Ngoài những khó khăn về chi phí sinh hoạt, nạn kỳ thị, phân biệt... thì người mẫu Việt phải đối mặt với nhiều "chiêu trò" từ đồng nghiệp theo kiểu kèn cựa.
"Tất cả không như mơ” là những gì người trong cuộc phải thốt lên khi “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” tại những sàn diễn thời trang gắn mác quốc tế. Việc di chuyển với cường độ liên tục để tìm kiếm cơ hội luôn là điều các mẫu Việt cảm thấy vất vả. Chuyện mỗi ngày đi casting ở 5-7 show là chuyện quá bình thường với các người mẫu. Hoặc thử thách đi bộ với những chặng đường dài là một trong những bài “test” mà các người mẫu bắt buộc phải trải qua.
Việc tìm kiếm cơ hội ở thị trường thời trang quốc tế chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Hoàng Thùy từng thổ lộ, có hôm cô đã bật khóc trên đường vì lạnh quá mà phải đi đến nhiều điểm casting hay Kha Mỹ Vân đã bị tướt đến rỉ máu vì đi bộ quá nhiều trên đôi giày cao gót. Còn Trà My, Top 4 Việt Nam’s Next Top Model 2013 chia sẻ về thời gian làm việc với cường độ cao tại Milan: “Tôi ở Milan vào mùa đông , có một buổi chụp hình mà tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để leo lên trực thăng bay lên…đỉnh núi băng để chụp cho bộ sưu tập…Xuân - Hè. Mặc váy mỏng manh, tôi phải đi chân đất, không được đi giày trong suốt khoảng thời gian chụp từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới được nghỉ. Đừng nghĩ người mẫu là chỉ đi õng ẹo trên giày cao gót, họ cần phải có thể lực khủng khiếp thì mới đáp ứng được yêu cầu làm việc tại nước ngoài”.
Tuyết Lan là một trong những người mẫu khẳng định được tên tuổi trên sàn diễn thời trang quốc tế.
Như người mẫu Tuyết Lan, người có khá nhiều năm chinh chiến ở thị trường thời trang quốc tế cũng xót xa thú nhận rằng: “Để được diễn ở thị trường thời trang quốc tế, để đạt yêu cầu chuẩn mẫu ngày tôi chỉ dám ăn 1 bữa, hầu hết chỉ uống nước và cà phê để cơ thể không tăng cân. Nhịn ăn, thời tiết New York lại khắc nghiệt nên tôi ngất xỉu nhiều lần, không có sức mà làm nữa”.
Một vấn đề khó khăn nữa mà mẫu Việt gặp phải khi sang thử sức ở thị trường thời trang thế giới đó chính là tài chính. Yêu cầu công việc cao, cường độ làm việc kinh khủng nhưng thu nhập lại không hề tỷ lệ thuận nên việc trang trải cho đi lại, ăn ở cũng khiến các người mẫu chật vật.
Kha Mỹ Vân từng xuất hiện trên tạp chí Vogue (Ý) với các bạn diễn quốc tế.
Chi phí cuộc sống đắt đỏ, lạ lẫm ở những kinh đô thời trang cũng buộc người mẫu Việt phải tham gia casting liên tục để có những show diễn đủ trang trải cho sinh hoạt. Trang Khiếu, nổi tiếng là một người mẫu đi lên từ con số 0, sau thời gian tìm chỗ đứng của mình ở thị trường thời trang trong nước đã xuất ngoại để trải nghiệm giới hạn của bản thân mà không cần đơn vị quản lý hỗ trợ. Cô đã có những ngày tháng vất vả lăn lội ở nước ngoài, hành trang chỉ gồm chút ngoại ngữ ít ỏi và kinh nghiệm trình diễn catwalk. Nhưng ra “biển lớn” Trang Khiếu vẫn không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp. Để có được chi phí trang trải cho cuộc sống ở Mỹ, cô đã không ngại ngần dự đến 50 buổi casting để có được 5 show diễn trong Tuần lễ Thời trang New York 2012.
“Sau khi đáp chuyến bay đến New York một mình tôi loay hoay đánh vật giữa biển người với đống vali, mình đón taxi về thẳng nhà trọ ngủ một giấc dài trong cô đơn, mệt lả”- Mâu Thủy. Chưa kể, cường độ làm việc nhiều nhưng thù lao và thu nhập lại không đủ để trang trải cuộc sống. Họ thường chọn những căn hộ tập thểm ở chung để hỗ trợ nhau chi phí, sau khi trút bỏ những bộ xiêm y lộng lẫy hàng chục nghìn USD trên sàn diễn, họ lại tất bật quay về thế giới ổ chuột, nhà trọ tạm bợ của mình.
Mâu Thủy trên sàn diễn thời trang quốc tế.
Ngoài việc đối mặt với điều kiện sinh hoạt cực khổ, lịch làm việc dày đặc, yếu tố thời tiết, sức khỏe…thì việc người mẫu ngoại thường xuyên bị những cám dỗ bủa vây là bình thường. “Lạ nước, lạ cái” nên việc bị cạnh tranh của người mẫu trong các buổi casting, những cám dỗ khó lòng từ chối, bê bối mang tên "Model party" hay nạn kỳ thị, kéo bè kéo cánh…
Nhìn trên sàn diễn, bạn có thể thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các người mẫu nhưng sau cánh gà là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Những người mẫu bản địa hay những người mẫu đến từ các quốc gia lớn về thời trang như Trung Quốc, Hàn Quốc luôn được ưu ái hơn cả. Chính vì thế, kèn cựa, cô lập hay “ma cũ bắt nạt ma mới” là điều thường xuyên thấy sau cánh gà. Thậm chí, một người mẫu từng bật mí: việc họ “chơi khăm” nhau là điều bình thường. Từ những việc nhỏ nhặt như giấu đồ áo, đồ trang điểm hay làm chậm trễ giờ giấc của đồng nghiệp luôn khiến những người mẫu Việt phải cảnh giác.
Một điều khiến các mẫu Việt khá khổ tâm đó chính là nạn kỳ thị. Vì lịch sử thời trang Việt Nam còn non trẻ nên đứng bên cạnh những cái tên lớn, chúng ta hoàn toàn lép vế. Không những thế, kinh nghiệm của người mẫu Việt thường không nhiều, khả năng chịu áp lực kém nên các nhà mốt luôn cân nhắc quyết định có nên “chọn mặt gửi vàng” hay không?
Việc người mẫu Việt ra thị trường thế giới không thật sự trải đầy hoa hồng như nhiều người vẫn ảo vọng. Đó là một thế giới khốc liệt, mà muốn tồn tại thì nhất định phải có kinh nghiệm và bản lĩnh, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt.