Khi bị sốt xuất huyết, trẻ mất nước qua da, qua hơi thở… khá nhiều nên cần cho uống nhiều nước để bù đắp. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng cô đặc máu, nếu bị cô đặc máu, bệnh dễ trở nặng.
Bị sốt cần đưa đến cơ sở y tế ngay
Đại diện bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khoảng nửa tháng trở lại đây, số lượng trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng nhiều so với những tháng trước. Theo đó, trước đây, mỗi ngày có khoảng từ 28 đến 40 bệnh nhi thì nay tăng từ 80 đến 90 bệnh nhi. Nhiều trẻ nhập viện khi nốt ban đỏ nhiều, sốt ly bì… Mặc dù vậy, đến nay, chưa có bất kì trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, số lượng trẻ nhập viện cũng tăng hơn gấp đôi so với những tháng trước.
Tại TP HCM số lượng bệnh nhân nhập viện tăng
Bác sĩ cho biết, bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Người mắc bệnh này rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí nặng hơn lần trước. Người mắc bệnh này thường chủ quan vì rất dễ nhầm với các triệu chứng bệnh lý về đường hô hấp. Thời gian qua, tại TP HCM, một số trường hợp sốt xuất huyết nhập viện muộn vì cứ ngỡ là bị sốt phát ban hay sốt virus… Nếu bị bệnh này nhập viện trễ, không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Trần Thị Kim Ngân (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, thời gian này là mùa dịch sốt xuất huyết, do đó, nếu bị sốt kéo dài, người dân cần đến cơ sở y tế khám và tư vấn điều trị, không được tự ý điều trị tại nhà.
Bệnh sốt xuất huyết thường bắt đầu bằng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2 đến 7 ngày. Người nhiễm bệnh có các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau khớp, da xung huyết… Đối với các trường hợp bị nặng có thể vật vã, li bì, đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít…
Đối với trẻ, không được cho uống thuốc hạ sốt nhiều. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là Paracetamol đơn chất, liều dùng 10 đến 15 mg/kg cân nặng một lần, cách nhau từ 4 đến 6 giờ. Đặc biệt, không được dùng thuốc quá 60 mg/kg trong vòng 24 giờ.
Hiện tại, có nhiều phụ huynh cho trẻ dùng aspirin, analgin… để điều trị cho con bị sốt xuất huyết là không nên. Bởi, các loại thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu.
Khi bị sốt xuất huyết, trẻ mất nước qua da, qua hơi thở… khá nhiều nên cần cho uống nhiều nước để bù đắp. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng cô đặc máu, nếu bị cô đặc máu, bệnh dễ trở nặng.
Cần người dân chung tay
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM) cho hay, Nam Bộ đang vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi để lăng quăng, muỗi phát triển. Đây là nguyên nhân góp phần đầy mạnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Bên cạnh đó, học sinh đang vào mùa tựu trường, nếu dịch sốt xuất huyết xảy ra dẫn đến nguy cơ lây lan rộng trong môi trường trường học.
Ông cho hay, từ đầu năm đến nay, có khoảng 6.400 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 47% so với cùng kì năm trước. Từ đầu tháng đến nay, tại TP HCM, số lượng người nhập viện vì mắc sốt xuất huyết tăng cao. Theo ghi nhận, trong tuần đầu tháng 8/2015, có hơn 300 trường hợp nhập viện, cao hơn 34% so với trung bình của trung bình bốn tuần trước đó.
Đoàn công tác Sở Y tế TP HCM kiểm tra vật chứa nước tại hộ nhà dân
Điều đáng nói, nhiều khu vực có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao, dù phía y tế cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó, phải nhắc đến quận 8, Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Để tránh tình trạng sốt xuất huyết lan rộng, phát triển thành dịch, Sở Y tế TP HCM đang tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi, tuyên truyền kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết cho cộng đồng.
Giải pháp quan trọng trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết là phun hóa chất, tiêu diệt muỗi trưởng thành. Do đó, các đơn vị y tế khi phun thuốc diệt muỗi phải đảm bảo phun tất cả các hộ gia đình, trong tất cả các tầng nhà, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác…
Ông Dũng kêu gọi người dân cùng cán bộ y tế chung tay diệt sạch lăng quăng trong và ngoài nhà mình trước khi và sau khi phun hóa chất diệt muỗi. Nếu thực hiện được điều này, trên địa bàn sẽ không có lăng quăng, đồng nghĩa với việc muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết không còn. Và lúc này, bệnh sốt xuất huyết sẽ bị diệt tận gốc.