Ngày 29/8, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2017 tăng 0,92% so với tháng trước. Trong đó, nguyên nhân tăng CPI chủ yếu do giá thịt lợn tăng trở lại.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, chỉ số CPI tháng 8 năm 2017 có mức tăng khá cao do chỉ số giá nhóm thực phẩm tiếp tục tăng cao do giá thịt lợn tăng với mức tăng khá cao. Bình quân giá thịt lợn tăng 5,72% so với tháng trước khiên giá các loại thực phẩm chế biến từ thịt cũng tăng theo.
Hiện, bình quân giá thịt lợn bán lẻ tăng 10.000-15.000đ/kg. Mức giá bán lẻ hiện tại đã gần trở về mặt bằng giá thời điểm cuối năm trước, cụ thể: Giá thịt mông sấn hiện từ 75.000đ/kg - 85.000đ/kg; nạc thăn từ 75.000đ/kg - 90.000đ/kg; sườn lợn từ 85.000 - 95.000đ/kg. Theo đó, giá thịt chế biến tăng 0,9%; dầu mỡ ăn tăng 0,85/%; thủy sản tươi sống tăng 0,44% do ảnh hưởng mưa bão; giá trứng các loại tăng 2,59% do nhu cầu nguyên liệu tăng để chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Rằm Trung thu.
Giá thịt lợn tăng khiến CPI tăng 0,92%. ảnh minh hoạ internet
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét làm cho giá rau xanh tăng 3,89% so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,64% góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,37%.
Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù, giá thực phẩm tăng cao nhưng giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình ổn định và giảm nhẹ do trong tháng không có ngày lễ hội nên nhu cầu các mặt hàng này không tăng.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá: thuốc và dịch vụ y tế là nhóm tăng cao nhất 2,86%; tiếp đến là giao thông tăng 2,13%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93%; giáo dục tăng 0,57%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,09%... Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Nhóm dịch vụ y tế có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tăng theo các quyết định của Ủy ban nhân dân của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế, nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,72% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,14%.
Đối với chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,27%, chủ yếu tăng ở mặt hàng sắt thép do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện cực chì tăng mạnh từ tháng 7 nên các nhà máy sản xuất thép đã tăng giá bán từ 5%-10%.
Bên cạnh đó, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 4/8/2017 và ngày 19/8/2017, giá xăng tăng 1110đ/lít, giá dầu diezen tăng 470đ/lít làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,13% góp phần tăng CPI tháng 8 khoảng 0,2%. Từ ngày 1/8/2017 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 27.000đ/bình 12 kg, tăng 8,91% so với tháng 7/2017, do giá gas thế giới tăng 85USD/tấn lên mức 440 USD/tấn.
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2017, Tổng cục Thống kê dự báo sẽ tăng so với tháng trước. Yếu tố giúp CPI tăng là giá thịt lợn, giá rau xanh, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế; học phí các cấp học từ mầm non đến đại học tăng; nhu cầu về sách vở và đồ dùng học tập tăng; giá dịch vụ tăng do ảnh hưởng kỳ nghỉ lễ 2/9. Tuy nhiên, cũng sẽ có yếu tố giúp CPI giảm là do giá vật liệu xây dựng có thể giảm do nhu cầu giảm cùng với giá cát giảm...