vì vậy, một chiếc cà-vạt không chỉ được chăm chút cầu kỳ từng đường may, mũi chỉ, chất liệu của nó. Mà cái “hồn” tinh tế nằm trong chính cách thắt cà-vạt của chủ nhân đang diện nó.
Cà-vạt bắt nguồn từ đâu?
Câu hỏi này đã tạo ra những cuộc tranh cãi bất tận trong làng thời trang. Những luận cứ được các quốc gia đưa ra nhằm khẳng định đất nước mình là nơi khơi nguồn cho “dải nút thắt” diệu kỳ này. Các nhà khảo cổ học, các nhà sử học, các nhà nhân chủng học cũng đã vào cuộc và đưa ra những giả thiết hết sức thú vị về lịch sử của chiếc cà vạt, một lịch sử từ rất xa xưa, để chúng ta cùng lội ngược dòng thời gian tìm hiểu đôi chút về nó.
Những giả thiết đã được đưa ra: “Croatia là quê hương của những chiếc cà-vạt? Nó khởi nguồn từ La Mã hay Trung Hoa lục địa? Hay cà-vạt đến từ các nước Phương Tây?...”
Theo các nhà sử học, cà vạt xuất hiện sớm nhất tại Ai Cập. Nó được biến thể từ những vòng đeo cổ bằng đá quý hay vò sò, vỏ ốc của người dân Ai Cập. Đây là một phần không thể thiếu trong trang phục của quý ông xứ kim tự tháp vì nó thể hiện địa vị xã hội của họ.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng cà-vạt có xuất xứ từ La Mã, bắt nguồn từ những chiếc khăn quấn cho ấm cổ của đội quân La Mã. Trong các tác phẩm nghệ thuật từ thời Hoàng đế La Mã (năm 113 sau Công nguyên), nam giới đều thắt những chiếc cà-vạt giống với chiếc cà-vạt hiện nay.
Tuy nhiên, đến năm 1974, khi ngôi mộ vị hoàng đế đầu tiên tại Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng được khai quật, người ta phát hiện ra rằng khoảng 7.500 tượng binh lính bằng đất nung được dựng quanh lăng mộ đều được quàng quanh cổ một khăn lụa có thắt nơ. Những pho tượng này có niên đại khoảng năm 221 trước Công nguyên. Và giới sử gia Trung Quốc đã rất hào hứng khi lật ngược lại vấn đề là: Phải chăng Trung Quốc mới đích thực là quê hương của cà vạt?
Thế nhưng, thời Phục Hưng được xem như giai đoạn khai sinh cho chiếc cà-vạt hiện đại, trong khuôn khổ tôn vinh nét vẻ bề ngoài quá mức để biểu thị giàu sang. Sự bành trướng bùng nổ thật sự ở châu Âu vào thế kỷ thứ 17 và tạo cơn sốt khi vua Louis XIV (Pháp) chú ý đến các chiếc khăn bắt mắt mà những người lính Croatia quấn quanh cổ. Do đó, trong suốt giai đoạn trị vì của vị vua này, chiếc khăn của binh sĩ Croatia đã được chấp nhận ở Pháp và tạo thành một trào lưu đeo cà-vạt ở nước này. Cũng từ đó, cà-vạt - tên gọi cho chiếc khăn quấn quanh cổ ra đời. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tiếng Pháp "cravatte" (khăn, cà vạt) bắt nguồn từ "croatta" trong tiếng Croatia.
Nhiều người cho rằng: “600 triệu người ngày nay đeo biểu tượng của người Croatia vòng quanh cổ và gần với trái tim.”. Đây chính là hình ảnh của người Croatia ngày xưa.
Vào thế kỷ 19, cà-vạt có kiểu dáng giản đơn và thông dụng hơn. Từ năm 1890 - 1900, xuất hiện loại cà vạt có các đường sọc trắng, xanh da trời, đỏ, vàng và xanh lá cây trên nền đen. Sau Thế chiến thứ nhất, nền đen được thay thế bằng các gam màu sống động hơn.
Đến thế chiến thứ hai chất liệu để may cà vạt được đổi mới hơn. Lụa truyền thống được thay thế bằng lụa nhân tạo. Ngay cả kích cỡ cũng được thiết kế nhỏ gọn phù hợp với từng đối tượng và kỹ thuật in ấn đặc biệt được áp dụng trên cà vạt.
