Ngày 2/8, trên nhiều trang mạng lan truyền thông tin về việc cơ quan chức năng bắt quả tang một số cơ sở đang bơm tạp chất vào tôm, khiến người dân bất bình. Tại nhiều cửa hàng bán tôm tại các chợ trên địa bàn Hà Nội lập tức xảy ra tình trạng tiêu thụ tôm chậm.
Hàng loạt vụ bơm tạp chất vào tôm
Theo đó, vào khoảng 4h 30 phút ngày 2/8, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an bắt quả tang tại cơ sở kinh doanh Lê Quang Long (nằm ngoài chợ đầu mối phía Nam, đường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) có 2 người đang bơm tạp chất arga (thạch rau câu) còn nóng vào 8kg tôm nguyên liệu.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng còn phát hiện một lượng lớn thạch chứa trong nồi kim loại, bơm kim tiêm y tế dùng để bơm tạp chất vào tôm cùng khoảng 10kg tôm đang chờ để bơm. Khi bị bắt, chủ cơ sở này đã thừa nhận thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm. Đặc biệt là theo thông tin từ lực lượng chức năng cũng như khai nhận của chủ cơ sở thì chủ cơ sở này đã tiến hành bơm hóa chất vào tôm suốt 3 - 4 tháng nay.
Cùng ngày, tại đầu chợ mối phía Nam, đoàn kiểm tra cũng phát hiện chủ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hải đang bán 12 kg tôm bơm tạp chất. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong và tạm giữ tang vật để xem xét xử lý theo quy định.
Một số cửa hàng tôm vắng khách trước thông tin tôm bị bơm tạp chất. ảnh:T.G
Trước đó, vào ngày 24/7, lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng đã bất ngờ kiểm tra phát hiện cơ sở ông Nguyễn Văn Khởi (ngụ ấp 8, xã Tân Thạnh, TX.Giá Rai) đang tổ chức cho nhiều công nhân bơm tạp chất vào gần 300 kg tôm nguyên liệu, trong đó đã bơm xong cho 114 kg tôm. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện và bắt quả tang hàng chục vụ bơm, vận chuyển, mua bán, sản xuất và chế biến tôm tạp chất, với số lượng hàng trăm kg.
Theo ông Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) thì người bán có thể bơm vào tôm một số chất chiết xuất từ rong biển và một số tạp chất khác tạo thành chất không màu, không mùi và không vị, có tính kết dính cao. Những chất trên khi được bơm vào tôm không gây hại cho người sử dụng(?). Nhưng khi tôm bị tiêm những chất này lại tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây hại cho đường tiêu hóa phát triển. Trong khi đó, việc bơm tạp chất chỉ có thể thực hiện được với tôm đông lạnh. Do vậy, ông Thịnh khuyến cáo các bà nội trợ nên chọn tôm tươi, đang bơi trong nước để sử dụng hoặc chọn mua tôm ở địa chỉ uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng dè chừng với tôm
Hàng loạt vụ tôm bơm tạp chất trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng trở nên hoang mang khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Bà Nguyễn Thị Bình, ngõ 329 phố Cầu Giấy chia sẻ: “Việc liên tục phát hiện, bắt giữ cơ sở chế biến thực phẩm bẩn khiến tôi thấy sợ. Vì tôi có trọng trách là đi mua thực phẩm mỗi ngày cho gia đình. Tôm là món khoái khẩu của các cháu nhiều hôm tham rẻ tôi cũng đã mua tôm đông lạnh không biết có bị vướng phải tôm bơm tạp chất không, nghĩ lại thấy sợ. Khi vào mạng đọc thấy chuyên gia phân tích là tôm, cá bơm tạp chất dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển, dễ gây nên các chứng bệnh nguy hại cho hệ tiêu hóa, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ… mà thấy sợ”.
Chị Nguyễn Thu Thủy (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) thì than phiền: “Hết gà bị tẩm hóa chất, trâu bò điên, thịt lợn dùng thuốc tăng trọng nay lại đến tôm bơm tạp chất. Chắc có khi tôi phải lên rừng sống cuộc sống săn bắn hái lượm cho an toàn mất”.
Cùng chung cảnh ngộ như nhiều bà nội trợ khác, chị Nguyễn Thục Quyên (quận Nam Từ Liêm) cũng đắn đo khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn: “Nghe thấy thông tin vậy tôi cũng cảm thấy lo lắng, không dám mua tôm ăn nữa. Nhưng giờ lượn quanh chợ mà không biết nên mua món gì, ăn món gì cũng thấy lo”.
Thông tin hàng loạt vụ tôm bơm tạp chất bị cơ quan chức năng phát hiện cũng khiến cho những cửa hàng bán tôm tại các chợ trên địa bàn Hà Nội trở nên ế ẩm. Giá tôm cũng có sự sụt giảm từ 20.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại.
Chị Nguyễn Hoài Thương - một tiểu thương tại chợ Cầu Diễn, Nam Từ Liêm than thở: “Trước kia một ngày tôi bán được đến cả chục cân tôm thì hôm nay chỉ bán được 2 - 3 kg. Bây giờ có thông tin không tốt là bị ảnh hưởng ngay lập tức. Có khách hàng vào xem, sờ sờ chọn chọn, hỏi đủ kiểu rồi lại không mua”.
Các tiểu thương bán tôm, cá tại khu vực chợ Mỹ Đình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, người xem nhiều hơn người mua. Dù giá tôm đã giảm khá nhiều nhưng người tiêu dùng vẫn không thực sự mặn mà với món ăn này.
Liên tục xuất hiện các vụ thực phẩm bẩn khiến nhiều người đặt câu hỏi ngoài các cơ sở bị bắt trên, còn bao nhiêu cơ sở vẫn làm những việc trái với lương tâm, vì lợi nhuận trước mắt mà đầu độc người tiêu dùng? Đề nghị các cơ quan chức năng cần ra quân mạnh mẽ, kiểm tra các cơ sở kinh doanh và có những hình phạt thích đáng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và làm gương cho những người khác.
Nhận biết tôm bị bơm tạp chất Nếu quan sát bằng mắt thường không thể phân biệt được tôm có bơm tạp chất hay không. Tuy nhiên, khi sờ tay vào sẽ thấy mình tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng. Mình tôm bơm tạp chất thường cứng, sờ chắc tay, thân tôm căng đến mức các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra. Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt teo héo, khi ăn thịt bở, vị nhạt. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Cách tốt nhất là nên chọn tôm đang còn sống, bơi trong nước. Nếu mua tôm đông lạnh hoặc đã chín, thì nên cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm mới, còn nếu các khớp đứt giãn ra ngay là tôm hỏng hoặc để quá lâu ngày. Cách chọn tôm sú đông lạnh là không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Còn với tôm he nên chọn con có vỏ màu hồng trắng, mắt xanh đen. Với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì đó là tôm không còn tươi. |