Máu hiến sẽ trải qua rất nhiều công đoạn sàng lọc, chiết tách, bảo quản tốn kém trước khi được truyền cho bệnh nhân.
Những ngày này, khi mà lượng máu dự trữ đặc biệt là nhóm máu A và O của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đang trong tình trạng cạn kiệt, hàng trăm người dân đã đến một số điểm để hiến máu nhân đạo. Viện là ngân hàng máu lớn nhất miền Bắc, đang cung cấp máu cho 120 bệnh viện tỉnh, thành khu vực miền Bắc.
Một đơn vị máu thành phẩm sẽ được gắn nhãn ghi rõ thông tin nhóm máu trước khi chuyển vào ngân hàng máu.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn, máu nhân đạo được sử dụng như thế nào, vì sao máu hiến nhân đạo mà bệnh nhân vẫn phải bỏ tiền mua với mức tương đối cao.
Trả lời về vấn đề này GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết, từ máu của người cho đến khi có máu vào ven người nhận phải trải qua rất nhiều công đoạn.
Đầu tiên là tuyên truyền vận động, lấy máu, sàng lọc, phân tách, bảo quản, lưu trữ, mang đến từng bệnh viện. Tất cả các công đoạn tốn rất nhiều kinh phí.
Toàn bộ quy trình lấy máu cho đến khi người bệnh được nhận tại thời điểm này không dưới 2 triệu/1 đơn vị máu. Nhưng thực tế, bệnh nhân trả phí dao động từ 450-810 nghìn/một đơn vị máu. Còn 1,2 triệu/ đơn vị máu do Nhà nước bù lỗ.
Ngoài ra, truyền máu không phải truyền thẳng từ người cho sang người nhận mà phải qua quy trình làm việc ngày đêm của các bác sĩ, kỹ thuật viên nên bệnh viện chi phí rất tốn kém.
Để hiểu rõ hơn về quy trình điều chế máu trước khi truyền cho bệnh nhân, PV Dân Việt đã ghi lại những hình ảnh tại “phân xưởng” điều chế máu lớn nhất miền Bắc – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương:
Trước khi hiến máu, các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu của người hiến
Máu hiến sẽ được đánh tên người hiến, nhóm máu, số lượng cụ thể
Ngày thường, Khoa Điều chế các thành phần máu (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) có khoảng 60 nhân viên làm việc. Với những ngày tổ chức lễ hội hiến máu, con số này có thể lên đến cả trăm người.
Các quy trình đều được quản lý bằng phần mềm
Sau khi xét nghiệm nhóm máu, các nhân viên sẽ tiến hành thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Bộ Y tế quy định bắt buộc sàng lọc với 5 bệnh truyền nhiễm là: HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai và sốt rét.
Xét nghiệm Rh để phân loại nhóm máu, cũng giống như hệ nhóm máu ABO, hệ nhóm máu Rh có 2 nhóm máu là Rh+ và Rh- trong đó ở Việt Nam nhóm Rh+ chiếm tỷ lệ rất cao khoảng 99,96% còn nhóm máu Rh- chỉ chiếm khoảng 0.04%, tức là rất thấp
Nếu các kết quả xét nghiệm đều đảm bảo máu tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm, máu sẽ được đưa vào máy li tâm, từ đó để chiết tách thành các thành phần máu khác nhau như: Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương.
Các sản phẩm chiết tách từ máu hiến : Hồng cầu, tiểu cầu, tiểu cầu gạn tách.
Khi vận chuyển vào kho, máu sẽ được bảo quản trong những dây chuyền lạnh tại Khoa Lưu trữ và phân phối máu của Viện. Máu thành phẩm sẽ phục vụ điều trị cho bệnh nhận tại Viện Huyết học và phân phối cho 120 bệnh viện tỉnh, thành khu vực miền Bắc.
Ngày 23.6, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phát đi thông báo trong ngân hàng máu của Viện chỉ còn khoảng 5.000 đơn vị máu. Với khoảng 5.000 đơn vị máu Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ đủ để cung cấp cho bệnh nhân trong khoảng 3 ngày. Đặc biệt, hai nhóm máu A và O bị thiếu nghiêm trọng. Ngay khi thông tin trên được phát đi, hàng trăm người đã đến Viện Huyết học để tham gia hiến máu tình nguyện. BS Ngô Mạnh Quân, trưởng Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu cho biết, hiện tại ngân hàng máu của Viện Huyết học đã dần ổn định. Tuy nhiên tình trạng khan hiếm máu vẫn là nỗi lo thường trực của các Trung tâm truyền máu, nhất là trong mùa hè. Viện vẫn đang tiếp tục kêu gọi, vận động cộng đồng cùng chung tay vào cuộc trong thời điểm khó khăn này. |