Sự khởi nguồn của chiếc cà-vạt vẫn tiếp tục gây tranh cãi, nhưng chúng ta không thể phủ nhận hành trình chinh phục thế giới của chiếc khăn kỳ diệu này. Đến năm 1924, qua rất nhiều biến tấu thú vị khác nhau từ các quốc gia trên thế giới, chiếc cà-vạt 3 mảnh của nhà thiết kế người Mỹ, ông Jesse Langsdort được xem là khởi nguồn của mẫu cà-vạt ngày nay. Mẫu thiết kế của ông nhanh chóng lan rộng trên khắp thế giới và người ta đã dùng loại cà-vạt 3 mảnh thay cho cà-vạt một mảnh truyền thống.
Xưa và nay, cà-vạt luôn là biểu trưng cho sở thích cá nhân cũng như địa vị xã hội của người đeo nó thông qua các kiểu dáng và kiểu thắt nút khác nhau. Tuy nhiên, qua sự sàng lọc của thời gian, chỉ còn những chiếc cà-vạt phù hợp nhất với y phục tồn tại được, còn những cái khác rơi ngay vào quên lãng.
Cà-vạt điểm nhấn hiện đại!
Cà-vạt là một phụ kiện quan trọng dành cho những người đàn ông lịch lãm. Thậm chí, với một số người, đây còn là vật dụng phải đeo hàng ngày đến công sở.
Cà-vạt từ lâu đã là phụ kiện không thể thiếu của cánh mày râu. Đầu những năm 1960, từ các chính khách nhà Kennedys, đến nhạc sĩ Miles Davis, nhóm diễn viên The Rat Pack, diễn viên tài ba Gregory Peck, và nhóm nhạc huyền thoại The Beatles đều chọn cho mình những bộ vest phong cách và tạo điểm nhấn sang trọng lịch lãm từ chiếc cà-vạt
Trong thập niên 70, cà-vạt tiếp tục là bạn đồng hành của các nam nhân. “Bố già” Al Pacino, Robert Redford, nhà sản xuất âm nhạc David Bowie cũng diện cà-vạt.
Cà vạt qua các thời đại: Ludwig van Beethoven (tranh Joseph K. Stieler), Robert de Montesquiou (tranh Giovanni Boldini) và trong trang phục ngày nay.
Ngày nay sự kết hợp truyền thống giữa cà-vạt, sơ mi và quần âu đã được biến tấu đôi nét. Chúng ta cũng không còn ngạc nhiên khi phái mạnh kết hợp cà-vạt với áo thô, áo phông và quần jeans. Sự phá cách này làm cho bộ trang phục trở nên lạ mắt, phong cách và bụi bặm hơn.
Quy tắc kết hợp căn bản nhất giữa cà-vạt với áo sơ mi là tông màu áo phải luôn nhạt hơn tông màu cà-vạt và không bao giờ mang cà vạt đối chọi với màu áo. Hơn nữa, để duy trì hình dáng và độ sắc nét của cà-vạt, phải cho chúng có thời gian nghỉ ngơi. Vì thế, thay đổi cà-vạt hàng ngày để làm mới hình ảnh cho mình, và giữ mới cho cà-vạt.
Giờ đây, chiếc cà-vạt đi khắp thế giới cùng sơmi, quần âu hay vest và trở thành một biểu tượng cho những trang trọng hay vẻ lịch lãm của nam giới. Ngày nay, khi xu hướng thời trang nữ có mạnh mẽ, năng động và nam tính hơn, thì cà-vạt không còn của riêng phái mạnh mà trở thành một phụ kiện phá cách độc đáo cho phái nữ. Thử phối một chiếc cà vạt để tạo nên một phong cách cá tính rất riêng của bạn nhé!
Showbiz Việt ngày nay, các mỹ nhân cũng đang a-lê-kết chiếc cà-vạt. Trà My & Ngô Thanh Vân cá tính khi diện phụ kiện này.
Chung Thục Quyên, Thu Minh & Hà Hồ ấn tượng với sơ mi trắng và cà vạt đen.
Thanh Hằng, Thúy Vinh & Phương Uyên mỗi người một vẻ khi diện cà vạt.
Dù bắt nguồn từ đâu, nhưng ngày nay chiếc cà-vạt đã đóng một vị trí nhất định và khá quan trọng trong thời trang cho cả hai phái. Vậy tại sao không chọn ngay cho mình một chiếc cà-vạt để tôn lên nét đẹp cá tính và mạnh mẽ của bạn trong những ngày Tết sắp đến chứ!