Những thông tin hậu trường rất ít ai biết về một show diễn thuộc khuôn khổ tuần lễ thời trang.
1. Các nhà thiết kế phải trả catse dự show diễn cho người nổi tiếng
Người nổi tiếng thường đi cùng với giới truyền thông, chính vì thế, các thương hiệu tìm cách "lôi kéo" sự quan tâm của báo chí bằng cách mời một số ngôi sao tới xem show thời trang của mình. Và tất nhiên, họ phải trả một khoản tiền không nhỏ cho ngôi sao. Mời ngôi sao càng nổi tiếng thì thương hiệu càng phải trả một số tiền rất lớn cho họ.
2. Người mẫu trình diễn miễn phí
Các người mẫu trẻ thường tìm kiếm cơ hội trình diễn cho các thương hiệu ít tiếng tăm hoặc các nhà thiết kế mới nổi mà chấp nhận không được trả bất kỳ món catse nào. Đây là cách họ tìm kinh nghiệm cho bản thân, tạo tiền đề cho việc phát triển trình độ, chuyên môn sau này.
3. Các biên tập viên thời trang thường mượn đồ khi xem show
Hầu hết các biên tập viên thời trang không có nhiều tiền để chi cho những món hàng hiệu đắt đỏ, trừ khi họ xuất thân từ gia đình giàu có. Vì thế, để có một diện mạo ấn tượng nhất xuất hiện tại một show diễn chuyên nghiệp, các biên tập viên thường ngỏ ý mượn đồ từ các nhãn hàng. Và sau đó tự tin khoe phong cách ấn tượng trên đường phố, khiến các tay máy nhiếp ảnh đường phố phải xôn xao.
4. Đi xem show chỉ để khoe phong cách
Không cần dự khán mà các biên tập viên thời trang vẫn có thể ngắm nhìn các thiết kế trên trang web online của thương hiệu và sau mỗi show diễn, họ còn có cơ hội vào tận showroom của nhà thiết kế để "tận mục sở thị" bộ sưu tập. Chính vì thế, việc tham dự show diễn chỉ đơn giản là để khoe phong cách đẹp mắt trước giới truyền thông, được chụp những tấm hình đẹp và để khoe hình ảnh trên các trang mạng xã hội.
5. Vị trí ngồi thể hiện quyền lực
Uy tín và vị thế của một vị khán giả được thể hiện ở vị trí mà họ ngồi, đó là vị trí front-row (hàng ghế trước) và phần cuối đường băng. Tại Tuần lễ thời trang New York, vị trí front row và cuối đường băng thường được dành cho những nhân vật đến từ tạp chí Vogue, đặc biệt là Tổng biên tập Anna Wintour.
Các giám đốc thời trang và tổng biên tập thường được sắp xếp ngồi ở vị trí front row cùng với những người nổi tiếng, nhân vật quyền lực trong xã hội và khách hàng VIP. Các biên tập viên thời trang, blogger thời trang thường ngồi ở những hàng ghế còn lại.
Các vị khách mời nhận thức rất rõ quyền lực của mình và nếu như bị sắp xếp một vị trí ngồi không phù hợp với đẳng cấp của mình, ngay lập tức họ sẽ phản ánh với đại diện thương hiệu để có được chỗ ngồi mong muốn. Khi gửi thư mời, nhãn hàng sẽ ghi chú thêm vị trí mà vị khách sẽ ngồi khi tham dự show, nếu như không hài lòng với vị trí này, vị khách đó có thể từ chối tham dự.
6. Show diễn luôn bắt đầu khá muộn
Các show diễn thời trang luôn bắt đầu muộn so với dự kiến 15 phút và kết thúc muộn hơn 30 phút. Lý do chính là vì đôi khi nhà thiết kế phải chờ một vài nhân vật quan trọng xuất hiện rồi mới cho bắt đầu chương trình. Đôi khi lại do người mẫu vẫn chưa chuẩn bị xong các trang phục hay các thiết kế vẫn chưa được may xong. (Hầu hết đến lúc gần diễn ra show, các nhà thiết kế mới cho may chốt sản phẩm). Marc Jacobs và Oscar de la Renta là 2 trong số thương hiệu hiếm hoi luôn đúng giờ giấc nhất.
7. Rượu miễn phí ở khắp mọi nơi
Các nhãn hàng thường sắp xếp một bữa tiệc nhỏ để các vị khách mời thư giãn ở giữa chương trình. Bữa tiệc này được chuẩn bị đầy những chai rượu hảo hạng, kém một ít thức ăn hoàn toàn miễn phí. Rượu vang là thứ không thể thiếu tại các show diễn thời trang và người ta vẫn thường nói đùa rằng, bạn có thể bị say "chỏng vó" nếu như uống quá đà khi tham dự bữa tiệc mini giữa show.
8. Thiết kế trình diễn không hoàn toàn giống với những gì bày bán tại cửa hàng
Các cửa hàng thời trang có thể yêu cầu nhãn hàng thay đổi các thiết kế để giúp chúng có tính ứng dụng cao hơn nhằm thu hút khách hàng tìm mua nhiều hơn. Họ có thể yêu cầu thay đổi màu sắc, thêm thắt một số chi tiết như khóa kéo hay cúc áo.... Đó là lý do mà có một số thiết kế được bày bán tại các cửa hàng thời trang không giống với phiên bản trình diễn trên sàn catwalk.